Điều trần tại Quốc hội vào hôm qua 3/6/2014, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida không loại trừ khả năng Thủ tướng Shinzo Abe đích thân đến Bình Nhưỡng với mục đích giải quyết dứt điểm hồ sơ các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những thập niên 1970-1980. Cho đến nay, hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hãng thông tấn Jiji của Nhật Bản trích lời Ngoại trưởng Kishida theo đó Tokyo đang "nghiên cứu khả năng Thủ tướng Abe viếng thăm Triều Tiên". Tuy nhiên, trước mắt, chính phủ Nhật chưa có quyết định cuối cùng.
Thứ Năm tuần trước, 29/05/2014, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo là phía Triều Tiên đã chấp nhận cho mở điều tra về vụ 13 công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Đối với phía Nhật Bản, hồ sơ này luôn là vấn đề nhạy cảm.
Đáp lại động thái được coi là thiện chí này, Chánh Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho biết, Tokyo sẵn sàng giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Bình Nhưỡng.
Tất cả những thông báo nói trên được đưa ra sau ba ngày họp tại Stockholm - Thụy Điển giữa phái đoàn Nhật Bản và Triều Tiên về số phận những công dân Nhật đã bị Triều Tiên bắt cóc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Bình Nhưỡng khi đó muốn dùng các con tin làm gián điệp để theo dõi Nhật Bản.
Bình Nhưỡng đã thả 5 công dân Nhật bị bắt cóc và thông báo là 8 người còn lại đã qua đời trên lãnh thổ Triều Tiên. Về phần mình, Tokyo luôn khẳng định là đã có ít nhất 17 công dân Nhật bị mất tích và không hài lòng với những giải thích sơ sài của Triều Tiên.
Năm 2002, Thủ tướng Junichiro Koizumi đã đến Bình Nhưỡng để đàm phán về vấn đề người Nhật Bản mất tích tại Triều Tiên. Hồ sơ về vấn đề này vẫn luôn nằm trên bàn của các đời Thủ tướng Nhật trong suốt hơn 4 thập kỷ qua.