Truyền thông Trung Quốc ra sức 'làm thân', Ấn Độ vẫn 'lạnh nhạt'

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang công du Ấn Độ, truyền thông Trung Quốc đã ra sức ve vuốt, làm thân với nước láng giềng lớn thứ 2 tại châu Á này.

Ngày 9/6, tờ Thanh niên Bắc Kinh đã tranh thủ “nịnh đầm” Thủ tướng mới đắc cử của Ấn Độ, ông Narendra Modi rằng nhiệm vụ làm hồi sinh nền kinh tế đang sút kém của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi là điều hoàn toàn có thể và rằng “Ấn Độ đang đi vào kỷ nguyên của Modi”.

Cùng chung giọng điệu ấy nhưng tờ Nhật báo Trung Quốc còn bồi thêm rằng Ấn Độ sẽ học được “bài học của Trung Quốc” trong bước đường phát triển tiếp theo của mình và khẳng định Ấn Độ sẽ không thể đạt được những bước nhảy vọt kinh tế mà không có được những động lực từ mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn quốc gia của Trung Quốc cũng ra sức vun đắp cho mối quan hệ Trung - Ấn nhân chuyến thăm Ấn Độ lần này của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị.

“Với một mối quan hệ song phương tốt đẹp, Trung Quốc và Ấn Độ có thể đặt sang một bên những bất đồng bấy lâu nay như tranh chấp đường biên giới để đảm bảo rằng nó sẽ không làm tổn hại đến quan hệ đối tác và tình hữu nghị giữa hai quốc gia”, Tân Hoa xã khéo léo đưa đẩy.

Ở một khía cạnh khác, Nhật Bản gần đây cũng có nhiều động thái thắt chặt quan hệ hợp tác với Ấn Độ, việc này đã khiến cho báo giới Trung Quốc ngấm ngầm tức tối.

Trên trang China Net, một bài báo đã nhấn mạnh rằng, cho dù Nhật Bản có thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ đi chăng nữa, tình hữu nghị Ấn – Trung sẽ được nâng lên một “tầm cao mới” sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, mở đường cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Ấn Độ vào tháng 9 tới đây.

“Sự ì ạch của nền kinh tế toàn cầu sẽ thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Delhi… Sẽ chẳng có lợi lộc gì cho Trung Quốc và nó cũng sẽ làm gián đoạn sự phát triển của Ấn Độ nếu mối quan hệ song phương Trung - Ấn bị xấu đi chỉ vì Nhật Bản”, bài báo này nửa vuốt ve nửa đe nẹt.

Đáp lại sự nồng nhiệt thái quá của truyền thông Trung Quốc trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị, báo chí Ấn Độ lại giữ thái độ rất chừng mực.

Thậm chí, tờ One India còn dẫn lại một bài tổng hợp trên BBC với tiêu được đặt lại là “Đây là cách mà truyền thông Trung Quốc nói về chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị” một cách đầy hàm ý.

Nhìn nhận về vấn đề trên, tờ New York Times đã có bài bình luận sâu cho rằng, cho dù Trung Quốc có cố gắng làm ấm lại mối quan hệ với Ấn Độ đi chăng nữa, hai quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn không thể nào tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề về Tây Tạng và tranh chấp lãnh thổ ở biên giới.

Trong khi Trung Quốc liên tục có nhiều hành động mạnh tay với người Tây Tạng thì Ấn Độ lại gần như là quốc gia duy nhất "cưu mang" những người này.

Người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ trước tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc ở Delhi (Ảnh: Tsering Topgyal/Associated Press)

Những xung đột ở Tây Tạng gay gắt đến mức, ngay trong ngày ông Vương Nghị đến Trung Quốc, nhiều người Tây Tạng sống lưu vong tại Ấn Độ đã tụ tập trước tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối, khiến lực lượng an ninh Ấn Độ phải thắt chặt an ninh. 2 năm trước, khi ông Hồ Cẩm Đào đến thăm Ấn Độ, một thanh niên Tây Tạng lưu vong tự thiêu ở New Delhi để phản đối chính sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ này.

Đồng thời, Ấn Độ ngày càng giữ kẽ hơn trong quan hệ với Trung Quốc vì những quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc ngày càng dấn sâu và lộ liễu trong việc hỗ trợ các lực lượng an ninh Pakistan ở khu vực Kashmir.

Hơn nữa, tờ New York Times dẫn lời của C. Raja Mohan, một chuyên gia chiến lược ngoại giao hàng đầu của New Delhi, khẳng định việc Ấn Độ có vẻ như muốn hợp tác nhiều hơn về kinh tế với Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ đạt được những điều kiện khác trong quan hệ, tương quan an ninh với Delhi.

Ông Mohan cho biết, việc Trung Quốc và những mối quan hệ đầy sóng gió với các nước láng giềng của họ như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines đã gửi đi một thông điệp cảnh giác tương tự đối với Ấn Độ.

Có lẽ, đó chính là những lý do khiến Delhi đang rất từ tốn trong mối quan hệ với Bắc Kinh cho dù truyền thông nhà nước Trung Quốc đã và đang tỏ ra hết sức nồng nhiệt trong suốt thời gian qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại