Truyền thông Nhật Bản đưa tin hồi đầu tháng 10, một quan chức Trung Quốc đã bí mật tới Nhật Bản và có cuộc gặp gỡ với một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao nước này nhằm tìm cách giảm bớt căng thẳng giữa 2 quốc gia trong vấn đề tranh chấp Hoa Đông.
Tờ Diplomat nhận định, mặc dù không thể tìm được những lí lẽ chung, song rõ ràng là Bắc Kinh và Trung Quốc đều hi vọng có thể tiến tới một hội nghị song phương về Senkaku/Điếu Ngư. Và có ít nhất 3 lí do để hai nước bí mật tìm cách giải quyết tình hình căng thẳng tại đây thay vì công khai mọi diễn biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tàu hải giám Trung Quốc (giữa) đối đầu với 2 tàu tuần duyên Nhật gần Senkaku/Điếu Ngư.
Thứ nhất, kể từ năm 2010, có thể thấy rõ rằng tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư bị ảnh hưởng khá nhiều vì tinh thần quốc gia dân tộc. Khó có thể nói rằng Bắc Kinh hay Tokyo khẳng định chủ quyền trên nhóm đảo này chỉ bởi những giá trị vốn có của nó. Thực tế, tuyên bố của cả 2 bên đều lấy căn cứ từ lịch sử lâu dài.
Căng thẳng gần đây nhất trên quần đảo này bùng phát năm 2012, sau nhiều cuộc biểu tình rầm rộ, trả đũa thương mại và hàng loạt các hành động phản kháng khác không hề tương xứng với đối tượng đang bị tranh chấp. Chỉ vừa mới tuần tước, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đăng tải lên website của mình những đoạn video nhằm tuyên bố chủ quyền hàng hải của mình và vấp phải sự phản đối từ cả Bắc Kinh cũng như Seoul.
Diplomat cho rằng, trong hoàn cảnh này, ngoại giao bí mật là đặc biệt quan trọng bởi nó cho phép cả Trung Quốc và Nhật Bản dò xét quan điểm của đối phương về một vài lí lẽ chung mà không khiến người dân trong nước tức giận. Trung Quốc khẳng định rằng Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ cố hữu của mình, trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia đang nắm quyền quản lý hòn đảo này, cũng liên tục tuyên bố rằng không có bất cứ tranh chấp nào xảy ra.
Theo tác giả bài viết, để đạt được thoả thuận, mỗi bên đều phải chấp nhận một vài lí lẽ chung nào đó, và điều nảy dường như sẽ dễ dàng hơn nếu diễn ra một cách thầm lặng, kín đáo, không có sự ảnh hưởng của người dân trong nước và những động thái phản ứng từ phía họ.
Thứ hai, những bằng chứng gần đây cho thấy dường như ngoại giao kín không phải là điều mới mẻ đối với Tokyo và Bắc Kinh và rằng cả 2 đã nhận ra giá trị của việc giữ vững chủ nghĩa dân tộc thông qua các phương thức bí mật. Đầu tuần qua, một cựu bộ trưởng trong chính phủ Nhật Bản tiết lộ rằng, năm 2012, cựu Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã tới Bắc Kinh trước khi tuyên bố trước nội các về kế hoạch mua lại một vài hòn đảo tranh chấp. Ông Noda đã hi vọng có thể ngăn Thống đốc Tokyo Shitaro Ishihara mua chúng, tuy nhiên, quan trọng hơn là để xoa dịu Trung Quốc.
Bài báo nhận định, theo như tiết lộ này, Tokyo đã không thể tiếp cận với đủ các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh để trao đổi chi tiết về kế hoạch này trước khi nó được công khai, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc có dấu hiệu ủng hộ chính sách của ông Noda đều bị gạt ra ngoài khi Quốc hội Trung Quốc vào cuộc. Cứ cho rằng như tiết lộ này là sự thật, thì ngay cả khi thất bại, kế hoạch này cũng cho thấy cả 2 bên dường như đều quan tâm tới một thoả thuận tạm thời. Nếu đã từng có một mối quan tâm như vậy trước kia thì nó cũng có thể lại xuất hiện, ít nhất là trên lí thuyết.
Cuối cùng, ngoại giao bí mật có thể là một công cụ quan trọng. Nhật Bản và Trung Quốc đã bằng lòng với tình trạng tranh chấp của quần đảo này. Nhưng sau khi căng thẳng gia tăng trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng cường tuần tra trên biển và rất ít khả năng hai bên sẽ gác lại các tranh chấp. Điều chắc chắn hơn là, giá trị của những hòn đảo này được quyết định bởi chủ nghĩa dân tộc và lịch sử hơn là bởi bất cứ giá trị vốn có của nó - điều vốn có thể giải quyết được bằng chuyển nhượng.
Theo Diplomat, Bắc Kinh và Tokyo nhiều khả năng sẽ phát triển một bộ quy tắc ứng xử tại khu vực tranh chấp. Trường hợp lý tưởng nhất là 2 quốc gia này sẽ tiến hành một số hình thức trao đổi thông tin giúp đối phương dự đoán vị trí cũng như hoạt động của các máy bay, tàu chiến của bên kia. Điều này có thể làm giảm những nghi ngờ của cả hai cũng như ngăn chặn những tình huống không mong muốn xảy ra bất ngờ, ví dụ như các cuộc đụng độ.
Nhiều quốc gia Đông Á, và chắc chắn là Mỹ, sẽ hồi hộp dõi theo các dấu hiệu của một cuộc đối thoại thực sự về tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư bởi bản thân nó đã là một vấn đề gai góc và bởi nó sẽ báo hiệu cho những tiềm năng hợp tác rộng lớn hơn tại khu vực. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột đặc biệt này thì bước tiến - ít nhất là ở giai đoạn đầu - tốt nhất là nên được giữ bí mật.