Trong một bài viết mới đây được đăng tải trên tờ TIME, nhà phân tích Michael Schuman đã giải thích lý do đằng sau việc Nga và Trung Quốc ký được hợp đồng khí đốt sau khoảng 10 năm đàm phán. Theo ông, những từ ngữ ca tụng mà 2 nhà lãnh đạo dành cho nhau trong thời gian này còn hơn là cử chỉ lịch sự về ngoại giao thông thường.
Dưới đây là phân tích của tác giả Michael Schuman trên tờ TIME:
Những ngày này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cần bạn bè, và ông đã tìm thấy ít nhất một người - Trung Quốc. Tạm gác lại cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Putin tuần này đã tới Thượng Hải tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác và Niềm tin ở châu Á lần thứ tư (CICA-4). Vào ngày 20/5, ông đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà theo truyền thông nhà nước, đã “chào đón nồng nhiệt” ông Putin. Ông Tập cho rằng mối quan hệ gần gũi hơn giữa Bắc Kinh và Moscow là một “lựa chọn tất yếu” và quan trọng đối với “sự thịnh vượng của cả hai nước.”
Michael Schuman là nhà báo có tiếng, chuyên viết về các vấn đề kinh tế, chính trị và lịch sử châu Á. Ông đã làm việc cho nhiều tờ báo lớn như Wall Street Journal, Forbes, TIME.
Những từ ngữ này còn hơn là phép lịch sự mang tính ngoại giao. Mặc dù Nga và Trung Quốc thường xuyên tự nhận là bạn bè trong hai thập kỷ qua, song giữa họ vẫn tồn tại sự thiếu tin cậy, hệ quả từ những tranh chấp biên giới trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng những vết thương cũ dường như đang lành lại. Trước khi tới Thượng Hải, ông Putin đã gọi Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy", sau đó còn nhận định rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đã “tốt nhất trong lịch sử nhiều thế kỷ qua.”
Việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine khiến phương Tây áp đặt một loạt trừng phạt đối với Moscow. Trong khi đó, lập trường hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ đã khiến những nước láng giềng xa lánh, làm căng thẳng các mối quan hệ của Nga và Trung Quốc với Mỹ. Trong bối cảnh đó, Moscow và Bắc Kinh cần những sự ủng hộ về ngoại giao trên trường quốc tế mà họ có thể dành cho nhau.
Đòi hỏi về kinh tế cũng khiến hai nước xích lại gần nhau hơn. Nền kinh tế từng một thời gây tiếng vang của Nga nay đang chững lại. Tốc độ tăng trưởng năm ngoái chỉ có 1,3% và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng tương tự trong năm 2014. Điều này khiến Putin rất cần tìm những nguồn đầu tư mới và khách hàng mới cho những sản phẩm xuất khẩu của mình, điều mà Trung Quốc sẵn sàng mang lại. Trao đổi thương mại giữa hai nước đã bùng nổ từ những năm 1990, khi các công ty của Trung Quốc coi Nga là một thị trường tiềm năng của mình. Chỉ trong tuần này, tập đoàn sản xuất ô tô Trường Thành của Trung Quốc thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô trị giá 340 triệu USD tại Nga.
Về phía Nga, cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ khiến việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trở nên cấp bách hơn. Putin đã bắn đi tín hiệu rằng ông coi tương lai kinh tế của Nga nằm ở phương Đông chứ không phải phương Tây khi trong một bài viết vào năm 2012, ông Putin chỉ ra rằng châu Á là “yếu tố quan trọng nhất cho tương lai thành công của cả nước Nga". Những kết quả từ động thái của Putin tại Ukraine càng đầy nhanh tính cấp bách của quá trình chuyển đổi này. Liên minh châu Âu là đối tác thương mại và nguồn đầu tư chính của Nga, và khi các mối quan hệ trở nên căng thăng thì dòng tiền mới tiềm năng từ Trung Quốc sẽ quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn tìm kiếm những nguồn nhiên liệu thô mới như dầu mỏ, gỗ, khoáng sản cho lĩnh vực chế biến của nước này, và Nga đơn giản là có những gì Bắc Kinh khao khát. Trong chuyến công du của mình tới Thượng Hải, ông Putin hy vọng ký kết một hợp đồng bị trì hoãn suốt thời gian dài để Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Gazprom cung cấp khí tự nhiên cho Trung Quốc trong vòng 30 năm. Hợp đồng này sẽ bao gồm xây dựng một đường ống dẫn mới nối giữa hai nước. Thêm nữa, Nga và Trung Quốc có thể giúp nhau thoát khỏi sự khó chịu mà cả hai phải đối mặt: đó là phương Tây.
Một mối quan hệ Nga-Trung gần gũi hơn có ý nghĩa địa chính trị lớn đối với phương Tây. Những cố gắng của Washington và Brussels nhằm gây sức ép đối với Putin về cuộc khủng khoảng ở Ukraine sẽ trở nên khó khăn hơn khi Moscow tìm những nguồn đầu tư, thương mại và ủng hộ về ngoại giao từ Bắc Kinh. Trung Quốc, trong khi đó, cũng có những vấn đề riêng với phương Tây, từ tranh chấp thương mại tới gián điệp mạng. Vào ngày 19/5, Bộ Tư pháp Mỹ đã có một động thái chưa từng có tiền lệ khi kết tội 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì hành vi xâm nhập máy tính Mỹ để đánh cắp thông tin mật.
Xem thêm Video: Putin xuống sân bay Thượng Hải, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc