Vì sao Nga mở rộng căn cứ hải quân ở Syria?

Minh Thu |

Việc mở rộng căn cứ hải quân Tartus ở khu vực bờ biển Syria nhằm giúp Nga hiện thực hóa kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Địa Trung Hải đang bị Mỹ và châu Âu nghi ngờ làm điểm tập kết vũ khí và chuyển giao cho quân đội của Tổng thống Assad.

Quân đội Nga đang cho mở rộng một căn cứ hải quân quy mô nhỏ ở Tartus thuộc khu vực bờ biển Syria để sẵn sàng đón nhận các tàu chiến và tàu vận tải cỡ lớn.

Nhưng tờ Kommersant cho rằng đây là một phần trong kế hoạch tăng cường các lực lượng quân sự Nga trên lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Tổng thống Syria Bashar Assad.

Thông tin trên được tiết lộ đúng thời điểm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng các tướng quân sự và tình báo nước này lên đường tới Moscow hôm 21/9 để nhóm họp với Tổng thống Vladimir Putin đồng thời thảo luận những phương pháp ngăn chặn đụng độ không đáng có giữa các lực lượng Nga và Israel hoạt động ở Syria.

Trong những tuần gần đây, Israel, Mỹ và châu Âu liên tiếp cáo buộc Nga cung cấp vũ khí quân sự cho quân đội chính phủ Syria.

Nhiều báo cáo nghi ngờ Nga cho triển khai tiêm kích Su-30, xe tăng, xe thiết giáp và binh lính tới sân bay ở Latakia, hiện đang thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ Syria.

Về phần mình, Nga đã cho triển khai khoảng 1.700 chuyên gia quân sự tới một căn cứ hải quân quy mô nhỏ ở Tartus, cách phía nam Latakia 90 km.

Theo Kommersant, trong những ngày gần đây, một số lượng lớn binh lính và nhà thầu dân sự của  Nga cũng đã có mặt ở căn cứ Tartus.

"Họ đang tiến hành nâng cấp và bảo vệ căn cứ Tartus cũng như sửa chữa khu cầu cảng", một binh sĩ giấu tên đóng quân ở Tartus chia sẻ với Kommersant.

Cũng theo người này, các chuyên gia quân sự Nga đã luân chuyển hoạt động tới và đi khỏi Syria trong suốt 3 tháng qua.

Còn theo Kommersant, thông tin trên đã được một quan chức trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga xác nhận.

Song nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga khẳng định hoạt động mở rộng Tartus thành một căn cứ hải quân toàn diện không liên quan tới việc Moscow sẽ can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.

Thay vào đó, sau quá trình nâng cấp, "Tartus sẽ trở thành nơi neo đậu của các tàu tuần dương cỡ lớn cho tới tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu vận tải thuộc đội tàu Địa Trung Hải của Nga".

Tuy nhiên, ngoài vị trí là nơi neo đậu tạm thời của đội tàu Nga trên Địa Trung Hải, Tiến sĩ Theodore Karasik, một chuyên gia địa chính trị và quân sự tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nhận định Moscow có 2 lý do để nâng cấp căn cứ hải quân nằm ở khu vực bờ biển của Syria.

Theo ông Karasik, thứ nhất, cảng hải quân Tartus tuy có quy mô nhỏ nhưng là lối đi chính nếu Nga muốn chuyển các thiết bị quân sự hỗ trợ cho chính phủ Syria.

Thứ hai, việc Nga mở rộng căn cứ Tartus không chỉ là bước chuẩn bị cho kế hoạch giúp đỡ chính quyền Tổng thống Assad mà đây còn là khu vực giúp Moscow tăng cường sự hiện diện ở vùng phía đông Địa Trung Hải.

Được mệnh danh là "Tuyến đường tốc hành vào Syria", căn cứ Tartus lâu nay được xem vị trí đầu cầu để Nga chuyển vũ khí và thiết bị quân sự tới Syria.

Theo tờ Kommersant, kể từ năm 1956, Moscow đã cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria.

Tính tới năm 1991, tổng số vũ khí mà Liên Xô cũ chuyển giao cho Damascus có giá trị lên tới 26 tỷ USD. Sau khi Liên Xô cũ tan rã, hoạt động buôn bán vũ khí giữa Nga và Syria vẫn diễn ra nhưng giá trị của các thương vụ không được tiết lộ.

Dẫn nguồn tin giấu tên từ tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga, Kommersant cho hay Nga đã chuyển các loại vũ khí hạng nặng như hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion, xe tăng chiến đấu T-80, chiến đấu cơ Su-27 cho chính phủ Syria kể từ năm 2010.

Trước đây, Tartus từng là điểm vận chuyển vũ khí của Nga tới Syria từ năm 1971, thời điểm Moscow thuê lại căn cứ hải quân này. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, quy mô hoạt động tại Tartus đã giảm mạnh.

"Căn cứ này lâu nay không còn được sử dụng nhiều và cũng không được nâng cấp.

Tartus hiện không thể đáp ứng hoạt động của các tàu chiến lớn của Nga và đó là lý do mà nó được nâng cấp", ông Yury Barmin, một chuyên gia người Nga về hoạt động buôn bán vũ khí và chính trị ở Trung Đông nói.

Ngay cả khi cuộc nội chiến ở Syria bùng phát hồi năm 2011, chỉ có một vài nhân viên quân sự và nhà thầu dân sự Nga có mặt ở Tartus. Căn cứ này cũng chỉ đủ khả năng phục vụ những chiếc tàu đi biển có quy mô nhỏ nhất của Nga.

Song Nga đã lên kế hoạch tái hiện diện ở Tartus kể từ năm 2010, thời điểm cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc Vladimir Vysotsky thông báo chương trình nâng cấp cơ sở này thành khu vực neo đậu của các tàu cỡ lớn như tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Theo kế hoạch, toàn bộ kế hoạch trên sẽ hoàn thành vào năm 2012 và được triển khai theo 2 giai đoạn.

Đầu tiên, Nga sẽ cho thiết lập một căn cứ quân sự sau đó mở rộng các cơ sở hải quân. Nhưng cuộc nội chiến ở Syria đã cản trở tiến độ triển khai kế hoạch của Nga.

Song hiện nay, nguyên nhân chính khiến Nga quyết định nâng cấp căn cứ hải quân Tartus và mở rộng cơ sở quân sự làm nơi neo đậu cho các tàu cỡ lớn là tạo cơ hội giúp Moscow tăng cường sự hiện diện ở Địa Trung Hải.

Bởi hồi tháng Bảy, Nga đã cho nâng cấp học thuyết hải quân và chú trọng tăng cường triển khai hoạt động tuần tra ở những khu vực như Địa Trung Hải, nơi Liên Xô cũ từng chiếm ưu thế hiện diện.

Nhưng để hiện thực hóa kế hoạch trên buộc Hạm đội Biển Đen phải rời khỏi Sevastopol cùng với sự hỗ trợ của Hạm đội Biển Bắc, Nga cần có hạ tầng cơ sở cầu cảng ở Địa Trung Hải để neo đậu tàu thuyền làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu và bảo trì.

"Mở rộng căn cứ Tartus và biến nó thành căn cứ hải quân sẽ hỗ trợ công tác hậu cần cho hạm đội của Nga trên hành trình trở lại Biển Đen thông qua Bosphorus", chuyên gia Barmin nói.

Mặc dù Tartus hiện là mối ưu tiên hàng đầu của Nga nhưng đây không phải là nơi duy nhất Moscow đặt căn cứ để neo đậu tàu thuyền.

"Bộ Quốc phòng Nga đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng các cầu cảng khác ở Địa Trung Hải, Cộng hòa Bắc Síp mà còn tiếp cận khu vực đường biển ở Ai Cập, Libya, Hy Lạp và Italy.

Rõ ràng, điện Kremlin đang muốn thiết lập hệ thống trung tâm đường biển ở Địa Trung Hải, Biển Đỏ và vịnh Oman", ông Karasik nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại