Vì sao Nga, Iran, Trung Quốc ủng hộ Syria?

Vì sao Nga, Iran và Trung Quốc ủng hộ chế độ Syria, vốn bị cáo buộc giết hại hàng chục nghìn dân thường trong cuộc nội chiến hơn 2 năm qua?


	Syria đang đứng trước nguy cơ bị tấn công.

Syria đang đứng trước nguy cơ bị tấn công.

Nga

Có hai lý do Nga quan tâm đến Syria. Một là lý do kinh tế. Nga là một trong những nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Syria. Hợp đồng Syria ký với ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể đã vượt mức 4 tỉ USD - theo ông Jeffrey Mankoff, chuyên gia chương trình Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu quốc tế chiến lược.

Ông lưu ý rằng Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính giá trị vũ khí Nga bán cho Syria đạt 162 triệu USD/năm trong năm 2009 và 2010. Mátxcơva cũng ký hợp đồng trị giá 550 triệu USD với Damascus để cung cấp máy bay huấn luyện chiến đấu. Ngoài ra, Nga có căn cứ hải quân ở Tartus, Syria, tạo điều kiện cho hải quân Nga trực tiếp tiến vào Địa Trung Hải.

Lý do thứ hai là ý thức hệ. Mục tiêu quan trọng trong chính sách của Nga là ngăn cản nỗ lực của Mỹ nhằm định hình khu vực. Nga không tin rằng các cuộc cách mạng, chiến tranh và sự thay đổi chế độ đem lại ổn định và dân chủ. Nga luôn lấy mùa xuân Arab và cuộc chiến ở Iraq do Mỹ dẫn đầu làm bằng chứng.

Nga cũng không tin tưởng ý định của Mỹ trong khu vực. Họ cho rằng mối quan tâm nhân đạo thường được sử dụng như một cái cớ để Mỹ theo đuổi lợi ích kinh tế và chính trị.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định rằng không có bằng chứng cho thấy chính phủ Syria đứng đằng sau vụ tấn công hóa học. Bất kỳ kế hoạch nào tấn công Syria đều là vi phạm hiến chương LHQ.

Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Washington cố tình "tạo ra lý do vô căn cứ để can thiệp quân sự". Tại cuộc họp kín của HĐBA LHQ, đại diện của Nga đã bước ra khỏi phòng họp sau 75 phút thảo luận.

Nga là thành viên thường trực của HĐBA, có quyền phủ quyết nghị quyết HĐBA về Syria và đã nhiều lần làm như vậy trong 2 năm qua. Do đó nếu Mỹ và đồng minh dựa vào sự chấp thuận của LHQ để tiến hành tấn công quân sự, họ sẽ phải chờ đợi một thời gian dài.

Iran

Iran và Syria bị ràng buộc bởi hai yếu tố: tôn giáo và chiến lược. Về mặt tôn giáo, Iran là quốc gia Hồi giáo dòng Shiite lớn nhất thế giới. Chính phủ Syria bị chi phối bởi người Alawites, một nhánh của người Shiite, trong khi phe nổi dậy chủ yếu là người Sunni.

Iran coi Syria là đồng minh Arab duy nhất trong cuộc chiến kéo dài 8 năm với Iraq, nước có rất đông người Sunni.

Điều cuối cùng Iran muốn là một nước Syria bị chi phối bởi người Sunni, đặc biệt khi những nước ủng hộ chính của phe nổi dậy là hai đối thủ của Iran ở vùng Vịnh: Qatar và Saudi Arabia.

Về mặt chiến lược: Đối với Iran, Syria cũng là một đồng minh chiến lược quan trọng, là chất kết nối với lực lượng Hezbollah người Shiite ở Lebanon, thông qua đó Iran có thể đe dọa Israel bằng kho vũ khí tên lửa tầm ngắn của mình.

Năm 2009, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Damascus tiết lộ rằng Syria đã bắt đầu cung cấp tên lửa đạn đạo cho Hezbollah. Do đó, lợi ích của Iran là mong muốn duy trì chế độ của ông Assad.

Giới tình báo phương Tây tin rằng nước CH Hồi giáo đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật như thông tin tình báo, thông tin liên lạc và tư vấn về kiểm soát biểu tình, vũ khí.

Một ủy ban của LHQ hồi tháng 5 cho biết Iran vận chuyển vũ khí tới Syria nhưng bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số vũ khí này có súng trường, thuốc nổ, kíp nổ, súng máy và đạn súng cối.

Chuyên gia Ayham Kamel của Nhóm Âu-Á tin chắc Iran cần phải được cảnh báo rằng thủy triều đang quay lại chống Assad. "Iran có thể có thông tin chính xác tuyệt vời về vị thế của ông Assad. Thông tin này sẽ làm rõ rằng Iran nhiều khả năng sắp mất đồng minh duy nhất trong khu vực, làm giảm đáng kể tầm chiến lược của mình".

Iran tin rằng phương Tây và hầu hết các nước Arab hùa với nhau để thay đổi chế độ ở Syria. Theo Iran, mục tiêu chính của âm mưu này là làm khu vực an toàn hơn cho Israel.

Nhiều người tin rằng Iran là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là về tiềm năng hạt nhân. Hiện chưa rõ Iran sẽ đáp trả thế nào nếu Syria bị tấn công, nhưng chắc chắn sẽ có những tuyên bố hùng hồn. "Những lời đe dọa của Mỹ và sự can thiệp nếu có vào Syria là một thảm họa cho khu vực. Nếu hành động như vậy, người Mỹ sẽ chịu tổn thất như từng can thiệp vào Iraq và Afghanistan.

Trung Quốc

Quan hệ giữa Trung Quốc với Syria có nhiều sắc thái hơn. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Syria trong năm 2010, theo số liệu của Ủy ban Châu Âu.

"Mối quan tâm mới của Bắc Kinh tại Damascus - trước đây là con đường tơ lụa - chứng tỏ rằng Trung Quốc coi Syria là một trung tâm thương mại quan trọng" - báo cáo năm 2010 của Quỹ JamesTown, Mỹ cho hay.

Nhưng có một yếu tố khác lớn hơn. Trung Quốc nói rằng nước ngoài không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Syria. Bên cạnh đó, Trung Quốc không muốn lặp lại những gì đã xảy ra ở Libya, trong đó Bắc Kinh đã bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết của HĐBA LHQ mở đường cho cuộc can thiệp quân sự của NATO vào Libya. Do đó, Trung Quốc đã "xây dựng một chiến lược tinh vi hơn nhiều" đối với Syria. Thay vì đứng về một trong hai phía là Assad hay phe đối lập với một bên là đứng ra bên cạnh để "chờ xem", thì Bắc Kinh tích cực đặt cược vào cả hai.

Trung Quốc kịch liệt phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và ủng hộ thanh sát viên LHQ vào Syria điều tra. Bắc Kinh tuyên bố muốn có một giải pháp chính trị cho Syria, mặc dù một số người nói rằng những hy vọng như vậy ngày càng suy yếu. Giống như Nga, Trung Quốc cũng bỏ khỏi phòng họp của HĐBA và nhiều lần phủ quyết nỗ lực chống lại chính quyền Syria.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại