Vén màn bí mật hoạt động "vô hình" của gián điệp mạng TQ

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Mặc dù chưa bao giờ được chính thức xác nhận, song sự tồn tại và tầm quan trọng của các cơ sở gián điệp mạng của Trung Quốc đã được nhắc tới trong nhiều tài liệu.

Hơn 100.000 nhân sự, 12 đơn vị tình báo quân đội

Từ những vùng núi gần Bắc Kinh, hoạt động do thám Nga và theo dõi những vụ phóng tên lửa được tiến hành tại Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) phiên bản Trung Quốc. Tại một hòn đảo được gọi là Hawaii của Trung Quốc, những chuyên gia nước này thực hiện phân tích cuộc gọi qua internet, nghe trộm châu Âu từ một thị trấn bí mật đằng sau các toà nhà chung cư.

Bằng những nguồn thông tin của chính phủ Trung Quốc, các dữ liệu học thuật, các ý kiến chuyên gia về tình báo nước ngoài, tờ Wall Street Journal đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về một số hoạt động bí mật của tổ chức giám sát toàn cầu của Trung Quốc - Cục 3, trực thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc. Giám sát viên tình báo gọi nó là 3PLA, đầu não cho các chiến lược quân sự của Trung Quốc, có nhiệm vụ giám sát và phân tích rất nhiều hoạt động thông tin liên lạc trên thế giới - bao gồm điện tín ngoại giao, email của các công ty, tội phạm mạng - nhằm phát hiện các mối đe doạ từ nước ngoài và lợi thế cạnh tranh.

Các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho rằng tổ chức này có các cơ sở xung quanh Thượng Hải, chuyên theo dõi Mỹ - một trong những địa điểm đó nằm gần hệ thống cáp thông tin liên lạc xuyên đại dương, nối liền Trung Quốc đến Mỹ. Những hoạt động này trở thành tâm điểm vào tháng 5, khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 5 quan chức của 3PLA về tội đánh cắp bí mật công ty Mỹ.

Các cơ sở của 3PLA có quy mô hoạt động khổng lồ. Tuyển chọn các sinh viên ưu tú từ các trường Đại học hàng đầu, 3PLA ước tính đang có hơn 100.000 hacker, chuyên gia ngôn ngữ, chuyên viên phân tích và các nhân viên tại 12 đơn vị tình báo quân đội. Theo chuyên gia quốc tế, các hoạt động phức tạp của 3PLA được phân chia trách nhiệm theo nhiệm vụ và vị trí địa lý.

"Phạm vi hoạt động của nó rất rộng", Mark Stokes, giám đốc một viện phân tích độc lập Project 2049 tại Virginia Mỹ, người cung cấp cho Wall Street Journal những phân tích chưa từng được công bố về 3PLA, nhận định.

Tại một số cơ sở của 3PLA tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi những giàn ăngten vệ tinh được đặt sau những bức tường cao, những người qua đường có thể dễ dàng bắt gặp nhân viên an ninh đầy nghiêm nghị và những tờ giấy cảnh báo. Tại những khu vực khác, ví dụ như cánh đồng với hàng chục cột sóng vô tuyến gần một cơ sở ở phía bắc Thượng Hải, an ninh ít nghiêm ngặt hơn. Căn cứ PLA được cho là chuyên giám sát châu Âu hoạt động tại một thị trấn bí mật ở ngoại vi Bắc Kinh, dựa lưng vào núi và ẩn sau các toà nhà chung cư trông hoàn toàn bình thường. Từ những ngọn đồi gần đó, có thể nhìn thấy hơn 70 toà nhà và cả một sân bóng trong khu căn cứ này.

Một biển báo cấm ở gần một cơ sở được cho là của Cục 3
Một biển báo cấm ở gần một cơ sở được cho là của Cục 3

Những kế hoạch 5 năm

The Wall Street Journal đã tìm được hơn 100 công trình nghiên cứu, bao gồm các mô hình dự đoán sự sinh sôi của virus máy tính, được viết bởi các chuyên viên tự nhận mình là thuộc 3PLA. Một số bài viết khác chỉ ra chi tiết công nghệ mã hoá, bảo vệ và tấn công hệ thống mạng máy tính, chuyển ngữ tự động và tính toán quỹ đạo vệ tinh.

Theo các chuyên gia, 3PLA có quyền tiếp cận với hệ thống viễn thông thương mại của Trung Quốc, cũng như vệ tinh và máy bay trinh sát.

Hai cựu quan chức quân sự Mỹ được tiếp cận với các đánh giá tình báo nói rằng cấu trúc hoạt động của 3PLA thương đồng với cấu trúc của NSA và Bộ tư lệnh Không gian ảo của Lầu Năm Góc.

Theo một trong những cựu quan chức, trong khi mục tiêu của NSA được xác định dựa theo mục tiêu hàng năm của Nhà Trắng thì Cục 3 tuân theo các kế hoạch 5 năm do Quân ủy trung ương vạch ra.

Trong thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn giảm chồng chéo, tăng thêm hiệu quả hoạt động của 3PLA, cơ quan này sẽ ưu tiên năng lực vệ tinh và máy bay do thám, cũng như hệ thống dữ liệu tốt hơn tại các khu vực biên giới Trung Quốc.

Andrew Yang, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, giáo sư Đại học Sun Yat-sen, cho rằng: "Việc Cục 3 được trao thêm quyền và trách nhiệm là việc đương nhiên". Ông mô tả tổ chức này là "cơ quan chính của quân đội Trung Quốc và có lẽ là toàn bộ chính phủ".

Tuyên dương nhưng không xác nhận

Ông Stokes, cựu sĩ quan không quân Mỹ, người nghiên cứu Cục 3 trong hơn 20 năm, cũng phải thừa nhận rằng có rất ít thông tin về cơ quan này: “Tôi không nghĩ có ai hiểu được cơ chế hoạt động bên trong của nó.”

Được thành lập từ những năm 1930, tiền thân là một đơn vị ngầm chuyên nghe lén điện tín và radio của đối phương, 3PLA được cho là góp một phần quan trọng cho chiến thắng cuối cùng của Mao Trạch Đông vào năm 1949. Ngày nay, sự tồn tại của đơn vị này đã được thừa nhận trong 1 số báo cáo của quân đội Trung Quốc.

Các thông tin về ngân sách hàng năm và hoạt động hàng ngày của 3PLA vẫn còn là một bí ẩn. Năm 2002, viện nghiên cứu độc lập RAND của Mỹ cho biết việc có thêm những thông tin đáng tin cậy về 3PLA bị cản trở bởi gần như không có nguồn thông tin mở nào.

Những lần hiếm hoi mà Cục 3 xuất hiện trên phương tiện truyền thông là khi được chính phủ nước này tuyên dương. Một ví dụ như vậy là vào năm 2007 khi cơ quan này tham gia vào chiến dịch chống buôn lậu ma túy ở biên giới với Myanmar bằng việc phát hiện và truy tìm các nguồn liên lạc vô tuyến.

Vậy nhưng, Trung Quốc chưa bao giờ trả lời câu hỏi về 3PLA và đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc dính dáng tới các vụ gián điệp mạng.

Ngược lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói rằng: "Mỹ nên dừng ngay trò vờ làm nạn nhân".  Chính phủ Trung Quốc mô tả Mỹ như một kẻ đạo đức giả và nói rằng các chuyên gia của họ đã khẳng định tính xác thực của những cáo buộc trước đó mà cựu nhân viên NSA Edward Snowden đưa ra, rằng gián điệp Mỹ đã theo dõi cả các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại