Vì sao cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov bị ám sát?

Nguyễn Đăng Phát |

Một trong các giả thuyết là có thể Nemtsov đã trở thành con bài thí mạng của những thế lực không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu chính trị của mình.

LTS: Nhà báo Nguyễn Đăng Phát vừa gửi cho chúng tôi bài phân tích của ông về vụ ám sát cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov, vụ việc đang gây chấn động dư luận thế giới những ngày qua.

Nhà báo
Nguyễn Đăng Phát
Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, nguyên Trưởng ban Tin thế giới Thông tấn xã Việt Nam và đã có nhiều năm làm Trưởng đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Liên bang Nga.

Vụ cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov bị sát hại đang trong tiến trình điều tra ráo riết, nhưng các cơ quan chức năng Nga vừa nêu ra một số giả thuyết.

Chiều 28/2, người phát ngôn Ủy ban Điều tra Nga Vladimir Markin nhận định, “đây có thể là một vụ khiêu khích hòng làm bất ổn tình hình chính trị trong nước.

Nemtsov có thể đã trở thành con bài thí mạng của những thế lực không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu chính trị của mình”.

Theo ông Markin, cơ quan điều tra Nga cũng “xem xét cẩn trọng khả năng có mùi của lực lượng Hồi giáo cực đoan”, bởi đã có thông tin “Nemtsov từng bị đe dọa do lập trường của ông đối với vụ bắn giết các nhà báo của tạp chí Charlie Hebdo ở Paris”.

Một giả thuyết nữa mà cơ quan điều tra không loại trừ, theo người phát ngôn này, có “liên quan đến những sự kiện nội bộ Ukraine".

"Ai cũng biết, cả hai bên xung đột tại Ukraine đều có những nhân vật cực đoan không tuân lệnh bất kỳ cấp nào” - Vladimir Markin tuyên bố.

Ở điểm này, người ta chú ý việc Boris Nemtsov là chính khách đối lập Nga đã rất tích cực can dự vào các hoạt động phản kháng tại thủ đô Kiev ủng hộ lực lượng “da cam” trong cuộc “cách mạng da cam” năm 2004.

Sau khi Viktor Yushchenko được bầu làm Tổng thống, Nemtsov đã làm cố vấn ngoài biên chế cho nhà lãnh đạo Ukraine từ năm 2005 đến 2006. Thời gian gần đây, Boris Nemtsov cũng là nhân vật hoạt động nổi bật chống Nga tại Ukraine, ủng hộ chính quyền mới ở Kiev.

Ngày 28/2, phát biểu với kênh truyền hình Mỹ CNN, cựu Tổng thống Gruzia M. Saakashvili cho hay tuần trước ông vừa gặp Nemtsov ở Kiev và Nemtsov có nói rằng “sắp trở lại Nga”.

Trong khi đó, Vladimir Milov, Chủ tịch đảng “Sự lựa chọn dân chủ” Nga, đã “bổ sung” một giả thuyết nữa, theo hướng dẫn dắt dư luận đến việc cáo buộc Moscow.

Vladimir Milov cho rằng Nemtsov bị bắn hạ tại một địa điểm “được quan sát và được nghe ngóng rất kỹ càng” gần Điện Kremlin.

Ngoài ra, theo Milov, vụ này xảy ra trước ngày phe đối lập Nga dự kiến tổ chức cuộc tuần hành “Mùa Xuân” (1/3) thì “chắc chắn Nemtsov đã bị theo dõi”.

Chủ tịch Rosnano, cựu Phó Thủ tướng Nga
Anatoly Chubais
Những kẻ sát hại chính khách Boris Nemtsov là một thứ u ác tính trên cơ thể nước Nga. Tôi hy vọng, thảm kịch này sẽ có tác dụng thức tỉnh các lực lượng chính trị ở nước ta tìm cách phối hợp hành động để giảm nhiệt tình hình.

Có là thủ lĩnh phe đối lập Nga?

Boris Nemtsov là một chính khách trẻ đã thăng tiến “như diều gặp gió” dưới thời Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Nhưng ông bị sa thải cùng toàn bộ Chính phủ sau khi nước Nga vỡ nợ vào ngày 17/8/1998.

Từ đó hoạt động của ông chủ yếu tập trung vào việc xây dựng, phát triển các chính đảng Nga đối lập.

Mùa Thu năm 1998, Nemtsov lập ra phong trào “Nước Nga trẻ”. Một năm sau, phong trào này gia nhập khối “Liên minh các lực lượng cánh hữu”. Hồi đó, Boris Nemtsov ủng hộ việc bổ nhiệm ông Vladimir Putin làm Thủ tướng và tranh cử Tổng thống Nga.

Nhưng từ năm 2004, Nemtsov bắt đầu quyết liệt công kích đường lối đối nội, đối ngoại của Tổng thống Putin.

Thực tế, Nemtsov không nắm được vai trò thủ lĩnh lực lượng đối lập Nga mà thường liên kết với các lực lượng chống Nga ở nước ngoài để công kích Điện Kremlin.

Ngày 16/12/2010, trong chương trình truyền hình “Trò chuyện với Vladimir Putin”, khi trả lời câu hỏi “Thực sự Nemtsov, Ryzhkov, Milov và những người khác muốn gì?” Thủ tướng Putin lúc đó cho rằng những nhân vật này “muốn tiền và quyền lực”.

Ông giải thích, “trong những năm 90 (của Thế kỷ 20) họ… đã thu vén hàng tỷ”.

Các giới nghiên cứu chính trị Nga nhìn nhận lực lượng đối lập ở nước này theo những cách rất khác nhau.

Phe đối lập đã hình thành rõ rệt từ cuối những năm cải tổ của Mikhail Gorbachev và “nở rộ” sau khi Liên Xô tan rã. Những năm đầu nước Nga độc lập, người ta thường phân chia lực lượng đối lập Nga thành hai “khối” -  đối lập “không khoan nhượng” và đối lập “ôn hòa”.

Khi tình hình chính trị Nga bước vào giai đoạn ổn định dưới thời Tổng thống Putin, lực lượng đối lập Nga vẫn được coi là bao gồm hai “mảng” chủ đạo.

Đó là phe đối lập giành chỗ đứng trong Quốc hội liên bang và các địa phương thông qua bầu cử và những phe, nhóm đối lập khác không có đủ sự tín nhiệm của cử tri, buộc phải hoạt động ngoài nghị viện.

Các phong trào, chính đảng của những nhân vật như cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov, các cựu Phó Thủ tướng Boris Nemtsov, Ygor Yavlinsky, nhà vô địch cờ vua thế giới Gary Kasparov, anh em nhà Navalny… chỉ đại diện cho một bộ phận nhất định trong xã hội Nga.

Các nhóm này, qua các cuộc bầu cử địa phương và trung ương liên bang không giành được số phiếu cần thiết.

Boris Nemtsov từng không chỉ một lần tranh cử ghế Thị trưởng Sochi, tái tranh cử vào Duma quốc gia Nga nhưng đều thất bại.

Những lực lượng đối lập mạnh, như Đảng Cộng sản LB Nga, Đảng Dân chủ Tự do Nga… chủ yếu thông qua đấu tranh nghị trường để bảo vệ đường lối, chính sách của mình, thúc đẩy những mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Những chính đảng đối lập này và chính quyền Nga cùng có chung mục tiêu xây dựng một nước Nga hùng cường, thống nhất, với vị thế độc lập trên trường quốc tế, bình đẳng với Mỹ và các cường quốc khác.

Các giới chính trị, xã hội Nga thường chỉ trích một số nhân vật và chính đảng, phong trào đối lập giữ lập trường cực đoan, chống lại lợi ích quốc gia Nga.

Trong số những nhân vật bị chỉ trích mạnh có Boris Nemtsov, đặc biệt khi ông này không giấu giếm lập trường của mình thân phương phương Tây, chống Nga như trong các vấn đề liên quan khối NATO, quan hệ với Gruzia, Ukraine.

Nga quyết tâm phá án

Vụ ám sát Boris Nemtsov đã gây chấn động dư luận. Các nhà lãnh đạo quốc gia và chính giới Nga cũng như lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đều bày tỏ sự bàng hoàng và căm phẫn trước hành động máu lạnh, dã man của các sát thủ.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi chính quyền Nga tiến hành điều tra nhanh chóng và quyết liệt để làm sáng tỏ vụ án.

Lãnh đạo Nga đã khẳng định quyết tâm này ngay từ đầu.

Tổng thống Putin, Thủ tướng D. Medvedev, các Chủ tịch hai Viện của Quốc hội liên bang và lãnh đạo các chính đảng ở Nga chỉ ra hai điểm đáng chú ý: vụ án Boris Nemtsov có dấu hiệu của một vụ giết thuê và có tính chất khiêu khích.

Trong điện chia buồn với bà Dina Eydman, mẹ của Boris Nemtsov, Tổng thống Putin khẳng định chính quyền sẽ làm hết sức mình để trừng trị những kẻ tổ chức và thực hiện vụ ám sát Boris Nemtsov.

Putin đồng thời cũng đánh giá Boris Nemtsov là người “đã để lại dấu ấn của mình trong lịch sử Nga, trong nền chính trị và đời sống xã hội”.

bộ trưởng ngoại giao đức
Frank-Walter Steinmeier
Tôi hoan nghênh Điện Kremlin ngay từ đêm (27/2) đã thông báo về những nỗ lực kiên quyết nhằm điều tra vụ giết hại Boris Nemtsov. Thủ phạm gây ra tội ác này phải bị mắt giữ càng sớm càng tốt trong một quá trình điều tra đúng pháp luật, minh bạch và chúng sẽ phải đền tội.

Thủ lĩnh đảng “Nước Nga công bằng” S. Mironov cho rằng vụ ám sát Nemtsov “rõ ràng là một vụ khiêu khích”. Theo ông, “thủ phạm là những kẻ tìm cách làm bất ổn, khiến tình hình Nga nóng bỏng”.

Ông Mironos nhận xét: “Tại Ukraine, sau khi đổ máu ở quảng trường Maidan thì mọi thứ sôi sục lên, do đó, kịch bản của vụ này đã rõ”.

Ông Mironov cho rằng, trong điều kiện đó, “quan trọng nhất là cảnh giác và bình tĩnh, có như vậy mới vô hiệu hóa được âm mưu của những kẻ khiêu khích”.

Ông Ramzan Kadyrov, Tổng thống Cộng hòa Chechnya thuộc LB Nga, một chính khách nổi tiếng quyết liệt và bộc trực, cho rằng “các cơ quan tình báo phương Tây là thủ phạm tổ chức vụ này để gây bất ổn tình hình ở Nga”.

Viết trên Instagram, ông Kadyrov nhận định “những kẻ tổ chức vụ ám sát Nemtsov trù tính rằng cái chết của nhân vật này sẽ khiến toàn thế giới đồng thanh công kích lãnh đạo Nga và kích động làn sóng phản kháng, tìm mọi cách gây xung đột nội bộ ở Nga”.

Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga Ghennady Zyuganov tuyên bố: “Cần phải phá cho được vụ án này càng sớm càng tốt, bởi vì kẻ thù của nước Nga đã lợi dụng và tình hình có thể diễn biến với những hậu quả xấu”.

Theo ông Zyuganov, nhiều cuộc xung đột đã từng bùng phát chỉ sau một vài sự việc đơn lẻ. “Xem ra, những biện pháp trừng phạt (nước Nga) còn chưa đủ, người ta cần những vụ đổ máu để gây lộn xộn ở trung tâm thủ đô Moscow” - ông Zyuganov cảnh báo.

Tòa thị chính Moscow tối 28/2 khẳng định đã chấp thuận cho tổ chức cuộc tuần hành tưởng niệm Boris Nemtsov với sự tham gia tới 50 nghìn người ở trung tâm thủ đô.

Theo thông báo của Tòa thị chính về địa điểm, quãng đường tuần hành dài khoảng 7 km, những người tham dự tập trung từ 14 giờ và bắt đầu tuần hành từ 15 giờ ngày 1/3 (giờ Moscow, tức 19 giờ, giờ Hà Nội).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại