Ukraine để mất điều gì khi không giữ được Donetsk?

My Lan |

(Soha.vn) - Sau Crimea, Donetsk đã tuyên bố tách khỏi Ukraine, trở thành một nhà nước độc lập và đang cân nhắc tới việc sáp nhập vào Nga.

Ukraine mất Donetsk về tay Nga?

Trong phiên họp diễn ra ngày 7/4, các đại biểu Hội đồng tỉnh Donetsk đã đồng loạt bỏ phiếu thông qua việc tách khỏi Ukraine và tuyên bố thành lập một nhà nước độc lập - Cộng hòa nhân dân Donetsk.

Hội đồng này cũng cho biết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến vào ngày 11/5 tới, để quyết định xem liệu có sáp nhập vào Nga hay không.

Ngay sau khi thành lập, Hội đồng đã kêu gọi Tổng thống Nga Putin triển khai lực lượng tới đây để giữ ổn định tình hình ở vùng này bởi họ cho rằng "nếu không có sự ủng hộ, chúng ta khó có thể trụ vững trước những kẻ cầm quyền tại Kiev".

Trong khi đó, bên ngoài tòa nhà chính quyền, hàng nghìn người dân thành phố này đã tụ tập, vẫy cờ Nga và hô vang "nước Nga, nước Nga". Lá cờ 3 màu đen - xanh - đỏ của nước cộng hòa Donetsk cũng đã tung bay trên nóc trụ sở tòa nhà chính quyền của tỉnh này, thay thế cho lá cờ của tỉnh Donetsk.

Thành viên Hội đồng tỉnh Donetsk biểu quyết tách khỏi Ukraine, tuyên bố thành lập nhà nước Độc lập.

Thành viên Hội đồng tỉnh Donetsk biểu quyết tách khỏi Ukraine, tuyên bố thành lập nhà nước Độc lập.

Trước đó, ngày 6/4, khoảng 2.000 người tập trung tại quảng trường Lenin tại thành phố Donetsk, hô hào đòi độc lập. Một lãnh đạo biểu tình dõng dạc tuyên bố trên loa phóng thanh rằng "đại biểu hội đồng khu vực nên nhóm họp trước nửa đêm và đưa ra quyết định thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý". Ngay sau đó, khoảng 1.000 người biểu tình thân Nga đã xông tới "phá vỡ" hàng rào bảo vệ của cảnh sát, chiếm giữ tòa nhà chính quyền ở thành phố Donetsk và bao vây cơ quan này suốt đêm.

Từ đầu tháng 3, làn sóng biểu tình của những người thân Nga, phản đối chính phủ lâm thời Ukraine đã diễn ra rầm rộ tại Donetsk cũng như tại một số tỉnh ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là sau những sự kiện xảy ra tại Crimea. Trong các cuộc biểu tình này, người dân tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố, hô to khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Putin, vẫy cờ Nga, mang theo các khẩu hiệu đòi độc lập và yêu cầu được trưng cầu dân ý, thậm chí là đụng độ với những người biểu tình ủng hộ EU.

Giá trị của 'Thành phố triệu bông hồng'

Donetsk, hay còn được mệnh danh là "Thành phố triệu bông hồng", nằm ở phía đông Ukraine, bên bờ sông Kalmius. Về mặt hành chính, thành phố này là trung tâm của tỉnh Donetsk, song về mặt lịch sử, đây là thủ phủ không chính thức của khu vực Donbass và có vị trí quan trọng về kinh tế đối với Ukraine.

Năm 1970, Donetsk được UNESCO công nhận là thành phố công nghiệp sạch nhất thế giới. Nơi này đã vinh dự được nhận Huân chương Lenin vào năm 1979. Tạp chí danh tiếng Forbes năm 2012 cũng xếp hạng Donetsk là thành phố tốt nhất dành cho kinh doanh ở Ukraine.

Thành phố này rộng khoảng 358 km2 với số dân khoảng 2 triệu người (số liệu năm 2011), phần đông là người Ukraine nói tiếng Nga và người Nga. Ở thành phố này cũng như tại vùng Donbass, tiếng Nga là ngôn ngữ chính, thậm chí, ngay cả người Ukraine cũng coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ.

Thành phố Donetsk nằm ở phía Tây Ukraine, giáp với Nga.

Thành phố Donetsk nằm ở phía đông Ukraine, giáp với Nga.

Donetsk từng bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và gần như bị phá hủy hoàn toàn. Song tới nay, thành phố này đang phát triển một cách nhanh chóng, phần nhiều nhờ vào ảnh hưởng từ các công ty lớn đặt tại đây.

Thành phố lớn thứ 5 Ukraine này tập trung lực lượng lao động tay nghề cao, được đánh giá là trung tâm kinh tế, công nghiệp và khoa học lớn của Ukraine. Thêm vào đó, nơi đây cũng đóng vai trò là trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp nặng và khai thác than đá ở Ukraine. Mỗi năm, Donetsk kiếm được khoảng 50 tỉ hryvnia (đơn vị tiền tệ Ukraine).

Thành phố Donetsk đang phát triển nhanh chóng, là trung tâm kinh tế, công nghiệp và khoa học của Ukraine.

Thành phố Donetsk đang phát triển nhanh chóng, là trung tâm kinh tế, công nghiệp và khoa học của Ukraine.

Sau khi Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga, Ukraine đã không chỉ mất đi cảng biển chiến lược mà còn tổn thất “hàng trăm tỉ USD” - theo lời Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatseniuk. Đó là chưa kể tới việc Ukraine, từ một nước được hưởng chính sách trợ giá khí đốt từ Nga, trở thành nơi phải mua khí đốt từ Nga với giá đắt nhất châu Âu và có thể sẽ còn chịu nhiều áp lực tiếp theo từ Moscow. Hiện Ukraine gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt từ Nga và khoảng 25% hàng hóa xuất khẩu của nước này cũng là sang thị trường Nga. Tình hình kinh tế Ukraine vẫn chưa hề được cải thiện thì nước này lại mất thêm một thành phố đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp.

Trước khi Donetsk tuyên bố độc lập, ngân sách của Ukraine đã gần như trống rỗng, còn khoản nợ khoảng 66 tỉ USD (số liệu năm 2012) thì vẫn treo trên đầu. Trong lúc đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo rằng nền kinh tế của Ukraine có thể giảm 3% trong năm 2014. Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF thì thừa nhận Ukraine đã bị loại khỏi các thị trường tài chính quốc tế và đang có nguy cơ trở thành "thảm họa", đồng thời khẳng định nếu muốn nhận hỗ trợ từ IMF, Ukraine buộc phải thực hiện các cải cách kinh tế, thậm chí có thể là những cải cách không được lòng dân.

Như vậy, sau khi mất Donetsk, trung tâm về công nghiệp và than đá, sẽ càng khoét sâu thêm sự khó khăn về kinh tế, vốn đã chất chồng, của Ukraine và khiến nước này càng chìm sâu hơn vào bế tắc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại