Ukraine đang “tự sát chính trị”?

Anh Tuấn |

Theo hãng thông tấn Bloomberg, Ukraine không cần Nga phải cản trở con đường phát triển đất nước sau cuộc biểu tình ở Maidan, mà tự họ đang hủy hoại lòng tin của người dân vào chính phủ.

Sự việc ẩu đả giữa các quan chức cấp cao ở Quốc hội Ukraine cũng như việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thống đốc Odessa của Ukraine đã có những lời lẽ qua lại không hay là một trong những minh chứng cho thấy tình trạng bất ổn nội bộ đang đe dọa Ukraine, trong thời điểm nước này đang chật vật để giành được gói viện trợ kinh tế có giá trị 17,5 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Xung đột xảy ra tại Quốc hội Ukraine khi một nghị sĩ đã có hành động kéo Thủ tướng Arseny Yatsenyuk khỏi bục phát biểu.
Xung đột xảy ra tại Quốc hội Ukraine khi một nghị sĩ đã có hành động kéo Thủ tướng Arseny Yatsenyuk khỏi bục phát biểu.

“Dựa trên những sự kiện mới đây, Ukraine đang tiến gần đến cái gọi là ‘tự sát chính trị’”, ông Joerg Forbrig, giám đốc của viện nghiên cứu Quỹ Marshall của Đức (GMF) cho biết.

“Ẩu đả trong nội bộ Kiev thực tế chẳng có lợi cho ai cả.

Nếu Ukraine không tỏ rõ quyết tâm thay đổi, bạo động xảy ra, quan hệ với các nước phương Tây sẽ đi xuống”.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseny Yatsenyuk, những người được Mỹ và Châu Âu ủng hộ, đang chịu sức ép rất lớn khi không thể giảm bớt tình trạng tham nhũng cũng như sự lệ thuộc vào các tài phiệt của Ukraine.

Theo khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Ukraine đứng thứ 142 trong tổng số 175 nước có tình trạng tham nhũng nặng nề nhất, trong khi đó Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát biểu rằng Ukraine “vẫn còn nhiều điều phải làm”.

Tâm trạng thất vọng đang bao trùm khắp Ukraine. Một nghị sĩ thuộc đảng của ông Poroshenko đã gây gổ với Thủ tướng Yatsenyuk khi ông đang đọc diễn văn trước Quốc hội Ukraine.

Vài ngày sau đó, Thống đốc Odessa và là cựu Tổng thống Georgia Mikheil Saakashvili đã lên tiếng cáo buộc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Arsen Avakov và các quan chức chính phủ khác có những hoạt động tham nhũng trong một cuộc họp cấp cao.

Cả hai bên đã có lời qua tiếng lại với nhau bằng những ngôn từ không đẹp.

Rạn nứt trong nội bộ đảng cầm quyền cũng khiến kế hoạch chi tiêu ngân sách của Ukraine chưa được công bố, khiến khoản viện trợ trị giá 5 tỉ USD vẫn chưa được bơm vào quốc gia này trong thời điểm nền kinh tế vẫn chưa thể khôi phục trở lại sau 18 tháng suy thoái.

Ngày 25/12, IMF cho biết Quốc hội Ukraine phải thông qua một kế hoạch chi tiêu có thể đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3,7% mà chính phủ nước này đã từng đề xuất, nếu không họ sẽ không được nhận viện trợ kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Jacob Lew đã nói với Thủ tướng Yatsenyuk vào ngày 22/12 rằng, Ukraine cần phải gấp rút đạt được những cam kết mà IMF đề ra để tránh chậm trễ có được khoản hỗ trợ cần thiết.

Giữa ông Saakashvili và ông Avakov đã có lời qua tiếng lại.
Giữa ông Saakashvili và ông Avakov đã có lời qua tiếng lại.

Sang ngày 23/12, ông Yatsenyuk cho biết chính phủ “đã tán đồng trên mọi phương diện” về vấn đề ngân sách với các nghị sĩ, và đồng thời lên án một số quan chức khi họ “không nhìn thấy trách nhiệm của mình đối với đất nước”.

Ông Viktor Szabo, giám đốc một công ty tài chính lớn của London, cho rằng một số nghị sĩ Ukraine đang muốn ngăn cản chính sách chống tham nhũng và tránh sự can thiệp của IMF.

“Vấn đề ở đây là một số chính trị gia cấp cao đang sẵn sàng phá bỏ kế hoạch ngân sách để không cho IMF can thiệp vào tình hình đất nước, qua đó cản trở cuộc chiến chống tham nhũng”, ông Szabo cho biết.

“Nếu thỏa thuận với IMF không được thông qua, lòng tin của người dân sẽ bị giáng một đòn đánh mạnh, và năm tới kinh tế Ukraine vẫn sẽ không phát triển”.

Cuộc ẩu đả giữa Saakashvili và Avakov đã buộc chính phủ Ukraine phải tuyên bố khẳng định sự đoàn kết trong nội bộ của mình và gạt bỏ những tin đồn về việc thay Thủ tướng.

Trong một thông cáo chung, ông Poroshenko, Yatsenyuk và chủ tịch Quốc hội Ukraine Volodymyr Groysman cho rằng “những thành phần tài phiệt đen tối” đang thực hiện một “chiến dịch phản quốc” và nói rằng Ukraine cần phải gắn bó hơn nữa mới có thể “chuyển mình thành công”.

Đoàn kết cũng chính là điều mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi khi ông có chuyến thăm đến Kiev trong tháng này.

Trước các nghị sĩ và nguyên thủ Ukraine, ông nói rằng “tất cả phải dẹp những bất đồng thiển cận và thực hiện cuộc cách mạng lớn”.

Những khoản vay nợ song phương với Mỹ, EU, Nhật Bản và nhiều nước khác đang phụ thuộc vào chính sách cải tổ của Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng tình hình biến động trong nội bộ Ukraine sẽ kết thúc.

“Tôi tin rằng Quốc hội Ukraine sẽ thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách, chương trình viện trợ của IMF sẽ được thực hiện mặc dù bị chậm trễ một chút và nội bộ chính phủ vẫn sẽ tồn tại trong vòng 6 tháng tới”, nhà phân tích Vadim Khramov cho biết.

Kể từ khi cuộc biểu tình Maidan diễn ra, Ukraine chìm trong nhiều vấn đề nội bộ và kinh tế.
Kể từ khi cuộc biểu tình Maidan diễn ra, Ukraine chìm trong nhiều vấn đề nội bộ và kinh tế.

Mặc dù nghị sĩ Ukraine quyết định sẽ làm điều đúng đắn cho đất nước để được hỗ trợ kinh tế, nhiều vấn đề vẫn còn chưa được giải quyết.

Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko vẫn kêu gọi các thành viên trong quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm ông Yatsenyuk.

Đảng Tự cứu Ukraine cũng yêu cầu ông Poroshenko bãi chức công tố trưởng Ukraine do ông này bị cho là đã không điều tra những vụ tham nhũng. Các nghị sĩ cũng không hài lòng về luật thuế mới sẽ được thực hiện vào năm tới.

“Có thể thấy rõ rằng những rạn nứt trong chính phủ Ukraine đang cản trở nước này có thể đưa ra quyết định đúng đắn”, nhà phân tích Alex Brideau cho biết.

“Việc ông Yatsenyuk vẫn sẽ được giữ chức có thể sẽ khiến Quốc hội Ukraine còn căng thẳng vào đầu năm 2016”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại