Theo Dealogic, một doanh nghiệp phát triển phần mềm tài chính quốc tế, có trụ ở New York, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Anh cao gấp đôi con số 17 tỷ USD mà nước này đầu tư vào Italy - quốc gia đứng thứ hai trong khu vực trên bảng tổng sắp thu hút đầu tư từ Trung Quốc.
Pháp và Thụy Sỹ, với tổng số vốn đầu tư nhận được tương ứng là 15,5 tỷ USD và 14 tỷ USD, lần lượt xếp thứ ba và thứ tư.
Tuy nhiên, “Thời báo Tài chính” (Anh) cho rằng việc xem xét đầu tư của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hiện nay và những gì mà Chính phủ Anh đang theo đuổi, thì người ta có thể dễ dàng thấy những con số trên còn rất “khiêm tốn” so với tiềm năng thực sự của Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này hiện mới chỉ là nhà đầu tư lớn thứ chín vào châu Âu. Các khoản đầu tư với tổng giá trị vào khoảng 155 tỷ USD mà Trung Quốc Đại lục đổ vào châu lục này trong thập kỷ qua chưa bằng 1/10 số tiền đầu tư của Anh, Pháp hay Mỹ vào khu vực này.
Con số này cũng chỉ gấp đôi số tiền mà Hong Kong đầu tư vào châu Âu.
Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ thay đổi nếu châu Âu “hưởng sái” từ việc Mỹ dè chừng các khoản đầu tư của Trung Quốc và các thỏa thuận Mỹ-Trung vấp phải quá nhiều rào cản của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ (CFIUS).
Kể từ đầu năm tới nay, đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu đã đạt 27,3 tỷ USD, cao hơn gấp đôi tổng số vốn đầu tư mà quốc gia châu Á này đổ vào Mỹ (13,4 tỷ USD). Khoảng cách này thậm chí còn có xu hướng tiếp tục tăng.
Một quan chức cấp cao thuộc ngân hàng M&A Hong Kong cho rằng làn sóng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc vào châu Âu mới chỉ là sự khởi đầu của một “cơn triều cường”.
Ông nói: “(Trung Quốc) nhìn nhận thị trường châu Âu là nơi có phần thân thiện hơn và cũng có nhiều lợi ích hơn. Các doanh nghiệp nước này muốn mở rộng và đa dạng hoá thị trường – hoặc đơn giản là muốn chuyển bớt nguồn tiền mặt ra khỏi Trung Quốc”.
Nữ hoàng Anh đón Chủ tịch Trung Quốc tại Điện Buckingham.
Nếu các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu tiếp tục giữ ở mức như 10 năm qua trong vòng một thập kỷ tới - điều mà nhiều người cho là hoàn toàn có thể xảy ra - thì ước tính tới năm 2025, tổng số vốn đầu tư hàng năm từ Trung Quốc vào lục địa này sẽ lên tới 157 tỷ USD.
Đầu tư từ Mỹ vào châu Âu trong cùng kỳ cũng sẽ đạt 232 tỷ USD, cao hơn rất nhiều con số 134 tỷ USD hiện nay.
Có thể nói, với những thỏa thuận quy mô lớn, các tập đoàn Trung Quốc đang ngày càng coi châu Âu là một thị trường năng lượng lớn.
Những dự án đầu tư như dự án nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới Hinkley Point, vừa được ký tuần qua, là một minh chứng cho nhận định này.
Dự án nhà máy điện hạt nhân có tổng vốn đầu tư 16 tỷ bảng (25,6 tỷ USD) là dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước Anh trong 20 năm nay, và được kỳ vọng sẽ cung cấp năng lượng trong vòng 60 năm với khả năng đáp ứng được 7% nhu cầu điện năng của Anh từ năm 2023.
Chính phủ Anh dự kiến sẽ đóng góp 2 tỷ bảng (3,1 tỷ USD) trong dự án này.
Bên cạnh đó, trong số các thỏa thuận đáng chú ý mà hai bên ký kết trong năm nay còn phải kể đến hai thỏa thuận giữa Swissport, một hãng vận tải hàng không, và doanh nghiệp kinh doanh máy bay Avolon Holdings với tập đoàn HNA, công ty mẹ của hãng Hàng không Hải Nam Trung Quốc, có tổng số vốn ban đầu tương ứng là 2,8 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
Cả hai thỏa thuận này đều phản ánh thực tế nhu cầu hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng của Trung Quốc và cụ thể là nhu cầu đi lại của người dân quốc gia châu Á này. Một ví dụ tiêu biểu khác là thương vụ mua Club Med của tập đoàn Fosun với giá 1,1 tỷ USD.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Anh vào ngày 19/10 để thúc đẩy hợp tác song phương và hiện thực hóa nhiều dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, thương mại, tài chính, giao thông, vận tải, đầu tư và cứu trợ nhân đạo.
Trước chuyến thăm, nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng sự kiện này có thể đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Trung Quốc-Anh, tạo điều kiện thiết thực cho hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong “kỷ nguyên vàng”.
Thực tế Anh ngày càng được các nhà đầu tư Trung Quốc nhắm đến và họ có thể thực hiện các dự án năng lượng quan trọng tại Anh.
Và Anh có khả năng sẽ thực thi hàng loạt thỏa thuận với Bắc Kinh mà không xem xét cụ thể tới các khía cạnh an ninh, vấn đề đang trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi.
Nhiều chuyên gia cho rằng Anh buộc phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc nếu không muốn bị tụt hậu so với các cường quốc khác trên thế giới.
Giáo sư Rafaello Pantucci thuộc Viện Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định: “Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, và Anh thì đang rất cần nguồn vốn đầu tư.
Những dự án năng lượng mà Trung Quốc thực hiện tại đây vẫn sẽ diễn ra dù người ta có phản đối thế nào. Điều quan trọng đặt ra là Anh phải làm thế nào để vẫn bảo vệ được an ninh quốc gia”.
Tờ “Evening Standard” , số ra ngày 15/10, có đăng bài viết của cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Vince Cable cho rằng Anh tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc để thu hút đầu tư và tăng cường xuất khẩu.
Bài viết có đoạn: “Mục tiêu chính của Anh là khai tác tiềm lực kinh tế của quốc gia này”. Ông nhấn mạnh chính tác dụng, chứ không phải “nguồn gốc” của dòng vốn là điều mà Anh quan tâm.