Tương lai nào cho bầu cử ở miền Đông Ukraine?

Đức Dũng |

Ngày 9/9, lãnh đạo nhóm “Bộ tứ Normady” đã tiến hành điện đàm và đạt được thỏa thuận về việc sẽ tiếp tục nhóm họp tại Paris, thủ đô nước Pháp để thảo luận các vấn đề liên quan đến bất đồng trong việc tổ chức các cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine.

Theo tinh thần Thỏa thuận Minsk-2, các cuộc bầu cử ở Cộng hòa Donetsk và Lugansk, Ukraine sẽ được tổ chức vào ngày 18/10 (Donetsk) và 1/11 (Lugansk), xen giữa là các cuộc bầu cử ở Ukraine.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, giữa chính quyền trung ương Ukraine và chính quyền lực lượng ly khai vẫn bất đồng sâu sắc về cách thức tổ chức.

Miền Đông muốn tổ chức bầu cử theo đúng tinh thần của Minsk-2, trong khi đó Kiev yêu cầu lực lượng này tổ chức ngày bầu cử vào ngày 25/10 và nằm dưới sự giám sát của Kiev.

Tình thế này khiến lãnh đạo “Bộ tứ Normady” gồm Tổng thống Nga V.Putin, Thủ tướng Đức A.Merkel, Tổng thống Pháp F.Hollande và Tổng thống Ukraine P.Poroshenko phải tiến hành điện đàm.

Theo thông tin của tờ “Quan điểm” Nga, lãnh đạo 4 bên đã đi đến thống nhất sẽ tiến hành đàm phán trực tiếp tại Paris, Pháp vào ngày 2/10 với hy vọng sẽ tìm được lời giải cho bất đồng trên, đồng thời thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Minsk-2.

Sau thỏa thuận Minsk-2 được ký kết hồi tháng 2/2015, xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Mặc dù tiếng súng đã giảm nhưng các nguy cơ khiến thỏa thuận hòa bình sẽ bị phá vỡ và chiến tranh sẽ bước vào giai đoạn mới khốc liệt hơn vẫn hiện hữu. Các nội dung về chính trị trong thỏa thuận Minsk cơ bản vẫn chỉ nằm trên giấy mà chưa được thực hiện.

Các bên vẫn chưa thể bắt đầu tiến hành đối thoại trực tiếp cho Kiev từ chối công nhận Donetsk là một bên tham gia đàm phán mà chỉ coi Cộng hòa Donetsk và Lugansk là “chư hầu, con rối” của Nga.

Trong khi đó, “Nước Nga mới” (Novorussia, gồm Cộng hòa Donetsk và Lugansk) không có ý định từ bỏ mục đích độc lập của mình.

Các cuộc cải cách Hiến pháp do Kiev thực hiện thực chất chỉ phù hợp với nội dung Thỏa thuận Minsk-2 về mặt câu chữ nhưng lại hoàn toàn đi ngược về mặt tinh thần khi cải cách mà không có sự tham gia của Donetsk.

Mấu chốt vấn đề ở đây là Donetsk và Lugansk không chấp nhận tổ chức bầu cử dưới sự giám sát của Kiev. Nếu các bên không thống nhất được vấn đề này thì nguy cơ Thỏa thuận Minsk-2 bị phá vỡ là khá cao.

Mặc dù đồng ý gặp gỡ trực tiếp tại Paris vào ngày 2/10 nhưng khả năng các bên tìm ra tiếng nói chung cho việc tổ chức bầu cử ở miền Đông Ukraine là không nhiều do quan điểm của Nga đối với vấn đề này vẫn không thay đổi.

Nói về việc tổ chức bầu cử ở miền Đông Ukraine, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov ngày 10/9 khẳng định: “Cộng hòa Donetsk và Lugansk đã sẵn sàng tổ chức bầu cử trên cơ sở luật pháp Ukraine.

Họ sẵn sàng mời các quan sát viên của OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) đến kiểm soát tiến trình bầu cử, cũng như sẵn sàng đối thoại với chính quyền Ukraine”.

Rõ ràng, quan điểm ủng hộ phe ly khai miền Đông tổ chức bầu cử để dọn đường cho việc hình thành các nhà nước tự trị trong lòng Ukraine của Nga vẫn hết sức cứng rắn và kiên quyết.

Trong khi đó, theo giới phân tích Nga, trong cuộc gặp ngày 2/10 tới, Tổng thống Pháp F.Hollande và Thủ tướng Đức A.Merkel sẽ tiếp tục cáo buộc Nga “dung túng” lực lượng ly khai do chịu sức ép của Mỹ.

Trước khi cuộc gặp này diễn ra, Mỹ sẽ tiếp tục ép các nước châu Âu kéo dài các lệnh cấm vận chống Nga từ đầu tháng 11/2015 nếu như Nga không gây sức ép buộc phe ly khai hủy bỏ bầu cử.

Lường trước được kịch bản này, Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây cần chấm dứt “trò chơi nguy hiểm” này.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh: “Các nước châu Âu và Mỹ đang bắt đầu trò chơi hết sức nguy hiểm khi tuyên bố rằng nếu như các cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine được tổ chức thì đây sẽ là sự phá hoại Thỏa thuận Minsk-2”.

Theo ông Lavrov, “trò chơi nguy hiểm” này, nếu được Mỹ và phương Tây triển khai, sẽ thực sự trở thành “nấm mồ” chôn vùi Thỏa thuận Minsk-2.

Trước những tuyên bố cứng rắn của Nga, phương Tây hiểu rằng việc thay đổi quan điểm của Nga là điều không hề dễ dàng, nhất là phương Tây và Mỹ đang thực sự rất cần đến Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông.

Hiện Nga đang nỗ lực hình thành một liên minh chống IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng).

Đích thân Tổng thống Nga V.Putin sẽ trình bày chi tiết về ý tưởng này trong bài phát biểu tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc sắp tới ở Mỹ, sau đó sẽ từ Mỹ bay thẳng về Paris để tham dự cuộc gặp “Bộ tứ Normady”.

Do đó, nếu đưa ra các tuyên bố tiếp tục cấm vận chống Nga thì Mỹ và phương Tây sẽ tự tay hất đi cơ hội hợp tác cùng Nga trong giải quyết vấn đề ở Trung Đông.

Xuất phát từ các yếu tố trên, các nhà phân tích cho rằng khả năng các cuộc bầu cử ở miền Đông sẽ được tổ chức theo kế hoạch là khá cao.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ khó có thể để Nga và phe ly khai Ukraine dễ dàng đạt được mục đích của mình. Chính vì vậy, hiện vẫn còn nhiều rủi ro đang chờ đợi các cuộc bầu cử của phe ly khai miền Đông Ukraine.

Ngày cả khi bầu cử được tổ chức thành công, việc tìm được giải pháp cho khủng hoảng Ukraine vẫn không phải là vấn đề “một sớm một chiều”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại