Sáng ngày 24/11 (giờ Washington), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chính thức tuyên bố từ chức trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng.
Trước đó cùng ngày, ông đã đệ đơn lên Tổng thống Barack Obama và được chấp thuận.
Tuy ông Hagel chủ động rút lui trên danh nghĩa, nhưng CNN và FOX News khẳng định quyết định từ chức này xuất phát từ những tác động của Nhà Trắng.
Vậy tại sao một người từng được cho là sẽ gắn bó với Tổng thống Obama đến khi ông hết nhiệm kì lại phải "khăn gói" ra đi chỉ sau chưa đầy hai năm tại vị?
Không hợp thời thế
Trong vài tháng trở lại đây, báo chí Mỹ đã liên tiếp đưa tin về những bất đồng quan điểm giữa ông Hagel và các cố vấn Quốc phòng của Obama.
Những căng thẳng này nghiêm trọng đến mức tại một số cuộc hội đàm quân sự cấp cao gần đây, ông Hagel đã không thèm phát biểu vì cho rằng các cố vấn của Tổng thống không coi ý kiến của ông ra gì.
Thay vào đó, cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ chọn giải pháp gọi điện trực tiếp cho Tổng thống Obama sau cuộc họp để bày tỏ quan điểm của mình.
Quan trọng hơn, theo một quan chức thân cận của Hagel, điểm mấu chốt dẫn đến việc từ chức của ông nằm ở việc phải thay đổi hoàn toàn triết lý điều hành.
Cụ thể, khi ông Hagel lên nhậm chức vào tháng 1/2013, trách nhiệm lớn nhất của ông là chỉ đạo việc rút quân khỏi Afghanistan và giảm ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại Trung Đông, qua đó góp phần thu hẹp ngân sách Quốc phòng.
Tuy nhiên với mối đe dọa gần đây đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS), ông lại phải lãnh trách nhiệm khởi xướng một cuộc chiến mới, đi ngược lại hoàn toàn với những chiến lược trước đó của ông.
Không được lòng người
Cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, nguyên Thượng nghị sĩ bang Nebraska, và doanh nhân thành đạt - Trên lý thuyết, ông Hagel hội đủ mọi yếu tố để có thể thành công trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Tuy nhiên, khả năng lãnh đạo của Hagel lại không xứng tầm với lý lịch của ông.
Tờ The Atlantic dẫn lời một số thành viên Lầu Năm Góc cho rằng ông Hagel đã thất bại trong việc gây dựng được lòng tin với cấp dưới. Ngoài ra, khả năng diễn đạt còn nhiều hạn chế của ông đã không ít lần khiến Bộ Quốc phòng phải lắc đầu ngao ngán.
Ông Hagel cũng là người dễ mất bình tĩnh. Điều này, theo chuyên gia Loren Thompson của viện nghiên cứu Lexington, là tối kị đối với một người phải đối mặt hàng ngày với công việc mang tính nhạy cảm cao như Bộ trưởng Quốc phòng.
Ai sẽ thay thế?
Hiện tại, ông Hagel vẫn sẽ đảm nhiệm những công việc hàng ngày của Bộ trưởng Quốc phòng, cho đến khi Quốc hội Mỹ lựa chọn được người thay thế.
Ngoài vấn đề IS nhức nhối, nhân vật được "ngồi ghế nóng" sắp tới cũng sẽ phải đối mặt với thử thách đến từ cắt giảm ngân sách Quốc phòng cũng như những cuộc đấu đá của chính quyền đảng Dân chủ với Quốc hội dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa.
Vào thời điểm này, chưa có cái tên nào được đề cử. Tuy nhiên theo Bloomberg, hai nhân vật sáng giá nhất cho vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc là Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và nguyên Thứ trưởng phụ trách Chính sách bộ Quốc phòng Michele Flournoy.