Vén màn hoạt động bắt con tin của IS: Nỗi kinh hoàng trước các cuộc cắt đầu

Hương Giang |

Thế giới chỉ biết tới hoạt động bắt cóc con tin nước ngoài của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện qua các đoạn video cắt đầu rùng rợn mà chúng đã tung lên mạng Internet. Tuy nhiên trước đó là những toan tính quỷ quyệt của những kẻ bắt cóc và cả hành trình dài đầy đau khổ mà các con tin xấu số đã phải trải qua.

Khi được đưa trở lại phòng giam sau cuộc thẩm vấn, James Foley đã quỳ sụp xuống, chảy nước mắt vì vui mừng. Qua những câu hỏi riêng tư mà những kẻ bắt cóc đặt ra, anh biết rằng chúng đã bắt liên lạc được với gia đình mình.

Những thông tin bất ngờ về IS Những thông tin bất ngờ về IS

Tuy những thông tin hay hình ảnh về nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, những diễn biến gần đây cho thấy tổ chức này đang có dấu hiệu suy yếu

Đó là tháng 12/2013, hơn 1 năm kể từ khi Foley biến mất khỏi phía Bắc Syria. Foley nói với bạn bè rằng, cuối cùng cha mẹ cũng biết anh đang còn sống. Anh tin chính quyền Mỹ sẽ sớm thương thảo và giúp mình được tự do. Tuy nhiên sự kiện tưởng như bước ngoặt ấy lại đánh dấu khởi đầu một hành trình xuống dốc của người đàn ông 40 tuổi, với đỉnh điểm là khi anh bị cắt đầu trước máy ghi hình vào tháng 8 năm nay.

Cái chết được cả thế giới biết tới này cũng chưa nói hết toàn bộ sự khổ đau mà Foley và ít nhất 23 người phương Tây khác đã trải qua sau khi rơi vào tay IS. Hành trình của họ, từ lúc bị bắt cho tới lúc được trả tự do hoặc bị giết, vừa được được tờ New York Times xâu chuỗi qua nhiều cuộc phỏng vấn với 5 cựu con tin, nhiều dân địa phương ở Syria, thân nhân và thậm chí là cộng sự của những kẻ đã từng bắt cóc họ.

Các màn bắt cóc chớp nhoáng

Nỗi bất hạnh của Foley bắt đầu từ 2 năm về trước, khi anh cùng đồng nghiệp người Anh John Cantlie chạy xe từ Syria tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Một chiếc xe tải chở nhiều kẻ cầm súng, che mặt đã vượt lên, chặn đầu chiếc taxi chở họ và người phiên dịch Mustafa Ali. Foley và Cantlie bị bắt cóc còn Ali bị dọa giết nếu tìm cách bám theo chiếc xe tải. New York Times cho biết khi đó, những kẻ bắt cóc thường theo dõi người dân bản địa mà các phóng viên nước ngoài thuê giúp đỡ họ như Ali, để giăng bẫy bắt các con tin. Tháng 6/2013, bốn nhà báo Pháp bị bắt cóc. Tới tháng 9, thêm 3 nhà báo Tây Ban Nha bị khống chế.

3 con tin Pháp nằm trong số những người may mắn thoát khỏi số phận bi thảm giống Foley.

Các điểm kiểm soát trở thành những cái bẫy nguy hiểm. Không phải chỉ một mà là nhiều nhóm chiến binh khác nhau, kiểm soát các vùng đất khác nhau ở Syria, đã thực hiện hoạt động bắt cóc. Trong vòng 14 tháng kể từ khi Foley và Cantlie bị bắt, ít nhất 23 người ngoại quốc, phần lớn là phóng viên tự do và nhân viên cứu trợ, đã rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Sau khi bị bắt cóc, các con tin thường sẽ bị đưa đi thẩm vấn. Họ bị tịch thu máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh và được yêu cầu đọc mật mã vào các tài khoản cá nhân. Những kẻ bắt cóc sẽ quét lấy thông tin trên Facebook, dịch vụ chat Skype của con tin. Chúng cũng xem kho ảnh lưu trữ, lục thư điện tử của họ, tìm kiếm dấu vết hợp tác với các cơ quan tình báo và quân đội phương Tây.

“Chúng kiểm tra máy ảnh của tôi, xem máy tính bảng. Chúng lột sạch đồ trên người” - Marcin Suder - con tin 37 tuổi người Ba Lan đã trốn thoát thành công khỏi nhóm bắt cóc anh hồi tháng 7/2013 - kể lại - “Chúng còn kiểm tra xem tôi có gắn chíp định vị GPS dưới da hoặc trong quần áo không. Rồi chúng bắt đầu đánh tôi. Chúng tìm kiếm chữ “Marcin Suder và CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ)” trên Google. Chúng cáo buộc tôi là gián điệp”.

Trong một cuộc thẩm vấn như thế, nhóm bắt cóc Foley đã tìm thấy hình ảnh quân nhân Mỹ trong máy tính của anh. Các tấm ảnh được chụp khi anh tới Iraq và Afghanistan làm việc. Về phần mình, con tin Anh David Cawthorne Haines đã phải thừa nhận việc từng đi lính, do thông tin này được nêu trong hồ sơ của ông trên mạng xã hội LinkedIn. Các con tin có liên quan tới quân đội như thế đều bị trừng phạt bằng các màn đánh đập và tra tấn tàn bạo.

Jejoen Bontinck, 19 tuổi, một kẻ cực đoan có 3 tuần ở trong nơi giam giữ Foley tại Syria và nay đã trở về Antwerp, Bỉ, cho biết phần mắt cá chân của Foley có nhiều vết sẹo, do anh thường bị xích vào chân và bị treo ngược lên.

Foley và Canlie đã bị chuyển đi nhiều địa điểm trước khi được đưa tới một nhà giam nằm ngầm dưới BV nhi Aleppo. Ở đây, Foley đã cải sang đạo Hồi và vì việc này, các vụ đánh đập đã ngừng lại. Theo Bontinck, những kẻ bắt cóc thậm chí còn cân nhắc việc trả tự do cho 2 người.

IS bắt chiến binh uống thuốc gây ảo giác để không sợ chết IS bắt chiến binh uống thuốc gây ảo giác để không sợ chết

“Họ bắt chúng tôi uống các loại thuốc. Những viên thuốc gây ảo giác khiến bạn chiến đấu mà không sợ chết”, một chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tiết lộ.

Những tháng ngày đen tối

Tuy nhiên đó là khi cuộc nội chiến ở Syria đã thay đổi. Chiến trường từng nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh theo chủ nghĩa vô thần, đã đón nhận một lượng lớn những kẻ cực đoan mới tới, tự gọi mình là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS - sau đổi tên thành IS).

Tham vọng của ISIS không chỉ dừng lại ở việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà còn thành lập một vương quốc Hồi giáo rộng lớn ở Trung Đông. Từ cuối năm ngoái, chúng bắt đầu “thu gom” con tin nước ngoài. Foley và Cantlie lập tức bị đưa sang một phòng giam rộng chỉ chừng 20m cùng 17 người đàn ông phương Tây khác.

Sự tự do tương đối họ từng được hưởng đột ngột kết thúc. Những người canh gác trước đây, vốn có thái độ thiện cảm với họ, đã được thay thế bằng những gã nói giọng đặc chất Anh rất tàn bạo.

Từ tháng 11 năm ngoái, mỗi con tin được yêu cầu phải giao nộp địa chỉ thư điện tử của một người thân. Sau đó họ bắt đầu bị chụp ảnh và ghi video gửi về cho gia đình. Các đoạn video dần thay đổi giọng điệu, thêm vào nhiều lời dọa giết, dường như để gây sức ép cho đất nước của các con tin.

Chẳng mấy chốc, 23 con tin được chia làm 2 nhóm. 3 con tin người Mỹ và 3 con tin Anh bị hành hạ khủng khiếp nhất, vì sự thù ghét của các chiến binh với đất nước của họ và bởi chính quyền của họ không chịu thương thảo về việc trả tự do cho họ.

Trong nhóm này, người bị hành hạ nhiều nhất là Foley. Ngoài việc bị đánh đập kéo dài, anh thường xuyên bị đưa tới các cuộc hành quyết giả vờ và đặc biệt là các cuộc tra tấn nước.

Được tạo ra để mô phỏng tình trạng chết đuối, kỹ thuật tra tấn này thường khiến nạn nhân ngất xỉu vì không thể chịu nổi. Vì thế khi một con tin bị lôi ra ngoài, những người khác sẽ thấy nhẹ nhõm nếu anh ta trở lại trong tình trạng bị đánh đập máu me be bét.

Khi hoạt động thương thảo tiếp tục diễn ra, tình hình trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Đã có lúc mỗi ngày, mỗi con tin chỉ được ăn lượng thức ăn bằng một chén uống trà. Họ có nhiều tuần bị nhốt trong bóng tối và chỉ nhìn thấy chút xíu ánh sáng lọt qua một khe cửa nhỏ.

Họ bị chuyển địa điểm giam giữ nhiều lần. Phần lớn những nơi này không có đệm, chỉ có vài tấm ga giường. Một số con tin đã phải lấy quần cũ bỏ đi, nhét đầy rác rưởi trong đó để làm gối tạm. Tình cảnh khốn khổ khiến các con tin quay ra ẩu đả với nhau.

Trong những tháng ngày u tối đó, Foley vẫn thể hiện nhân cách tốt đẹp của anh. Anh chia sẻ với người khác khẩu phần ăn ít ỏi của mình. Trong cái lạnh của mùa đông Syria, anh đưa cho một con tin khác cái chăn duy nhất của mình. Anh còn giúp giải khuây cho các con tin khi nghĩ ra những trò chơi khác nhau.

Nỗi ám ảnh từ đôi dép màu vàng nhạt

Mùa xuân năm nay, các con tin được đưa từ Aleppo tới Raqqa, thủ phủ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tới tháng 3, những kẻ bắt cóc đã kết thúc thương thảo và các con tin bắt đầu được thả dần, đầu tiên là 3 nhà báo Tây Ban Nha, khi chính phủ của họ chi tiền. Sang đến tháng 6, phòng giam từng chứa 23 con tin giảm xuống chỉ còn có 7 người. 4 trong số đó là người Mỹ và 3 là người Anh. New York Times cho biết các chính quyền có công dân bị IS bắt con tin đã trả tiền chuộc trung bình khoảng 2 triệu USD cho mỗi người.

Người cuối cùng được trả tự do là phóng viên ảnh Hà Lan Daniel Rye Ottosen, 25 tuổi. Anh đã cố gắng chuyển thư của những người ở lại ra ngoài. Trong một lá thư gửi về gia đình qua Ottosen, Foley dường như cảm thấy cái kết của anh sắp đến gần. Anh bày tỏ tình cảm với người thân và còn hướng dẫn họ tiêu tiền trong tài khoản của mình, giống như một dạng di chúc.

Tới tháng 8 năm nay, những kẻ cực đoan bắt anh mặc áo cam, đi một đôi dép nhựa rồi chở anh tới một ngọn đồi trọc bên ngoài Raqqa. Khi bị bắt quỳ xuống đất, Foley đã nhìn thẳng vào máy ghi hình, thể hiện sự kiên cường bất khuất. Rồi những kẻ bắt cóc cắt đầu anh.

2 tuần sau, một đoạn video tương tự xuất hiện trên YouTube, cho thấy cái chết của Sotloff. Tới tháng 9, chúng hành quyết Haines. Đến tháng 10, chúng giết Henning. Trong số 23 con tin ban đầu, tới nay chỉ còn lại 3 người là nhân viên cứu trợ nhân đạo người Mỹ Peter Kassig, một người phụ nữ chưa được tiết lộ danh tính mang quốc tịch Mỹ và Cantlie.

Trên khắp châu Âu, các cựu con tin không khỏi kinh hoảng khi xem những đoạn video cắt đầu 4 người từng ở chung phòng giam với họ. Họ nói rằng đôi dép nhựa màu vàng nhạt nằm cạnh thi thể Foley là món đồ các con tin dùng chung với nhau khi đi vào phòng tắm. Những người sống sót từng xỏ chân vào đôi dép ấy, giống như những kẻ xấu số đã mãi mãi nằm xuống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại