Theo BBC, những ngày qua, báo chí Trung Quốc đã liên tục đưa tin sát sao về cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Crimea để ly khai khỏi Ukraine, có nhiều kênh thông tin tỏ thái độ "thiện cảm" với các diễn biến trên.
Tuy nhiên, về mặt ngoại giao chính thức, tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý này.
Theo ông Feng Shaolei, một chuyên gia về Nga nổi tiếng của Trung Quốc, đối với Bắc Kinh, mọi vấn đề liên quan đến “lãnh thổ” đều được xếp vào dạng rất nhạy cảm. Đó là lý do tại sao, Bắc Kinh “cực kỳ thận trọng khi tham gia vào bất cứ vấn đề gì có liên quan tới Crimea”.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo bản tiếng nước ngoài của Trung Quốc bình luận rằng lệnh cấm vận của các nước phương Tây sẽ có thể làm kinh tế Nga tổn thương ít nhiều, nhưng đổi lại, chính phương Tây cũng sẽ rơi vào cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng”.
“Các đối thủ có vẻ nguy hiểm nhất của phương Tây cũng lại thường chính là các đối tác lớn nhất của họ. Lệnh cấm vận Nga sẽ gây hậu quả lớn đối với nền kinh tế của phương Tây. Ở thời điểm hiện tại, chưa có gì cho thấy châu Âu đã sẵn sàng để đối mặt với những khó khăn đó”, tờ Nhân Dân Nhật Báo đưa ra bình luận.
Gay gắt hơn, tờ China Daily (Nhật báo Trung Quốc) còn trích dẫn nguyên những lời chỉ trích nặng nề đối với Mỹ và phương Tây. Theo đó, phương Tây bị nhận xét là “đạo đức giả” và dùng “tiêu chuẩn kép” và rằng họ mới chính là bên “đã thực hiện nhiều cuộc xâm lược tồi tệ nhằm đối với những quốc gia khác”.
“Dù sao chăng nữa, những hành động của Nga ở Crimea vẫn chưa hề cướp đi mạng sống của ai. Nếu so sánh điều đó với hàng trăm, hàng nghìn hay thậm chí là hàng triệu người đã chết và sẽ chết vì những cuộc chiến tranh của Mỹ và phương Tây thì cái nào tồi tệ hơn?”, tờ China Daily nhấn mạnh.
Ở một phương diện khác, tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) đã mô tả Nga và phương Tây như “hai con quái vật đang hùng hổ lao vào nhau” và đưa ra gợi ý Trung Quốc nên “ở giữa làm trung gian hòa giải”.
“Một khi cuộc “đụng độ” giữa Nga và phương Tây dâng cao và vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Trung Quốc có thể sẽ bị... Rất nhiều quốc gia sẽ thay đổi chiến lược của họ và Trung Quốc cũng sẽ phải có những quyết định mang tính chiến lược cho sự phát triển của mình để phù hợp với tình hình thế giới mới”, Global Times đưa ra lời cảnh báo.
"Đong đưa" với Mỹ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân
Thứ 7 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Châu Âu với cương vị người đứng đầu nhà nước.
Ông Tập Cận Bình sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân tại The Hague, Hà Lan và gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề cuộc hội thảo.
Truyền thông đang dự đoán rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là một trong những đề tài chính được đem ra bàn thảo giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc.
Tờ Liberation Daily (Nhật báo Giải Phóng) nhắc lại việc ông Obama và ông Tập Cận Bình đã từng có cuộc điện đàm hồi đầu tháng này về cùng chủ đề trên.
Cùng bàn luận về chuyến đi của ông Tập đến châu Âu, website cổng Thông tin Điện tử của chính phủ Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi “cảm thông và tôn trọng lẫn nhau” giữa châu Âu và Bắc Kinh.
Trên website này, Trung Quốc đã mô tả châu Âu đang ở tình trạng “suy giảm”, “phức tạp và thân thiện” nhưng đồng thời đầy “định kiến chính trị một cách kiêu ngạo” trong những nhìn nhận về Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, 4 “lãnh địa” nhạy cảm nhất trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu là nhân quyền, Đức Đại Lạt Ma, lệnh cấm vận buôn bán vũ khí và rào cản thương mại.
Tình trạng tham nhũng đáng báo động
Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã mở thêm 3 văn phòng mới để chấn trỉnh tình trạng tham nhũng và giám sát các quan chức của họ.
Theo tờ China Bussiness New (Thông tin Kinh tế Trung Quốc), tham nhũng đã trở thành vấn nạn chuyên nghiệp ở Trung Quốc, đến nỗi mà tờ báo này cho rằng CCDI phải có “những kỹ năng đặc biệt” mới có thể đối mặt được với những nguy cơ từ nạn tham nhũng ở Trung Quốc.
Sở dĩ báo chí Trung Quốc nhấn sâu vào tất cả các vấn đề trên và đặt nó trong mối liên hệ với Ukraine vì sức nặng của “bài học nhãn tiền” này quá lớn.
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề quốc nội (bất ổn ở các vùng tự trị, kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững, hệ thống chính trị, công quyền nặng nề, tệ nạn tham nhũng đáng báo động...) lẫn các vấn đề đối ngoại (xung đột, tranh chấp với các láng giềng, loay hoay giữa “ngã ba đường” trong quan hệ với phương Tây và Nga...) có nhiều nét tương đồng với Ukraine trước khủng hoảng.