Bài phân tích rất đáng chú ý trên trang BBC tiếng Trung viết, sau khi cựu Ủy viên Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang bị chính thức điều tra, tạp chí Diễn Đàn Nhân Dân (đơn vị thuộc Nhân Dân Nhật Báo) liên tiếp đăng tải 13 bài xã luận bàn về vấn đề chống tham nhũng, chỉ ra rằng “bước ngoặt chống tham nhũng đã tới”, hoạt động chống tham nhũng “từ trị ngọn chuyển sang trị tận gốc”.
Uy tín của Tập Cận Bình ngày càng mạnh, thậm chí có phần vượt trội so với 2 người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào
Trong loạt xã luận này, nổi bật nhất chính là bài viết của ông Quách Văn Lương - Giám đốc Sở nghiên cứu Lịch sử xây dựng Đảng thuộc Đại học Trung Sơn - với tiêu đề “Đánh giá và phòng ngừa rủi ro trong cơn bão chống tham nhũng”. Ông Quách chỉ ra “Hành động 'đả hổ' ngày càng trở nên quyết liệt hơn, phần tử thoái hóa biến chất sẽ không ngồi chờ chết”. Ông này cũng nhận định rằng để bảo vệ lợi ích nhóm, phần tử tham nhũng sẽ ngoan cố chống đối, thậm chí có thể bắt tay nhau hòng “vồ ngược” chính quyền.
Bài phân tích của Quách Văn Lương sau đó được truyền thông Trung Quốc đua nhau đăng tải dưới một tiêu đề bắt mắt hơn “Đảng chống tham nhũng cần đề phòng “hổ béo” liên kết đánh úp”. Như vậy, “thắng lợi mang tính giai đoạn” sau khi Chu Vĩnh Khang ngã ngựa dường như đã nhanh chóng bị thay bằng tình thế nguy hiểm khi hoạt động chống tham nhũng tiến vào “vùng nước sâu”.
Vậy hình thức “vồ ngược” được hiểu thế nào? Bài phân tích của Quách Văn Lương cũng nói rõ, chính là tìm kiếm “người chống lưng” có vị trí cao hơn để bảo vệ bản thân, hoặc dùng lý do “ảnh hưởng hình tượng của Đảng, gây mất ổn định” nhằm tạo áp lực lên hoạt động điều tra. Bên cạnh đó "hổ và ruồi" còn có thể tìm cách thu thập chứng cứ tham nhũng của đối thủ hoặc quan chức cấp cao hơn…
Nguy cơ “hổ vồ ngược”?
Sau khi ông Chu bị điều tra, truyền thông chính thống của Trung Quốc đối diện với nghi vấn “chống tham nhũng đã chấm hết hay chỉ là dấu phẩy”?
Ông Hoàng Vi Đinh - nguyên Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Hồng Kỳ, nhà nghiên cứu thuộc tạp chí Cầu Thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc – trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Trung cho rằng khả năng “hổ cắn ngược” không lớn. Ông Hoàng đánh giá tính quyết liệt của hành động chống tham nhũng vào thời gian này là “chưa từng có từ trước tới nay”, được sự ủng hộ cao. Ngoài ra, Hoàng Vi Đinh cũng nhận định hành động chống tham nhũng lần này có sự nhất trí cao từ các cấp lãnh đạo, bao gồm cả các vị lão thành cách mạng.
Hoàng Vi Đinh nói, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn sẽ chĩa “mũi giáo” vào bốn loại tham quan, trọng điểm là các đối tượng “không chùn tay”. Ông Vương phát biểu cho biết đối với vợ con quan chức làm doanh nghiệp, nếu hiện tại “ngừng tay” thì có thể sẽ không bị tiếp tục truy cứu. Ông Hoàng đánh giá động thái này cho thấy chống tham nhũng vẫn có “những điểm tiết chế”.
