Thông báo này được đưa ra bất chấp phản ứng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trang web của cục này còn thông báo Cục Hải sự Trung Quốc cấm tàu bè xâm nhập vùng biển bán kính 3 hải lý (khoảng 5,5km) xung quanh giàn khoan HD-981 từ ngày 4-5 đến 15-8-2014 với lý do sẽ triển khai thăm dò khai thác dầu khí trong phạm vi này. Ngày 3-5, phạm vi cảnh báo trên chỉ là 1 hải lý (1,85km).
Gần hai năm trước (9-5-2012), CNOOC đã hạ thủy giàn khoan Hải Dương 981 ở mỏ dầu Lệ Loan 6-1-1, khu vực cách Hong Kong 320km về phía đông nam. Ngay sau khi 981 được hạ thủy, chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm hùng hồn mô tả “đây là biên giới di động, là lãnh thổ di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí”.
Hộ tống HD-981 là đội tàu liên hợp khai thác dầu ở độ sâu 3.000m với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,3 tỉ USD). Đây là giàn khoan bán chìm thế hệ 6, do CNOOC sở hữu và điều hành. Tổng công ty dầu mỏ hải dương Trung Quốc và Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc phối hợp sản xuất giàn khoan này, với tổng vốn đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (983,7 triệu USD). Với chiều dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn, HD-981 có kích cỡ bằng một sân bóng đá, được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 10.
Ngoài ra, giàn khoan khủng này còn được trang bị hệ thống định vị toàn cầu và nhiều trang thiết bị hiện đại khác, có khả năng phục vụ nhu cầu làm việc và nghỉ ngơi cho 160 người. Trên giàn khoan có hệ thống 9 máy phát điện, với công suất đủ đáp ứng cho nhu cầu của 200.000 người. Theo Tân Hoa xã, nơi dự trữ nhiên liệu chỉ dành cho hệ thống phát điện này có dung tích đến 4.500 tấn, đủ cung cấp cho số máy phát điện này chạy trong 30 ngày liên tục.
Giới chuyên gia chính trị nhận định với HD-981, CNOOC đang dần thực hiện tham vọng khai thác 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2020 và mưu đồ độc chiếm vùng biển rộng lớn ở biển Đông.