Đáp lại việc người biểu tình tràn vào trụ sở Bộ chỉ huy quân chủng Lục quân yêu cầu quân đội phải tỏ rõ thái độ, tối 29-11, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố, quân đội đứng trung lập và không tham gia cuộc tranh chấp hiện nay giữa người biểu tình và Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Tư lệnh Lục quân Thái Lan tuyên bố công khai và rõ ràng lập trường của quân đội kể từ khi cuộc xung đột chính trị mới xảy ra tại nước này.
Một binh sĩ Thái đứng trước đám đông biểu tình ở thủ đô Bangkok
Kêu gọi nhanh chóng tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay, tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định, quân đội sẽ bảo vệ người dân một khi bạo lực xảy ra. Ông kêu gọi những người biểu tình của tất cả các bên nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc dân chủ. Người biểu tình nên kiềm chế, không gây chia rẽ và không lôi kéo quân đội về phía mình.
Trong khi đó, phong trào biểu tình đòi chính phủ từ chức vẫn chưa lắng dịu và đang diễn biến phức tạp. Tối 29-11, thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban tuyên bố, những người biểu tình sẽ chiếm giữ trụ sở Chính phủ và một số cơ quan nhà nước khác vào ngày 1-12, sau đó kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước xuống đường biểu tình vào ngày 2-12. Theo kế hoạch dự kiến, những người biểu tình sẽ tập trung từ sáng và sau đó chiếm các mục tiêu như Phủ thủ tướng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Nha cảnh sát Băng Cốc, các Bộ Giáo dục, Lao động, Nội vụ, Thương mại và Ngoại giao, Cục quan hệ công chúng... Ông Suthep giải thích việc chiếm giữ các cơ quan công quyền là nhằm mục tiêu ngăn cản công chức, viên chức làm việc để tiến tới loại bỏ chính quyền hiện nay.
Tuy nhiên, theo AFP, ngay trong ngày 30-11, người biểu tình đã tìm cách vượt qua các hàng rào bảo vệ tòa nhà Chính phủ. Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Piya Utayo cho biết, khoảng 2.000 người biểu tình thuộc mạng lưới sinh viên đang cố gắng gây sức ép lên cảnh sát khi họ chất các bao cát lên để vượt qua những hàng rào bảo vệ của tòa nhà. Cùng ngày, người biểu tình đối lập đã tấn công một chiếc xe buýt chở những người ủng hộ chính phủ. Người biểu tình đối lập cũng tuần hành đến các mục tiêu là những tập đoàn truyền thông nhà nước chủ chốt.
Thủ lĩnh đối lập Suthep cũng đề nghị thành lập cái gọi là Hội đồng nhân dân vì sự thay đổi của Thái Lan gồm 37 thành viên do ông làm Tổng Thư ký để thay thế chính quyền hiện nay. Như vậy, cho đến nay, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đã nhiều lần thay đổi mục tiêu và hiện hoàn toàn xa rời mục đích ban đầu là chống sửa đổi hiến pháp.
Ngày 30-11, Phó thủ tướng Thái Lan Pongthep Thepkanchana cho biết, những yêu cầu của người biểu tình về việc thành lập một hội đồng nhân dân, mở đường tiến tới hình thành chính phủ là vi phạm hiến pháp. Ông tuyên bố việc biểu tình của người dân, đặc biệt là hành động chiếm đóng trụ sở cơ quan chính quyền, là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cảnh báo tòa án đã phê chuẩn lệnh bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình.
Hiện nay, Văn phòng Bộ Tư pháp Thái Lan đã chấp nhận xem xét việc kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp về khả năng vi phạm điều 68 của Hiến pháp đối với hành vi phát động biểu tình của thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Sinawatra (giữa) là Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha (phải)
Trong khi đó, theo BBC, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Sinawatra tuyên bố, Thái Lan sẽ không tổ chức bầu cử sớm để chấm dứt làn sóng biểu tình chống chính phủ đã kéo dài sang ngày thứ sáu. Bà Yingluck khẳng định, Chính phủ không lùi bước và tiếp tục chủ trương đàm phán để đạt được thỏa thuận. Bà nêu rõ, tình hình hiện nay rất nhạy cảm nên các bên cần kiên nhẫn và kiềm chế.
Ngày 30-11, theo báo “Bưu điện Bangkok”, hàng nghìn người “áo đỏ” Thái Lan đã bắt đầu đổ về thủ đô Bangkok để tham gia cuộc tuần hành lớn ủng hộ chính phủ tại sân vận động Gia-da-man-ga-la. Những người “áo đỏ” thuộc Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) tuyên bố, sẽ kéo dài cuộc tuần hành để bảo vệ nền dân chủ cho đến khi người biểu tình chống chính phủ chấm dứt chiến dịch của họ.