Trong bài viết đăng ngày 6-6, nhà báo Euan McKirdy của Hãng tin CNN tiếp tục đưa các thông tin về sự hung hăng của tàu Trung Quốc tại khu vực Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà báo McKirdy đi cùng đoàn 40 phóng viên trong và ngoài nước trên chiếc tàu cảnh sát biển Việt Nam. Đoàn đến vùng biển này chỉ vài giờ sau khi tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam.
“Giàn khoan Hải Dương 981 hầu như luôn xuất hiện trong tầm mắt dù chúng tôi ở khoảng cách xa - nhà báo McKirdy mô tả - Khu vực này tập trung hàng chục con tàu, tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu Trung Quốc và tàu cá hai bên. Tàu đánh cá Việt Nam treo băng đỏ, ghi thông điệp kêu gọi Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam”.
Nhà báo McKirdy khẳng định phía Việt Nam luôn muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình nhưng phản ứng của Trung Quốc là “khá hung hăng”. Trước đó CNN đã phát đoạn video quay cảnh tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng và đâm vào tàu Việt Nam. “Một buổi sáng chúng tôi được gọi dậy để chứng kiến một tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào một tàu kiểm ngư Việt Nam. Từ xa nhìn vòm nước có vẻ êm ái nhưng đến gần thì đó là tia nước hung tợn có thể phá vỡ cửa sổ, phá hoại các động cơ, gây mất điện và thậm chí gây hỏa hoạn”.
Các tàu Trung Quốc cũng chủ động đâm tàu Việt Nam. Chưa hết, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc còn ở trên không. “Chúng tôi thấy một máy bay tuần tra, mà các phóng viên trên tàu chắc chắn là của Trung Quốc, lượn lờ phía trên tàu chúng tôi lần này đến lần khác. Thỉnh thoảng nó bay rất thấp và gần đến nỗi chúng tôi thấy rõ những dòng chữ ghi trên thân máy bay. Hành động do thám đó khiến những người trên tàu
cảm thấy lo lắng”.Cũng trong ngày, hàng loạt báo chí nước ngoài đăng tải lại thông tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam từ đoạn video vừa được công bố. “Một chiếc tàu Trung Quốc lớn hơn rất nhiều rượt theo hai tàu đánh cá Việt Nam” - Hãng Reuters mô tả. Hãng tin này chỉ rõ ra rằng sau khi đâm chìm tàu của Việt Nam, tàu Trung Quốc còn vô nhân đạo hơn khi ngăn cản việc cứu hộ tàu bị chìm.
Đề nghị họp ASEAN về biển Đông
Mới đây Indonesia đã đề nghị ASEAN thảo luận về căng thẳng trên biển Đông tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới. Hãng tin Kyodo News dẫn lời một nhà ngoại giao Philippines cho biết Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đưa ra đề xuất trên do Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông.
“Đây sẽ là hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng tập trung vào vấn đề biển Đông” - quan chức này nhấn mạnh và bày tỏ hi vọng hội nghị sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng ASEAN rất lo ngại về thái độ của Trung Quốc trên biển Đông. Theo báo Japan Times, hôm qua Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi các nước cần đòi chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế và không dùng vũ lực.
“Chính phủ Nhật ủng hộ mạnh mẽ Philippines kêu gọi một giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông... Chúng tôi cũng ủng hộ nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết xung đột chủ quyền thông qua đối thoại” - ông Abe cho biết. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của tàu Trung Quốc ở hai bãi đá ngầm Gavin và Calderon, tên quốc tế là Gaven và Cuarteron.
Manila cảnh báo sẽ đưa ra phản đối ngoại giao nếu các tàu Trung Quốc tham gia hoạt động khai hoang hai bãi đá này. Trên biển Hoa Đông, lực lượng tuần duyên Nhật cho biết hai tàu Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát.