Vấn đề ở biển Đông: Trung Quốc liên tục thất bại

Sau hai cuộc gặp thượng đỉnh gần đây ở Moscow và New Delhi, hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã phải trở về nhà mà không đem theo được “kết quả” gì cho nỗ lực vận động của họ trong vấn đề Biển Đông.

Ảnh minh họa
 

 

Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền, trong đó có cả tàu chiến, đến các vùng tranh chấp ở Biển Đông để uy hiếp, doạ dẫm các nước khác.

 

Hôm 22/3, ông Tập Cận Bình đã chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông này trên cương vị là Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Lạc quan về kết quả của chuyến đi này, báo chí Trung Quốc đã quá vội vàng khi gắn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Nga là sự thể hiện “Quan hệ Đối tác Chiến lược Trung-Nga đối trọng với Mỹ”.

Tuy nhiên, trên thực tế, điện Kremlin lại tỏ ra rất thận trọng. Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nga vì thế đã kết thúc với việc Tổng thống Vladimir Putin từ chối không đưa ra lời ủng hộ công khai nào cho các cuộc tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Tiếp đó, vào tháng 5, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã thực hiện chuyến công du đến Ấn Độ. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của ông Lý Khắc Cường. Trong tuyên bố chung, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Ấn Độ và Trung Quốc có cơ hội lịch sử để cùng phát triển kinh tế, xã hội và việc thực hiện mục tiêu này sẽ giúp tăng cường hòa bình và sự thịnh vượng ở khu vực Châu Á cũng như toàn thế giới nói chung”.

Tuy nhiên, theo tờ Indian Express đưa tin, cũng giống như Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong cuộc gặp với người đồng cấp Lý Khắc Cường cũng đã thẳng thừng từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Việc Ấn Độ không ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông là điều dễ hiểu bởi New Delhi vốn đang rất lo ngại khả năng Bắc Kinh không chỉ muốn độc chiếm Biển Đông mà còn đang nhòm ngó đến cả  Ấn Độ Dương. Hơn nữa, Ấn Độ đang có cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biên giới kéo dài nhiều thập kỷ mà chưa thể tìm được lối thoát.

Trong khi đó, về phía Nga, đây không phải là lần đầu tiên giới lãnh đạo nước này lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 5 năm ngoái, một quan chức cấp cao của Nga từng bày tỏ sự “quan ngại” về sóng gió gần đây ở Biển Đông. Theo vị quan chức này, chính phủ Nga “không thờ ơ” trước tình hình hiện nay ở Biển Đông - khu vực rất gần biên giới Nga này.

“Chúng tôi liên tục cam kết bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi là một phần của khu vực này. Chúng tôi tin các nước sẽ coi trọng hàng đầu việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Chúng tôi cần môi trường thương mại, giao thông an toàn. Điều đó là cho tất cả các nước như Trung Quốc, Mỹ, Philippine, Singapore và tất cả mọi người”, vị quan chức Nga nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại