TS. Nguyễn Ngọc Trường: Nga đã tạo ra bước ngoặt thế giới 2015

Hải Võ |

Lần đầu tiên, chúng tôi kết nối với NHỮNG NHÂN VẬT CÓ UY TÍN Ở TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC để bình luận về những sự kiện làm thay đổi thế giới năm 2015.

LTS: Hôm 25/12 vừa qua, tòa soạn đã đăng tải bài tổng kết 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2015, theo độ quan tâm của độc giả.

Quý độc giả có thể tương tác bằng cách tham gia bình chọn sự kiện mà mình cho là có tính bước ngoặt đối với tình hình địa chính trị toàn cầu, để có cơ hội nhận được phần quà từ tòa soạn.

Nay, nhằm tăng tính khách quan, đa chiều của sự kiện bình chọn, cũng như cũng như để quý độc giả tiện tham khảo, chúng tôi sẽ đăng tải loạt bài độc quyền về ý kiến các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước về những sự kiện mà họ đánh giá là tâm điểm năm 2015.

Trong bài viết đầu tiên của loạt bài này, 2 chuyên gia người Mỹ, nhà báo David Lamb và Giáo sư-Tiến sĩ Sử học James LaGrand, đã nhận định vấn nạn khủng bố toàn cầu là vấn đề thời sự nóng nhất trên thế giới năm qua.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, một nhà ngoại giao kỳ cựu, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề thời sự, quan hệ quốc tế.

---

 
TIẾN SĨ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan; Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD).

Nga can thiệp quân sự vào Syria là bước ngoặt toàn cầu

Trao đổi với chúng tôi, TS. Trường đánh giá sự kiện nổi bật nhất năm 2015 là Nga can dự vào Syria. Sự kiện này thúc đẩy cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi bế tắc, tạo ra cục diện mới cho việc tìm kiếm một giải pháp ở Trung Đông.

Thế nhưng tình hình cũng không dễ dàng giải quyết, bởi chính các bên, từ Nga cho đến liên minh do Mỹ đứng đầu, cũng không muốn tìm cách xử lý triệt để vấn đề mà chỉ "khoanh vùng" để kiểm soát IS trong chiến trường chính.

Các lực lượng chống khủng bố quốc tế cũng không muốn “ép” IS bật sang các khu vực khác, đặc biệt là các chiến trường rất yếu như Afghanistan, Pakistan, hay Libya.

Những sự kiện mang ý nghĩa quan trọng

Vấn đề lớn thứ hai mà thế giới đối diện trong năm 2015, theo ông Trường, là làn sóng người tị nạn từ Trung Đông, Bắc Phi vào liên minh châu Âu (EU).

Đây là điều đã gây chia rẽ trong cộng đồng châu Âu và tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, đồng thời làm suy yếu các cơ chế liên kết của EU mà chưa có khả năng giải quyết triệt để.

Tiếp đó là Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) tại Paris hồi cuối tháng 11 vừa qua.

TS. Nguyễn Ngọc Trường đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này. Ông cho biết: "Hội nghị COP-21 này đã đạt được một thỏa thuận toàn cầu mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu mới để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thỏa thuận còn khiếm khuyết bởi các nước vẫn chờ đợi, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và vẫn cần chuyển đổi cơ chế hiện nay sang một cơ chế mới của thời kỳ hậu nhiên liệu hóa thạch.

Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi rất nhiều tiền của."

Cuộc tấn công khủng bố hàng loạt ở Paris, Pháp hôm 13/11 cũng là một sự kiện khiến cộng đồng quốc tế nhìn nhận tình trạng đầy phức tạp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu.

Ông Trường bình luận, có thể nói đây là "vụ 11/9" đối với nước Pháp và cả châu Âu, đưa đến sự nhận thức lại và làm mới lại cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế cực đoan.

"Sự kiện này đặt tất cả các bên liên quan ở châu Âu vào tình trạng 'sống chung với lũ', tức tồn tại cùng với khủng bố. Đó là một thế bế tắc, tiến thoái lưỡng nan mà chưa có hướng giải quyết hữu hiệu."

Thứ năm là việc Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng, cải tạo phi pháp 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tạo thành bước phát triển nguy hiểm thay đổi nguyên trạng biển Đông.

Điều này đồng thời thúc đẩy đối đầu về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến biển Đông trở thành tiêu điểm và kích thích cuộc chạy đua của các cường quốc Hải quân nhằm gia tăng kiểm soát các vùng biển và đại dương trên thế giới trong thế kỷ 21.


Biển Đông là một trong những vấn đề nóng của thế giới năm 2015 (Ảnh minh họa)

Biển Đông là một trong những vấn đề nóng của thế giới năm 2015 (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân Iran cũng là sự kiện đáng chú ý dù mang tính cục bộ hơn. Thỏa thuận này là một bước quan trọng để chống lại sự phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng cũng làm phân hóa cục diện Trung Đông.

Một vấn đề khác được đề cập là việc Trung Quốc thúc đẩy chiến lược “một vành đai, một con đường” cùng với Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), trong khi Mỹ và 11 nước hoàn thành ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cùng với đó, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đẩy mạnh.

"Diễn biến này thể hiện một xu hướng mới, cho thấy các nước muốn hướng tới những liên kết khối và khu vực, thay cho các liên kết toàn cầu kém hiệu quả," ông Trường bình luận.

Trong khi đó, việc Nhật Bản thông qua đạo luật an ninh mới năm 2015 cũng có ý nghĩa lớn trong khu vực, mở ra cho Tokyo sự lựa chọn tham dự vào các sự vụ châu Á, phối hợp với Mỹ để răn đe và đối phó Trung Quốc.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2015 có thể bình luận là còn nhiều bất trắc, phục hồi chậm, thiếu động lực, tăng trưởng yếu và vướng vào khủng hoảng cơ cấu.

Khu vực châu Á không thể hiện hết vai trò thúc đẩy kinh tế toàn cầu, trong khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến nước này xa rời khỏi vai trò “đầu tàu” của kinh tế thế giới.


Hiệp định TPP được ký kết thành công đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của liên kết kinh tế theo khối và khu vực, thay vì phạm vi toàn cầu. (Ảnh: Erik S Lesser/EPA)

Hiệp định TPP được ký kết thành công đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của liên kết kinh tế theo khối và khu vực, thay vì phạm vi toàn cầu. (Ảnh: Erik S Lesser/EPA)

Xu thế toàn cầu 2016

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, trong năm 2016, những hiện trạng và xu hướng kể trên sẽ tiếp diễn.

Ông nói: "Các tranh chấp trên biển sẽ diễn ra dai dẳng, trong khi cộng đồng châu Á sẽ có sự “thức tỉnh” về vấn đề đại dương và tham gia vào cuộc đấu tranh này.

Biển Đông sẽ tiếp tục là “điểm nóng” trên con đường tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc.

Việc Nga can thiệp quân sự ở Syria sẽ gây thêm khó khăn cho nền kinh tế nước này và khả năng Nga trụ lại trong cuộc chiến này là tương đối nan giải.

Vì vậy, Moscow có thể sẽ giảm cam kết, nhưng không từ bỏ Syria, đồng thời hướng tới đạt giải pháp chính trị mà vẫn bảo đảm lợi ích của Nga.

Cuộc chiến chống IS thì chắc chắn còn kéo dài và các liên minh quốc tế sẽ tiếp tục 'khoanh vùng' chiến sự tập trung ở Iraq, Syria."

Trong năm 2016, kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục khủng hoảng cơ cấu khi việc tìm ra một mô hình tăng trưởng mới phù hợp vẫn còn là bài toán khó với nhiều nước. Liên kết khối kinh tế, thương mại theo khối và khu vực sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Ở châu Âu, làn sóng di cư bất hợp pháp cũng là vấn đề chưa thể tìm ra hướng giải quyết căn bản.

"Tuy vậy, xu thế chủ đạo của quốc tế vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển. Các nước lớn vẫn tìm cách dàn xếp, kiểm soát mâu thuẫn để tránh xung đột trực diện mà đưa về 'các lực lượng đại diện đối đầu', nhằm tìm cách thỏa hiệp với nhau," ông Trường nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại