Lãnh đạo vùng Catalonia Artur Mas đã chính thức kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử sớm vào ngày 27-9-2015. Đây là sự kiện mà ông Artur Mas mong muốn tận dụng như một cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha.
Theo kế hoạch, đảng Hội tụ và Liên minh (CiU) trung hữu cầm quyền của ông Artur Mas và đảng Cánh tả Cộng hòa xứ Catalonia (ERC) cùng liên kết để đề cử các ứng cử viên và khẳng định sẽ đơn phương rời khỏi Tây Ban Nha nếu giành được đa số phiếu ủng hộ.
Trước lập trường cứng rắn của lãnh đạo vùng Catalonia, chính quyền Tây Ban Nha đã phát đi nhiều tín hiệu "xuống thang".
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo đã tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc đàm phán về sửa đổi Hiến pháp, trao thêm quyền về tài chính cho vùng Catalonia.
Ông Margallo cũng thừa nhận hệ thống phân bổ ngân sách hiện hành chưa "công bằng" đối với những vùng như Catalonia.
Cải cách hiến pháp chính là nhằm điều chỉnh những bất cập, trao lại cho địa phương quyền sử dụng một số loại tiền thuế đánh vào các mặt hàng rượu, thuốc lá, trong khi thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng vẫn nộp lại cho chính quyền trung ương.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tây Ban Nha khẳng định các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra sau khi Catalonia tổ chức cuộc bầu cử khu vực.
Catalonia vốn là vùng đất giữa Tây Ban Nha và Pháp và vùng này đã thuộc về Tây Ban Nha kể từ sau cuộc xâm lăng vào năm 1.500 trước Công nguyên.
Với dân số 7,5 triệu người và nền kinh tế năng động bên bờ Địa Trung Hải, Catalonia, vùng đất ở miền Đông Bắc Tây Ban Nha này có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD.
Nếu đứng riêng một mình, kinh tế Catalonia xếp hạng 34 thế giới, cao hơn cả Hong Kong (Trung Quốc) hay Bồ Đào Nha.
Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm, thu nhập của người Catalonia được đánh giá là cao hơn cả thu nhập của người dân Hàn Quốc hay Italy.
Ở Tây Ban Nha, Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất, tạo ra 20% GDP, 25% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp tới 1/5 nguồn thu của cả nước.
Về mặt hệ thống, Catalonia rất quan trọng với nền kinh tế Tây Ban Nha, trong khi Tây Ban Nha thì rất quan trọng với nền kinh tế châu Âu.
Vùng Catalonia có ngôn ngữ và văn hóa riêng nên từ lâu đã nuôi ý định tách ra thành một nhà nước độc lập. Năm 2006, Catalonia từng có bước đi nhằm giành được quyền tự trị nhiều hơn khi đàm phán với chính quyền Madrid về một đặc quyền, đòi công nhận vùng này là một “quốc gia”.
Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết bác đòi hỏi này, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.
Trong những năm qua, ý định này càng được thôi thúc mạnh mẽ khi vùng Catalonia phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, mà nguyên nhân một phần là do những quyết sách điều hành nền kinh tế suy thoái của chính quyền Tây Ban Nha.
Người dân vùng Catalonia cảm thấy bất công khi nhận ngân sách không tương xứng với tiền thuế đóng góp và vùng này còn phải chia sẻ gánh nợ với các khu vực hoạt động yếu kém của Tây Ban Nha trong khi lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương.
Nhiều người Catalonia tin rằng họ có thể xây dựng một nền kinh tế thành công theo một chừng mực nào đó sau khi độc lập khỏi Tây Ban Nha và thậm chí là phát triển hơn, nếu nhìn vào việc chính quyền Tây Ban Nha đã điều hành nền kinh tế suy thoái như thế nào kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, tham vọng tách khỏi Tây Ban Nha của người dân Catalonia đã không nhận được sự đồng ý của chính quyền Tây Ban Nha.
Cuối năm 2014, vùng Catalonia từng lên kế hoạch tổ chức một cuộc thăm dò dân ý chính thức về nguyện vọng độc lập của người dân xứ này.
Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Chính phủ Tây Ban Nha và đặc biệt là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha yêu cầu phải đình chỉ kế hoạch này, người đứng đầu vùng Catalonia đã buộc phải chuyển cuộc trưng cầu dân ý thành một cuộc thăm dò không mang tính bắt buộc.
Kết quả sơ bộ của cuộc thăm dò này cho thấy, hơn 80% trong số 2,2 triệu người tham gia bỏ phiếu đã đồng ý để Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha. Đây chính là cơ sở để ông Artur Mas tiếp tục theo đuổi tham vọng ly khai.
Trước Catalonia, hơn 4 triệu cử tri Scotland cũng từng bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập.
Mặc dù kết quả 55,42% cử tri nước này ủng hộ việc ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh có thể khiến Thủ tướng David Cameron thở phào nhẹ nhõm, nhưng rõ ràng mầm mống ly khai ở các nước châu Âu vẫn đang hiện hữu, từ đảo Corsica ở Pháp, các khu vực công nghiệp phát triển phía Bắc Italy đến vùng Flander và Wallonia ở Bỉ, đảo Faeroe ở Đan Mạch…
Chỉ cần một vùng đất nào đó ly khai thành công, lập tức có thể tạo thành hiệu ứng tự xưng độc lập, xé rào ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) để tìm lợi ích riêng.
Đáng lo ngại hơn, nếu xu hướng ly khai thắng thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU.
Vì vậy, số phận xứ Catalonia không chỉ là bài toán khó cho Xứ sở Bò tót mà còn là mối quan ngại của cả châu Âu trong bối cảnh Lục địa già đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề./.