Sau khi biết tin tức về chiếc máy bay Malaysia mất tích, ông Robert Francis, cựu phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, đã ngay lập tức nghĩ tới khả năng: "Vì một lý do nào đó, chiếc máy bay đã nổ tung và không có tín hiệu, không gì cả".
Việc chiếc máy bay hoàn toàn biến mất khỏi radar một cách bất ngờ đã khiến cho ông Francis cho rằng "có điều gì đó chưa từng có tiền lệ đã xảy ra".
Song, liệu các dữ liệu từ vệ tinh quay xung quanh trái đất có thể ghi lại được ánh sáng hoặc dấu hiệu nhiệt hồng ngoại phát ra từ vụ nổ? Chuyên gia nghiên cứu vệ tinh Brian Weeden khẳng định rằng điều này là không thể xảy ra. Ông Weeden đã có nhiều năm theo dấu rác vũ trụ cho Không quân Mỹ và nay là cố vấn công nghệ cho Quỹ An toàn Thế giới (SWF).
Theo CNN, hàng chục vệ tinh, cả của tư nhân và của chính phủ, đang quay xung quanh Trái Đất, quan sát nó từ khoảng cách 300 - 1.500 km. Tuy nhiên, ít có khả năng một trong số chúng tình cờ quét qua đúng địa điểm và chính xác thời gian vụ nổ để chụp được ánh sáng phát ra từ vụ nổ.
Dù vậy, ông Weeden nói rằng vẫn còn "khả năng rất nhỏ", bởi chính phủ Mỹ có một hệ thống vệ tinh siêu bí mật quay xung quanh quỹ đạo ở độ cao 22.000 dặm (khoảng 35.405 km)
Những vệ tinh này nằm trong quỹ đạo địa tĩnh và hoạt động như một nhóm, có thể quan sát hầu hết toàn bộ thế giới.
"Chúng tôi biết rằng nhiệm vụ của chúng là nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo thông qua sức nóng... Chúng tôi không biết liệu chúng có đủ nhạy để theo dấu những thứ như vụ nổ bom hay không".
Tuy nhiên, CNN cũng đặt ra câu hỏi rằng là liệu chính phủ Mỹ có sẵn sàng công bố những bức ảnh này, hay sẽ lo sợ khi tiết lộ những tính năng siêu bí mật mà hệ thống vệ tinh của mình có được?.