Sau khi Cốc Tuấn San, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc, bị vào tháng 1/2012, chuyện Cốc Nhan Sinh, bố ông ta, từ một người thường chết vì bệnh năm 1990 bỗng trở thành “Liệt sỹ Vũ Hoa Đài”, từng là “cảnh vệ của Chu Ân Lai”, được viết sách ca ngợi, xây lăng hoành tráng…đã trở thành trò cười ở Hà Nam.
Lăng mộ của bố Cốc Tuấn San rộng tới 6 mẫu đất, được xây dựng giữa vùng dân cư sầm uất ở Bộc Dương với tường bao, cửa gỗ kín mít. Cốc Tam, em trai thứ 3 của Cốc Tuấn San đã vung tiền mua đất và xây cất theo lời thầy phong thủy được mời từ Sơn Đông về. Sau khi khánh thành lăng, hàng năm vào dịp Thanh Minh, Cốc đều về tảo mộ với cả đoàn xe có còi ủ mở đường gây náo động cả vùng. Trông coi, quét dọn lăng là những quân nhân thuộc Phân quân khu Bộc Dương.
Tháng 5/2011, Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải in và phát hành với số lượng lớn cuốn “Ký ức sinh tử - Chuyện của Chu Cao và Cốc Nhan Sinh”. Theo cuốn sách này, Cốc Nhan Sinh sinh năm 1926, năm 1942 bị Quốc Dân Đảng bắt lính khi mới 16 tuổi, sau trở thành lính cần vụ của Chu Cao, Trung tướng, người có cảm tình và cộng tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 9/1948, họ dẫn quân chạy sang vùng giải phóng. Về sau, Chu Cao bị địch bắt, giết hại, được truy nhận liệt sĩ năm 1965. Cốc Nhan Sinh cầm cuốn nhật ký của Chu Cao trao cho vợ Chu Cao, cuốn nhật ký này sau được trưng bày trong bảo tàng. Khi bố chết bệnh, Cốc Tuấn San đang là cán bộ hậu cần ở đơn vị địa phương.
Năm 2011, khi được phong Trung tướng, em trai của y dẫn về làng một người phụ nữ, giới thiệu đây là phu nhân liệt sĩ Chu Cao, nói cha mình có công cứu bà này, dân làng chả ai tin…
Cốc Tuấn San đã bỏ tiền thuê người đứng tên bà Ngô Tuyết Á (vợ ông Chu Cao) viết cuốn “Nhật ký sinh tử” trên, ghép chuyện Chu Cao với tên tuổi bố mình. Thế rồi, Cốc Nhan Sinh bỗng được gọi là “Liệt sĩ” và Cốc Tuấn San nghiễm nhiên trở thành người có huyết thống cách mạng, là “hạt giống đỏ”…
Suốt 2 năm sau khi Cốc Tuấn San bị bắt, không có tin tức chính thức nào về này. Vụ việc tưởng như chìm xuồng, bỗng ngày 14/1, báo điện tử chính thống China.com đột nhiên đăng tải bài báo nhan đề: “Khám nhà Cốc Tuấn Ssn ở quê Hà Nam tìm thấy thuyền và tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng”.
Bài báo này đã mở đầu cho một loạt bài báo trên báo in, báo mạng, các diễn đàn, khiến cái tên Cốc Tuấn San trở nên được quan tâm nhất ở Trung Quốc hiện nay…
Vàng ròng thu được ở nhà Cốc Tuấn Sơn
Dư luận cho rằng, từ khi bắt đầu điều tra đến khi khám nhà mất hơn 1 năm, hiển nhiên nhiều tang vật của vụ án đã được chuyển đi nơi khác. Nếu khám nhà ngay sau khi Cốc bị bắt, hẳn còn nhiều điều thú vị, nhưng e rằng sẽ dính líu đến ai đó…
Theo báo mạng của “Đài Phát thanh Trung Quốc”, sau khi được các “đại quan chức” quê Hà Nam cất nhắc, lên nhanh vùn vụt (8 năm 5 lần thăng chức), Cốc Tuấn San từ một cán bộ hậu cần ở bộ đội địa phương dưới tỉnh, được đưa lên ngồi vào ghế Cục trưởng Doanh trại, rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách công tác xây dựng.
Có quyền lớn trong tay, thỏa sức vơ vét (có báo đưa con số Cốc tham nhũng 20 tỷ tệ, tức hơn 3 tỷ USD, có hơn 300 ngôi nhà và căn hộ ở khắp nơi, bao nuôi 5 cô bồ đều là ca sĩ, minh tinh điện ảnh và MC truyền hình).
Từng nổi tiếng với câu nói ngông nghênh: “Ca sĩ, minh tinh tôi đều đã xài hết!”, nhưng chưa dừng ở đó, Cốc còn chơi ngông, quyết xây cho mình một tòa phủ “xa hoa nhất chưa vị tướng nào có”.
Việc tướng Cốc Tuấn San, bị bắt 2 năm trước, nay báo chí rầm rộ đưa tin, vạch tội, được coi là màn dạo đầu để ông Tập Cận Bình tung đòn đánh những con “Hổ” tham nhũng trong quân đội. Dư luận cho rằng, không như vụ Vương Thư Nghiệp, việc đưa Cốc Tuấn San và vụ tham nhũng lớn nhất lịch sử quân đội Trung Quốc ra xét xử sẽ kéo theo dăm ba con “hổ” lớn, ít ai có thể ngờ tới.