Ông Trường đánh giá, sự kiện ngày 5/10 hoàn tất TPP đánh dấu sự ra đời một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay, một liên kết kinh tế tiên phong, góp phần tạo ra luật chơi thương mại thế kỷ XXI.
"Dù quá trình đàm phán TPP không lâu dài và khó khăn như đàm phán gia nhập WTO, nhưng về ý nghĩa, đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia một khối kinh tế ở đẳng cấp cao của thế giới" - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhận định.
Bản hiệp định gồm 30 chương, lần đầu tiên có cả các điều khoản tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ, với một ủy ban giúp các doanh nghiệp nhỏ loại bỏ các rào cản và tệ nạn quan liêu.
Các doanh nghiệp có thể kiện các chính phủ thành viên về các sai phạm kinh tế thương mại.
Với TPP, Việt Nam tham gia một khối đồng minh và đối tác chiến lược về kinh tế thương mại xuyên Thái Bình Dương, là một bước tiến lớn của cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, sẽ góp phần đáng kể đưa nền kinh tế nước ta tiến bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ông Trường khẳng định, "đây là một một bước tiến lịch sử làm nức lòng người Việt Nam ta, tạo thuận lợi để đất nước xây dựng một nền kinh tế hiện đại, độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế!"
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường bình luận: "Việt Nam đã trở thành “đồng minh kinh tế”, đối tác chiến lược của 11 quốc gia. Về chính trị, TPP tạo ra một thế vững chắc cho Việt Nam trong quan hệ với các nền kinh tế khác.
Mặt khác, Việt Nam đã thực hiện được một bước rất quan trọng để đa dạng hóa quan hệ kinh tế- chính trị."
Ông nhấn mạnh: "Cần phải nói, Việt Nam đã đi trước một bước so với rất nhiều nước và là một trong những nước đầu tiên gia nhập TPP.
Hiện giờ chúng ta có quyền áp đặt luật chơi (trong nhiều lĩnh vực) và đó cũng là lợi thế chính trị to lớn đối với Việt Nam. Nhờ lợi thế đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao."
Bộ trưởng thương mại 12 nước thành viên họp công bố TPP đạt thỏa thuận cuối cùng, ngày 5/10/2015
Theo ông Trường, Việt Nam là một trong những thành viên được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất nhờ tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thách thức về cơ chế, tổ chức thực hiện, ngành nông nghiệp và chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực khi các thực phẩm và nông sản giá rẻ được nhập khẩu vào.
Bù lại, với một thị trường kết nối 12 quốc gia, cùng các quy định chặt chẽ về điều kiện lao động, môi trường sinh thái, sở hữu trí tuệ… sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam thêm lành mạnh.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các mặt hàng chất lượng cao giá hạ.
TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại.
Hiệp định loại bỏ hàng ngàn loại thuế nhập khẩu cũng như các rào cản đối với thương mại nội khối.
Nó thiết lập các luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng hoạt động Internet, cấm sử dụng lao động trẻ em, ngăn cấm buôn bán động vật hoang dã và các hành vi phá hoại môi trường sinh thái.
Hiệp định đòi hỏi các cơ sở kinh tế quốc doanh của các nước thành viên như Malaysia và Việt Nam thực hiện các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn thương mại, lao động và môi trường như các thành viên khác.
Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân.