Vì sao Nga là mục tiêu của những vụ tấn công khủng bố?

Thông tin mới nhất được đăng tải trên báo chí Nga về hai vụ đánh bom ở Volgograd ngay trước thềm năm mới và Thế vận hội Mùa đông 2014 là số người chết đã tăng lên 34.

Các nhà chức trách Nga đã dựng được chân dung nghi phạm. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là tại sao Nga lại trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố?

Vì sự khiêu khích táo bạo?

Các chuyên gia Nga nhận định, hai vụ đánh bom tự sát không xuất phát từ sự cuồng tín tôn giáo, tất cả đều được lên kế hoạch từ trước. Cơ quan tình báo phương Tây, Saudi Arabia và Qatar đứng đằng sau các nhóm khủng bố và tội phạm đang hoạt động tại Nga.

"Có nhiều lý do để khẳng định rằng, những gì xảy ra mới là sự khởi đầu của một kế hoạch tấn công quy mô lớn gây bất ổn cho Nga. Nhiều kẻ thù đang tìm cách phá hoại uy tín của nước Nga, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội" - ông Saeed Gafurov, GĐ của Viện Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi - nói.

Theo các chuyên gia, mục tiêu rõ nét nhất mà những kẻ đánh bom liều chết thực hiện là nhằm gây mất ổn định chính trị ở Nga trước thềm năm mới và trước khi Thế vận hội Olympic ở Sochi diễn ra.

Sau khi xem xét đoạn video được camera an ninh ghi lại về vụ đánh bom hôm 29.12, các quan chức Nga cho hay, một người đàn ông và người phụ nữ khả nghi đã xuất hiện trong đoạn phim, kích nổ một balô hoặc túi chứa đầy bom khi họ tiếp cận máy dò kim loại bên ngoài lối vào trạm xe lửa.

Truyền hình Nga đưa tin, "góa phụ đen" Oksana Aslanova - 26 tuổi - là nghi phạm đứng đằng sau cuộc tấn công đầu tiên. Đó là một phụ nữ Caucasus, có hai người chồng tham gia các băng nhóm Hồi giáo ly khai đã chết. Kẻ đánh bom tự sát thứ hai nhằm vào một chiếc xe bus là nam giới.

Các nhà chức trách nói rằng, hai vụ tấn công này khả năng có sự liên kết với nhau. Tuy nhiên, thông tin mới nhất được đăng tải trên tờ Daily Mail (Anh) thì Pavel Pechyonkin - một y sĩ đã chuyển sang đạo Hồi - có thể là người đã đánh bom tại ga xe lửa Volgograd chứ không phải “góa phụ đen” Oksana Aslanova như nhận định trước đó.

Theo lời kể của ông Nikolair - cha đẻ của Pechyonkin, sau khi tốt nghiệp trường y, Pechyonkin có nhiều sự chuyển biến tích cực, nhưng Pechyonkin đã “mất tích” cách đây 6 tháng sau một lần đến Moscow. Cha mẹ Pechyonkin là ông Nikolair và bà Fanaziya đã lên tiếng kêu gọi con trai trở về nhà vào đầu năm mới qua đoạn video được đăng trên Youtube.

Ông Nikolair và bà Fanaziya đã cầu xin con trai đừng sử dụng bạo lực và mô tả cuộc sống của họ như “địa ngục” khi thiếu Pechyonkin. Trên đoạn video đáp lại lời kêu gọi của bố mẹ, Pechyonkin nói rằng, hắn đang làm việc theo ý Chúa trời và sẽ không trở về.

Các chuyên gia nghi ngờ rằng, vụ đánh bom này do Doku Umarov (nhân vật được gọi là "Bin Laden của Nga" - một nhà lãnh đạo ly khai) chỉ huy. Vào tháng 7 năm ngoái, Doku Umarov đã kêu gọi lực lượng chống lại Nga trong thời điểm diễn ra Thế vận hội Sochi, vì cho rằng, Nga tổ chức thế vận hội ở Sochi trong khi vẫn đang tranh chấp lãnh thổ với Chechnya là “sự khiêu khích táo bạo”.

Là người đứng đầu nhóm có tên gọi Caucasus Emirate, Umarov đã nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ đánh bom tự sát trước đó ở Nga khiến hơn 100 người thiệt mạng, trong đó vụ tấn công vào sân bay Domodedovo (2011), vụ đánh bom tàu điện ngầm Moscow (2010), vụ tấn công tàu cao tốc Nevsky Express (2009).

Ông Umarov và lực lượng của mình cũng bị cáo buộc đã thực hiện vụ đánh bom tự sát bên ngoài Bộ Nội vụ Chechnya năm 2009. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Caucasus Emirate vào danh sách nhóm khủng bố nước ngoài và treo thưởng số tiền 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin để bắt giữ Umarov.

“Sự trả thù” vì chiến lược ngoại giao không cương quyết của Nga?

Theo ông Saeed Gafurov, các vụ đánh bom là sự trả thù hành động của Nga ở Syria và là kết quả của chiến lược ngoại giao không cương quyết của Nga. "Nga có một số sai lầm ở Trung Đông và vịnh Ba Tư - khi “sự hào phóng” và mềm dẻo không được đặt đúng chỗ. Nga đã làm ngơ vụ việc có liên quan đến Đại sứ Nga Titarenko ở Qatar. Nga cũng không có bất cứ phản ứng gì khi Saudi Arabia xâm lược Bahrain. Họ phát hiện ra “điểm yếu” này của Nga và tăng kinh phí hoạt động cho những nhóm Hồi giáo giáo cực đoan hoạt động ngầm ở Nga".

Ông Saeed Gafurov cho biết thêm, kinh phí tài trợ cho những băng nhóm tội phạm không chỉ xuất phát từ Doha hay Al Riyadh, mà có thể còn xuất phát từ những tổ chức có trụ sở ở London. Những thông tin này cũng được tờ Russian Today và một số ấn phẩm phương Tây và Arập đưa tin vào 8.2013, sau chuyến thăm của Hoàng tử Saudi Arabia Bandar bin Sultan đến Moscow. Hoàng tử Bin Sultan có nói rằng, để đảm bảo an toàn cho Olympic Mùa đông tại Sochi, Nga phải nhượng bộ một số vấn đề liên quan đến Syria.

Ngoài vấn đề tài chính và sự chỉ đạo từ bên ngoài, những bất ổn bên trong nội bộ của Nga tạo ra “kẽ hở” cho chủ nghĩa cực đoan và khủng bố hoạt động. “Sự phân tầng xã hội và tham nhũng là những vấn đề đáng bàn trong nội bộ Nga. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát quá bận rộn với những vấn đề ít quan trọng, như vấn đề di cư chẳng hạn.

Nguyên nhân xã hội trực tiếp làm xuất hiện những “ứng viên” đánh bom tự sát mới và rất khó khăn để giải quyết vấn đề này" - đại tá Alexey Filatov, cựu chuyên viên chống khủng bố - nhận định. Ông Evgeny Lobachev thì cho rằng, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, lực lượng an ninh Nga đã mất khá nhiều chuyên gia giỏi và phải mất thời gian dài để trở lại thời kỳ “huy hoàng” đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại