Vì nhiều lý do khác nhau, nếu không phải là những chuyên gia phân tích thì thật khó có thể phận định cơ cấu quyền lực của Ukraine, để xem ai là người đứng “cho có” và ai là người thực sự nắm quyền.
Những thủ lĩnh đối lập đã có những ngã rẽ khác nhau sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2: Ông Oleh Tyahnybok chẳng có gì, còn “võ sĩ đấm bốc” Vitali Klitschko thì buộc phải bằng lòng với chiếc ghế Thị trưởng Kiev.
Tất cả quyền lực sau đó dồn vào tay hai nhân vật: Yatsenyuk, người được bổ nhiệm làm người đứng đầu nội các và Turchynov, người cảm thấy vừa lòng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và quyền Tổng Tư lệnh quân đội.
Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh cho thực tế này: Chính cặp đôi quyền lực này là người quyết định phát động cuộc chiến ở Donbass, đưa xe tăng tới Donetsk và ném bom Sloviansk, những sự kiện xảy ra trước tháng 5 - thời điểm bầu cử Tổng thống.
Sau bầu cử, cả hai ông Yatsenyuk và Turchynov vẫn nắm giữ quyền điều hành.
Dù chức Tổng tư lệnh quân đội đã được chuyển cho ông Poroshenko, thì tất cả những vị trí chủ chốt trong các bộ sức mạnh, thực thi luật pháp đều là người của cặp đôi Yatsenyuk - Turchunov.
Đó là trường hợp của Bộ trưởng Nội vụ Avakov và Giám đốc Cơ quan an ninh (SBU) Valentyn Nalyvaichenko.
Tân tổng thống Poroshenko hy vọng lật ngược thế cờ với việc giải tán Quốc hội và kêu gọi tổng tuyển cử sớm.
Thế nhưng, ông đã thất bại khi Khối Poroshenko đã không thể giành được đa số ghế.
Người của Khối Poroshenko nắm quyền Chủ tịch Quốc hội, trong khi nhân sự đứng đầu tại các bộ sức mạnh không có gì thay đổi.
Các bột trưởng điều hành kinh tế trong nội các mới được trao cho các ứng viên do Mỹ đề cử, những người mà ông Poroshenko không có sự ảnh hưởng đáng kể nào.
Không những vậy, Turchynov mới đây lại được bổ nhiệm là người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và an ninh (NSDC), kèm với đó là một dự luật cho phép mở rộng quyền lực của tổ chức này, chuyển từ vị thế cơ quan tư vấn sang cơ quan hành pháp.
Ông Yatsenyuk và Turchynov vì thế lại càng có điều kiện để tập trung quyền lực, đẩy Tổng thống Poroshenko vào thế của một “vị tướng nghi lễ”, thích hợp với các chuyến công cán nước ngoài.
Thế kìm kẹp nhằm vào ông Poroshenko cũng đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến trong cuộc họp báo thường niên báo ngày 18/12.
Nhà lãnh đạo nước Nga tin rằng đồng cấp người Ukraine mong muốn và quyết tâm chấm dứt xung đột ở miền đông, khôi phục hòa bình cho đất nước, nhưng ông gặp phải những lực cản ngay trong nội bộ.
“Lẽ tự nhiên, Tổng thống Ukraine muốn giải quyết cuộc khủng hoảng, tôi không nghi ngờ quyết tâm của ông ấy.
Nhưng ông ấy không phải là người duy nhất trong thế lực chính trị ở đó. Giờ đây chúng ta có thể nghe được các quan chức khác hối thúc chiến đấu tới kết cục cay đắng.
Có quá nhiều tuyên bố hiếu chiến”, Tổng thống Putin nói.
Trước đó một ngày, ông Turchynov nói rằng Ukraine cần xây dựng một đội quân hùng mạnh nhất châu Âu và khẳng định “chiến tranh của chúng ta chỉ kết thúc khi toàn bộ lãnh thổ được giải phóng, bao gồm cả Crimea”.
Ông Turchynov cùng với Thủ tướng Yatsenyuk cũng đã nói rằng Ukraine sẵn sàng thiết quân luật nếu như xung đột vũ trang leo thang.