Theo Washington Post, các lực lượng tham gia chiến dịch giải phóng Palmyra khỏi tay Nhà nước Hồi giáo (IS) bao gồm quân đội chính phủ Syria, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, và các tay súng phong trào Hezbollah,
Và hôm 29/3 vừa qua, các quan chức Nga cho biết, thắng lợi tại Palmyra còn có đóng góp vô cùng quan trọng của một nhóm vũ trang khác: lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Nga, hay còn được biết đến với cái tên Spetsnaz.
Binh sĩ Nga trực tiếp xuất hiện trên chiến trường Syria cũng không phải điều gì quá mới mẻ.
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin chính thức phát động chiến dịch can thiệp quân sự hồi tháng 9, ai cũng biết quân đội Nga đã dùng đến cảng Tartus và căn cứ không quân Latakia, nhưng các hoạt động của Spetsnaz trên bộ thì đa phần vẫn được điện Kremlin giữ bí mật.
Tuy nhiên, sau chiến dịch Palmyra, điều đó đã thay đổi. Hôm 29/3 vừa qua, các quan chức Nga đã tự hào tuyên bố rằng thành phố cổ này đã "được giải phóng với sự tham gia của Spetsnaz và các cố vấn quân sự Nga".
Theo chuyên gia Chris Kozak thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW), sở dĩ lần này Nga công khai chiến công của Spetsnaz là bởi chiến thắng tại Palmyra rất hợp để điện Kremlin lấy đó làm hình ảnh cho chiến dịch chống IS, và khẳng định nước này đem quân tới Syria với mục đích chính là tiêu diệt khủng bố.
Mặt khác, ông Kozak cho rằng, việc Spetsnaz cũng như không quân Nga công kích phe nổi dậy tại Aleppo hay Latakia không thật sự phù hợp với hình ảnh nói trên.
Đến nay, vẫn chưa rõ chính xác từ bao giờ đặc nhiệm Nga bắt đầu hoạt động tại Syria, song từ trước khi Nga can thiệp quân sự, quân đội nước này đã có mặt tại Syria làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện.
Theo chuyên gia phân tích hoạt động quân đội Nga Michael Kofman, các lực lượng đặc nhiệm Nga tại Syria hiện nay có Zaslon, KSO, và một số lực lượng trinh sát khác.
Zaslon là một phân đội thuộc Lực lượng Tình báo Quốc tế Nga (SVR), thường gánh vác trọng trách đảm bảo an ninh tại các khu vực rủi ro cao. Còn KSO là lực lượng đặc nhiệm chịu sự quản lý trực tiếp của bộ Quốc phòng Nga, và mới được thành lập cách đây vài năm.
Đặc nhiệm Zaslon. Ảnh: Daily Caller
"Đặc nhiệm Nga đã và đang làm nhiệm vụ xác định mục tiêu cho không quân Nga, cũng như cố vấn cho quân đội Syria" - ông Kofman cho biết. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đa số thông tin tình báo trên bộ Nga thu thập được cũng là nhờ các lực lượng đặc nhiệm.
Khác với phần lớn các lực lượng đặc nhiệm Mỹ làm nhiệm vụ cố vấn quân đội Syria và Iraq nơi "hậu trường", dường như đặc nhiệm Nga còn trực tiếp tham chiến cùng binh sĩ chính phủ Syria ở cấp độ chiến thuật.
Sự hiện diện của đặc nhiệm và cố vấn quân sự Nga nơi tiền tuyến đã góp phần không nhỏ vào những chiến thắng của quân đội Assad trên nhiều mặt trận.
Theo ông Kofman, dù không nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông như các chiến đấu cơ, song chính đặc nhiệm và cố vấn quân sự Nga mới thực sự là chất keo kết dính quân đội Syria rời rạc của ngày xưa trở thành một lực lượng có sức chiến đấu như hôm nay.
"Thật khó để tạo nên sự khác biệt với số lượng máy bay ít ỏi như hiện nay, dù chúng hoạt động với tần suát rất cao" - chuyên gia Kofman nói thêm.
Nga đã và đang là chất xúc tác trong mục tiêu lấy lại những gì đã mất vào tay phe nổi dậy, IS và al-Nusra trong suốt 5 năm qua của Assad. Song những tháng gần đây, quân đội Iran (dù có nhiều thông tin đã rút) và Hezbollah cũng thể hiện vai trò quan trọng.
Nhưng sự hiện diện của đặc nhiệm Nga trên bộ cũng có cái giá của nó.
Chỉ vài ngày trước khi Nga tuyên bố Spetsnaz đá góp công giải phóng Palmyra, hãng tin Interfax dẫn lời một quan chức Nga cho biết, một đặc nhiệm nước này đã "hi sinh anh dũng". Sau khi bị IS bao vây, đặc nhiệm này đã gửi tín hiệu cho chiến đấu cơ không kích thẳng vào vị trí của mình.
Câu chuyện về cái chết của đặc nhiệm Nga đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của người dân nước này.
Đặc nhiệm Nga Alexander Prokhorenko (trái) tử trận tại Syria. Ảnh: East2West News
Theo Washington Post, thường thì Nga chỉ công bố thông tin vài tháng sau khi một binh sĩ nước này chết trận. Cho đến thời điểm hiện tại, Nga đã thừa nhận cái chết của 7 binh sĩ tại Syria.
Nhưng lần này thì khác. Theo ông Kofman, Nga lập tức công khai việc đặc nhiệm nước này hi sinh tại Palmyra cũng một phần để nhấn mạnh mục tiêu chính của họ tại quốc gia Trung Đông này là tiêu diệt IS nói riêng và khủng bố nói chung.
Tuy vậy, chính phủ Nga vẫn chưa công khai tổng số binh sĩ thiệt mạng trong chiến dịch giành lại Palmyra.
Trong vài tuần qua, IS tuyên bố đã giết hại một nhóm đặc nhiệm Nga. Một hãng tin có liên quan tới tổ chức này đã đăng tải hình ảnh một túi vật dụng, trong đó có chứa một quả mìn Nga, và được cho là của một đặc nhiệm nước này đã thiệt mạng tại Syria.
Ngoài ra, IS cũng đăng tải hình ảnh được cho là lấy từ điện thoại của một đặc nhiệm Nga, trong đó có ảnh riêng của đặc nhiệm này cũng như ảnh chụp chung với các đặc nhiệm khác trong đơn vị.
Tuy nhiên, không rõ liệu vật dụng và hình ảnh từ điện thoại có cùng thuộc về một người hay không, bởi một số thông tin cho rằng nhóm người trong ảnh là một nhóm lính đánh thuê, không phải đặc nhiệm Nga.