Chiến lược đào tạo và hỗ trợ cho các đội quân nước ngoài là nhằm chống khủng bố và quân nổi dậy ở ngay chính các nước đó mà không cần sử dụng quân đội Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược này chẳng bao giờ thành công.
Thất bại mới nhất là ở Yemen, nơi liên minh Ả Rập Xê-út hiện đang tấn công nhóm nổi dậy Houthi. Trong khi đó, những thất bại chưa có hồi kết là cuộc chiến dai dẳng ở Iraq, Syria, Afghanistan.
Cách đây 5 năm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho rằng, thực tế chiến lược đòi hỏi Mỹ phải đào tạo tốt hơn cho các đội quân đồng minh.
Đây đã trở thành yếu tố trung tâm trong "Đánh giá quốc phòng 4 năm một lần" vào năm 2006 của Lầu Năm Góc.
Đánh giá kết luận: “Việc hỗ trợ các đồng minh đóng vai trò quan trọng đối với cuộc chiến lâu dài (chống khủng bố) của Mỹ”.
Tuy vậy, những thất bại liên tiếp đã buộc nhiều quan chức quân sự Mỹ phải suy ngẫm.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas, Mac Thornberry cho biết những thất bại của các đơn vị được Mỹ đào tạo ở Iraq yêu cầu Lầu Năm Góc phải thay đổi.
Ông Thornberry nói: “Một phần quan trọng của an ninh quốc gia Mỹ trong tương lai là hợp tác với các lực lượng an ninh khác. Do vậy, chúng ta cần rút ra bài học và xác định rõ những việc có hiệu quả và không có hiệu quả”.
Theo nhiều sĩ quan quân đội Mỹ, việc huấn luyện tân binh nước ngoài cách thức tham gia vào một cuộc chiến không phải là vấn đề. Một đợt huấn luyện quân sự sơ cấp chỉ mất khoảng 8 tới 12 tuần.
Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề khác cản trở sự thành công của nó. Tổ chức yếu kém và chia rẽ bè phái ở cả Iraq, Syria và Afghanistan là một yếu tố cơ bản cản trở sự thành công trong chiến lược của Mỹ.
Ông Richard Armitage, một cựu quan chức Lầu Năm Góc đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể khiến một chính phủ xứng đáng với sự hy sinh của các đội quân mà Mỹ huấn luyện hay không.
Nếu không, các đội quân đó sẽ không sẵn sàng chết cho đất nước mình và tất cả nỗ lực huấn luyện của Mỹ đều trở nên vô tác dụng”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia quân sự khác khẳng định, chiến lược huấn luyện các đội quân nước ngoài của Mỹ về căn bản vẫn còn hời hợt.
Barbara Bodine, từng là đại sứ Mỹ tại Yemen trong giai đoạn 1997-2001, nói: "Chúng ta có xu hướng đặt trọng tâm chủ yếu vào đào tạo, cung cấp các trang thiết bị quân sự.
Chiến lược này không cân bằng. Chúng ta chưa bao giờ đặt sự quan tâm như vậy ở khía cạnh dân sự".
Bà dẫn ví dụ, tại Yemen, kể từ năm 2006, Mỹ đã cung cấp hơn 401 triệu USD cho hoạt động chống khủng bố.
Số tiền này nhằm giúp các lực lượng an ninh chính phủ chống lại các nhóm phiến quân có liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Tuy nhiên, bà cho hay, khi các quan chức Yemen cảnh báo về mối nguy hiểm của nhóm nổi dậy Houthis, một nhánh phía bắc của Hồi giáo Shiite, thì Mỹ lại phớt lờ.
Đáp lại những lời phê bình, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đại tá Steve Warren khẳng định, việc huấn luyện quân sự ở nước sở tại chỉ là một phần trong chiến lược của Mỹ ở Iraq, Afghanistan và Syria.
Ông nói: "Trong mọi trường hợp, một giải pháp chính trị vẫn đóng vai trò rất lớn. Để đạt được một giải pháp chính trị cần có một bộ máy an ninh được đào tạo và được kiểm soát tập trung".
Điểm mặt những “đầm lầy” của Mỹ ở Trung Đông
Bất chấp những thất bại, trong những năm gần đây, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì chiến lược đào tạo các đội quân nước ngoài.
Hồi tháng 8/2014, Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi đưa các đối thủ của Tổng thống Syria Bashar Assad thành một một quân chiến đấu đáng tin cậy.
Hiện Mỹ đang nhắm mục tiêu đào tạo khoảng 5.000 quân nổi dậy ôn hòa mỗi năm trong 3 năm tới để chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Sau khi làm tan rã quân đội Iraq năm 2003, năm 2012, Mỹ đã phải chi hơn 25 tỷ USD để xây dựng một lực lượng mới, bao gồm cả Cơ quan Tổng Thanh tra đặc biệt phục vụ cho tái thiết Iraq (SIGIR).
Tuy nhiên, nhiều thành phần trong đội quân này đã bị tàn phá bởi sự tấn công của IS. Nhiều binh sĩ đã giao nộp vũ khí và chạy trốn khỏi chiến trường.
Lầu Năm Góc đổ lỗi cho cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã chính trị hóa các lực lượng an ninh, thay thế những sĩ quan Sunni có trình độ bằng những người ủng hộ dòng Shiite của ông và lơ là việc huấn luyện kể từ khi Mỹ dần rút quân khỏi Iraq năm 2011.
Hồi tháng 12/2014, người kế nhiệm của ông Maliki, Thủ tướng Haider al-Abadi, cho biết có tới 50.000 binh sĩ “ma” trong quân đội. Số tiền lương của các sĩ quan này bị đổ vào túi của các quan tham nhũng.
Michael Barbero, một tướng quân đội 3 sao đã nghỉ hưu, người từng phụ trách việc đào tạo các lực lượng an ninh Iraq trong khoảng thời gian 2011 đến 2012 cho hay, các lực lượng Iraq bộc lộ rất nhiều thiếu xót.
Ông đã từng nói với các sĩ quan Iraq rằng họ đang chỉ huy một đội quân không có khả năng kết hợp bộ binh và pháo binh, do vậy họ cần nhiều hơn nữa sự trợ giúp của Mỹ.
Hiện Mỹ và các đồng minh châu Âu đang đào tạo cho binh sĩ Iraq tại 4 cơ sở.
Tại Afghanistan, chiến lược đào tạo của Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong suốt nhiều năm qua. Có 83 nhân viên quân sự Mỹ và của liên minh đã bị giết kể từ năm 2012 đến nay.
Theo ông Anthony Cordesman, một chuyên gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho hay, các chương trình đào tạo ở Afghanistan đang phải đối phó với tình trạng thiếu nhân lực và kinh phí.
Mỹ đã kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan từ năm 2012. Tuy vậy, với tình trạng không mấy khả thi của các lực lượng của nước này, Mỹ vẫn đang phải duy trì khoảng gần 10.000 tại đây để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo.
Hiện, song song với chiến lược trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang khuyến khích các quốc gia khác tham gia chiến đấu bằng cách thúc đẩy việc bán vũ khí cho các quốc gia vùng Vịnh, tái viện trợ quân sự cho Ai Cập và hỗ trợ liên minh quân sự do Ả Rập Xê-út dẫn đầu ở Yemen.