Hôm thứ Ba (3/3), chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu cho hay, với tình hình hiện tại, kể cả Ukraine nhận được viện trợ khí tài từ Mỹ, không có kỳ vọng nào về việc nước này có thể đánh bại Nga, nhưng Ukraine sẽ được củng cố sức mạnh về chiến lược ngoại giao.
Phát biểu tại Berlin, trong khi nhấn mạnh Mỹ vẫn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, Trung tướng Ben Hodges nhận định việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine sẽ gây áp lực cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tại quê nhà.
Ông lên tiếng: "Khi các bà mẹ chứng kiến những đứa con tham chiến tại Ukraine nhưng “một đi không trở về”, trong khi giá cả ngày càng leo thang, thì người dân Nga sẽ không tiếp tục ủng hộ chính phủ”.
Chính quyền Obama đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí sát thương và phòng thủ cho Ukraine trong bối cảnh dấy lên lo ngại rằng động thái này có thể khuyến khích Nga tiếp tục dấn sâu hơn vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Ukraine và phương Tây cáo buộc Moscow hậu thuẫn cho phe ly khai ở miền đông Ukraine bằng khí tài và quân đội. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ những cáo buộc trên.
Ông Hodges không đề cập đến chi tiết những loại vũ khí Mỹ có thể cung cấp, nhưng khẳng định những gì Ukraine mong muốn "là loại vũ khí có khả năng ngăn chặn xe tăng của Nga".
Theo ước tính của ông này, Nga hiện có khoảng 29.000 quân ở Crimea và 12.000 ở miền đông Ukraine.
Tại thời điểm hiện tại, ông cho biết kế hoạch đào tạo ba tiểu đoàn Ukraine đang bị tạm hoãn để xem xét liệu thỏa thuận ngừng bắn được kí kết vào tháng trước tại thủ đô Minsk của Belarus có được thực thi đầy đủ.
Là một phần của lực lượng phản ứng nhanh của NATO nhằm đương đầu với những hành động của Nga ở Ukraine, ông cho hay Hoa Kỳ đã quyết định đưa một lữ đoàn xe bọc thép trở lại châu Âu, bao gồm khoảng 220 xe tăng và xe chiến đấu Bradley.
Ông Hodges đã đệ trình yêu cầu cho phép lữ đoàn trên đóng quân tại tại các địa điểm ở vùng Baltic, Đông Âu và Đức để sẵn sàng tham chiến khi được điều động, tuy nhiên yêu cầu trên vẫn đang chờ được phê duyệt.
Trong một động thái liên quan, cùng ngày, các nhà lãnh đạo phương tây, bao gồm Đức, Pháp, Anh, Mỹ và Italy đã nhất trí sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga nếu tình hình chiến sự ở miền đông Ukraine leo thang.