Đoàn quân không xung phong
Ngày 4/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đưa vấn đề tấn công Syria trình lên Quốc hội nước này trưng cầu ý kiến. Ngoài ra, cũng trong ngày 4/9, ông Hollande đã vẽ sẵn kế hoạch với việc nếu Quốc hội Pháp không đồng thuận cho tấn công Syria, Pháp vẫn sẽ viện trợ cho phiến quân vũ khí và tiền bạc.
Tổng thống Pháp Hollande.
Kế hoạch này được Tổng thống Pháp quyết định nhanh chóng khi ngày 1/9, trước khi đưa vấn đề Syria lên Quốc hội lưỡng viện, Tổng thống Mỹ đã có cuộc gọi để thông báo cho ông Hollande.
Vấn đề liên quân Mỹ, Anh, Pháp như một trận hình với tiên phong, trung quân, hậu bị.
Người Anh nhận vị trí tiên phong khi nhận nhiệm vụ phóng những quả tên lửa Tomahawk đầu tiên vào Damascus từ tàu ngầm hạt nhân của mình. Tiếp đến, Mỹ sẽ làm trung quân, quân chủ lực, phụ trách phần lớn số tên lửa ấy. Phần còn lại cho người Pháp.
Ngay sau khi nước Anh tuyên bố rút khỏi đội hình, Mỹ phanh gấp, mọi thứ đã đảo chiều.
Vì sao người Mỹ “phanh gấp” đợt tấn công này, có rất nhiều lý do, điều quan trọng nhất, Mỹ đang sợ sa lầy vào một chiến trường Iraq thứ hai mà bản thân Mỹ không đủ điều kiện kinh tế để thực hiện. Hơn nữa, Syria không thể có giá trị bằng Iraq, trong khi lại là lợi ích quốc gia của Nga.
Ngoài gia, các đối thủ Trung Đông khác như Iran, Hezbollah đã hứa hẹn một Trung Đông bất ổn nếu Mỹ tham chiến. Đồng thời, người dân Mỹ phản đối kịch liệt cuộc tấn công này. Bài học Iraq vẫn còn đau xót với người Mỹ.
Đồng thời, nếu tấn công hạn chế, chắc chắn sẽ không mang hiệu quả như ý muốn khi Assad đã kịp phân tán lực lượng và chờ đợi nước Mỹ. Hội đồng Bảo an LHQ cũng chưa thông qua việc trừng phạt Damascus vì chưa đủ bằng chứng.
Dù thế nào, Mỹ sẽ phải hi sinh nhiều thứ nếu tấn công Assad. Trong hoàn cảnh éo le này, Mỹ rất cần một đồng minh tiên phong để chia bớt búa rìu dư luận.
Pháp có non tay?
Báo chí Pháp vài ngày qua đã đồng loạt lên tiếng chế nhạo ông Hollande là một người “non tay trong trò chơi chính trị” khi vị Tổng thống này đã “phản ứng quá nhanh và tuyên bố vội vàng” để rồi sập bẫy Obama.
Nhiều mỹ từ được gắn cho Hollande như “cậu bé mặc áo khoác người lớn”, nhằm ám chỉ hành động vung tay quá trán của ông này khi kịch liệt kêu gọi trừng phạt Assad, thậm chí đã điều tàu chiến đến Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, Hollande không hề là tay mơ. Syria khác với Lybia năm 2011, khi đó Pháp, Anh là hai người tiên phong đánh sập chế độ độc tài Muammar Gaddafi.
Vì sao Tổng thống Pháp lúc đó là ông Nicolas Sarkozy điều binh tiễu trừ Gaddafi? Loại bỏ những yếu tố tranh giành ảnh hưởng chính trị cho cuộc bầu cử sắp tới, điều nổi lên rõ nhất là “tiền”.
Các tập đoàn tài phiệt của Pháp thi nhau ký kết những bản hợp đồng béo bở với chế độ mới ở Lybia về việc thu mua dầu mỏ giá rẻ. Lybia chỉ đứng thứ 7 về trữ lượng, nhưng chất lượng dầu mỏ lại thuộc hàng đầu.
Sarkozy mang dầu và tiền đến cho các nhà tài phiệt, còn các nhà tài phiệt dùng tiền của mình để củng cố vị thế chính trị cho Tổng thống lúc bấy giờ.
Nhưng với Syria hoàn toàn khác. Hiện tại, thế cục Syria không đơn thuần là trò chơi chiến tranh một – một đơn thuần mà còn hơn cả “tam quốc phân tranh” với quá nhiều phe phái đan xen.
Bản thân người Mỹ nổi tiếng thực dụng và hiệu quả còn phải tính toán, cân nhắc lại những lợi ích, vậy người Pháp đâu cần “múa rìu qua mắt thợ”?
Ngoài ra, việc đầu tư của Pháp cho lực lượng phiến quân tại Syria không thể so sánh được với Qatar, Ả Rập Saudi, Pháp chỉ có được vị thế nếu cùng Mỹ lật đổ Assad như đã làm với Gaddafi. Còn với quy mô chiến tranh hạn chế, người Pháp không đạt được nhiều như họ muốn.
Hơn nữa, nếu có một tiếng súng khai cuộc, Mỹ sẽ có lý do để gạt đi ý dân hay quốc hội để tham chiến. Nhưng ông Hollande cũng hiểu rằng mở ra chiến tranh thì dễ, khép lại thì khó, người nào mở ra thì sẽ phải kết thúc, và nước Pháp không quen làm nhiệm vụ ấy.
Hơn nữa, Trung Quốc, Nga đang ra sức can ngăn việc tấn công Syria. Mỹ có thể coi các cường quốc kia dưới tầm mà bỏ ngoài tai những lời đe dọa, nhưng với Pháp, quốc gia này không đủ lực làm điều ấy.
Tuy nhiên, tất cả những gì vị Tổng thống này phải nghĩ hiện tại là gỡ được thế tiến thoái lưỡng nan tương tự như Tổng thống Mỹ, một khi đã tuyên bố, rút lời là không thể được.
Trong ván bài Syria này, có vẻ như việc dừng cuộc chơi của người Anh là một quyết định sáng suốt và đúng lúc.