Sau khi Chu Vĩnh Khang "ngã ngựa", các hành động chống tham nhũng của Bắc Kinh có phần chững lại
Hoàng Vi Đinh kết luận ý nghĩa thực sự của việc quyết liệt chống tham nhũng, chính là tạo ra sức răn đe lớn khiến cho những đối tượng đã và đang “có ý định tham nhũng” phải chùn bước.
Tình trạng bế tắc
Tờ Trường Bạch Sơn Nhật Báo ngày 4 tháng 8 đưa tin, Thành ủy Trường Bạch Sơn tỉnh Cát Lâm triệu tập hội nghị Đảng ủy mở rộng, truyền đạt tinh thần của Tập Cận Bình về công tác thanh tra kiểm sát. Bài viết dẫn những lời phát biểu gây chấn động của ông Tập “đấu tranh với hủ bại thì sống chết hay danh dự cá nhân đều không quan trọng”.
Trường Bạch Sơn Nhật Báo đánh giá Tập Cận Bình đưa ra một nhận định mới mẻ đối với tình hình chống tham nhũng, đó là phe tham nhũng cùng bên chống tham nhũng đang ở vào tình trạng “dò xét”, hay gọi là “trạng thái bế tắc”. Nếu nhận định trên trở thành sự thực thì đây sẽ là lời cảnh báo lớn nhất đối với ông Tập từ khi ông này bắt đầu các hành động chống tham nhũng của mình.
Bài viết của Trường Bạch Sơn Nhật Báo sau đó được truyền thông đăng tải rầm rộ, tuy nhiên vào ngày 5 tháng 8 đã bị xóa bỏ toàn bộ nội dung. Thậm chí trên các trang tin lớn như Caixin, Takungpao cũng không thể tìm được thông tin liên quan.
Nhà bình luận thời sự Trung Quốc tại Hongkong – ông Lâm Hòa Lập – nhận định rằng sau vụ “ngã ngựa” của Chu Vĩnh Khang, hai ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tạm thời sẽ không động tới những “con hổ” lớn hơn. Ông Lâm cho rằng ít nhất trong vòng 5 năm đầu nhiệm kỳ của mình, ông Tập sẽ không “xử” thêm “con hổ” nào có vị trí cao hơn Chu Vĩnh Khang.
Trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Trung, Lâm Hòa Lập đánh giá việc xử lý cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu đã gây ra không ít bức xúc, nhiều nhân vật thuộc các nhóm lợi ích có thể bất mãn với sự "nặng tay" của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản TQ (CCDI), dẫn tới động thái phản kháng, thậm chí có nguy cơ “gây ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5% trong năm nay”. Do đó ông Lâm tin rằng “hành động đả hổ” của Bắc Kinh sẽ “nhẹ nhàng” hơn trong 2 năm tiếp theo, nhằm mục tiêu ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ông Lâm Hòa Lập còn cho rằng, bài viết trên Trường Bạch Sơn Nhật Báo bị hạ xuống cho thấy nội bộ Đảng đã có mâu thuẫn. Tuy nhiên ông này cũng nói, mâu thuẫn trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là mâu thuẫn cố hữu đã tồn tại kể từ khi thành lập Đảng năm 1921, vì vậy mức độ chống tham nhũng quyết liệt như hiện nay khiến phát sinh một số biến động trong nội bộ Đảng cũng không đáng ngạc nhiên.
Lâm Hòa Lập kết luận, quyền lực của Tập Cận Bình đã tương đối vững chắc, tuy nhiên xét tới nhiệm kỳ còn tới 8 năm của mình, những “hành động đả hổ” trong tương lai của ông Tập sẽ cần phải vô cùng thận trọng.
Bạn thường xuyên theo dõi các trang tin tức nước ngoài? Nếu bắt gặp những sự kiện mới chấn động, những thông tin hấp dẫn, những lát cắt độc đáo của một sự kiện đang diễn ra hay những nhận định, phân tích thú vị của chuyên gia... hãy dịch hoàn chỉnh và gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: [email protected]. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày. |