Bài báo viết: Trong một thập kỉ qua, Trung Quốc đã rất nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng nước này đang “trỗi dậy hòa bình”. Nguyên tắc chủ đạo của thuyết “trỗi dậy hòa bình”, mà 1 năm sau đó được sửa thành “phát triển hòa bình” là: Trung Quốc không tìm kiếm vai trò bá chủ; sự vươn lên về kinh tế và quân sự sẽ không gây ra những mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở khu vực, trên thế giới; các nước sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Bắc Kinh coi trọng vai trò của quyền lực mềm và thừa nhận thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng sẽ góp phần nâng cao quyền lực quốc gia toàn diện.
Với một nền kinh tế tăng trưởng liên tục sẽ cho phép Bắc Kinh tăng chi phí quốc phòng, hiện đại hóa quân đội. Sức mạnh gia tăng này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Những sự kiện diễn ra tại châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2007 trở lại đây cho thấy “mối đe dọa” Trung Quốc là do Bắc Kinh tự gây ra, khi họ theo đuổi cách tiếp cận hiếu chiến với các nước láng giềng. Các tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc tăng cường các hoạt động để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông. Các tàu này bắt giữ, tấn công nhằm vào tàu cá các nước Đông Nam Á tại những ngư trường truyền thống, đe dọa đâm va với tàu chiến Mỹ…
Không những vậy, Bắc Kinh còn có các bước đi làm thay đổi nguyên trạng tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2009, Trung Quốc chính thức đệ trình cái mà họ gọi là đường chín đoạn, tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Năm 2012, Trung Quốc phái nhiều tàu đến “gây sự” và cuối cùng là kiểm soát bãi cạn Scarborough. Cùng thời điểm này, Bắc Kinh cho thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, cho thiết lập một đơn vị quân sự tại đây. Từ năm 2011, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía Nam, mời thầu quốc tế các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hơn hai tuần gần đây, căng thẳng lên tới đỉnh điểm. Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan khổng lồ tại vùng biển Hoàng Sa, chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý - một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Để bảo vệ giàn khoan này, Trung Quốc đã phái rất nhiều tàu ra hộ tống, trong đó có cả tàu chiến.
Cách hành xử này chứng minh rằng, thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc đã “chết”. Sự hiếu chiến của Bắc Kinh đã làm nhiều nước láng giềng xa lánh.
Trung Quốc muốn kiểm soát tuyến đường biển qua Biển Đông
Một bài viết trên trang tin tức Stripes (Mỹ) mới đây đã phân tích những động cơ của Trung Quốc ở Biển Đông và vai trò của Mỹ ở khu vực này. Bài báo viết: Trung Quốc vừa mang giàn khoan Hải Dương 981 của Tập đoàn CNOOC cùng với 136 tàu biển, tàu chiến vào vùng biển Việt Nam. Thoạt nhìn, điều này đơn thuần có thể giống như một trong những mặt trận tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc với sự xuất hiện dày đặc các công ty Trung Quốc ở mọi ngóc ngách trên Trái Đất.
Cho đến giờ, những diễn biến ở Biển Đông thực sự nguy hiểm hơn trước đây. Ngoài việc tìm kiếm nguồn năng lượng dồi dào thì những mưu đồ chiến lược khác cũng đang phát triển. Mỹ cần phải đối mặt với những thách thức càng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Có nghĩa là không chỉ dùng những lời hùng biện cứng rắn mà còn phải bằng hành động.
Cần phải hiểu hai vấn đề thiết yếu đang xảy ra. Một là về chủ nghĩa dân tộc: Giàn khoan dầu đang được đặt gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 dặm biển và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 dặm. Tuy nhiên, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền quần đảo này. Trung Quốc sẽ tăng thêm thanh thế cho mình nếu họ chiếm được thêm vùng biển mở rộng xung quanh Trường Sa, và nếu có quyền kiểm soát quần đảo, Trung Quốc sẽ củng cố thêm quyền làm chủ hợp pháp vùng biển của Việt Nam. Thứ hai, Trung Quốc được thúc đẩy bởi khao khát kiểm soát những tuyến đường biển qua Biển Đông. Xung quanh những vùng nước này mỗi năm lưu thông hơn 5.000 tỷ USD. Trong đó cũng bao gồm gần 1/3 lượng dầu thế giới chở bằng đường biển và hơn 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc có thể chẳng là gì nếu so với Mỹ - quốc gia thống trị các đường biển ở Trung Đông, thậm chí tập kiểm soát khu vực quan trọng của eo biển Malacca, nhưng bằng cách tổ chức hoạt động hải quân ngang qua Biển Đông, Trung Quốc có thể tự tin rằng Mỹ không thể phá vỡ những nguồn cung cấp của họ.
Dựa vào hai động cơ đem lại nhiều lợi thế trên, CNOOC đang khao khát “manh động” trong khu vực này. Bằng việc ngụy trang giống như một chuyến đi biển thương mại, Bắc Kinh hy vọng có thể xoa dịu được một số phe đối lập khó tránh khỏi chạm trán.
Nếu như vậy, nước đi thí điểm này đã không mang lại kết quả như Trung Quốc mong muốn. Động thái mới nhất của Trung Quốc - khiến Việt Nam và một số quốc gia chấn động, đã làm suy yếu mối liên kết vững chắc của Trung Quốc trong khu vực. Đó là những ưu thế về ngoại giao được ưu tiên hàng đầu của nước này. Điều này cũng đòi hỏi Trung Quốc phải trả lời về những cam kết của họ trong các cuộc đàm phán đa phương với Việt Nam để phát triển các nguồn lực chung ở Biển Đông.
Mỹ cho hay sẽ không tham gia vào vấn đề về lãnh thổ hiện nay ở Biển Đông và kêu gọi các bên giải quyết trong hòa bình. Nhưng điều này là không đủ: Mỹ và ASEAN cần phải cho thấy sự đồng thuận trong việc không công nhận khẳng định đơn phương về lãnh thổ của Bắc Kinh. Quan trọng hơn, Mỹ phải chuẩn bị những luận điệu đanh thép hơn. Mặc dù Mỹ không có thỏa thuận nghĩa vụ bảo vệ Việt Nam, việc tái cân bằng châu Á dựa vào quyền lực của Mỹ đóng vai trò tiền đề giống như một người bảo lãnh chủ chốt cho sự ổn định ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thách thức Mỹ trên mọi phương diện đó.
Việt Nam liên tục cam kết giải quyết những vấn đề mâu thuẫn khu vực trong hòa bình. Nếu Trung Quốc không đáp lại, Mỹ nên chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam thông qua những hiện diện hải quân đang tăng lên. Điều này sẽ giúp Washington đánh giá được tiềm lực của Trung Quốc đồng thời làm giảm leo thang trong khu vực. Những phương án khác như hạn chế các hoạt động của CNOOC ở Mỹ, cũng có thể được xem xét. Nếu Mỹ không thể hành động đi cùng lời nói, uy tín từ lời hứa ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực của họ sẽ bị rút lại.
Trong một bài viết được đăng tải trên Viện Chiến Lược và Quốc Tế Học (ISIS) tại Washington (Mỹ), Tiến sĩ Jonathan London, Giáo sư người Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Hong Kong, phân tích 3 mục đích trong hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam như sau: “Có một sự thống nhất chung trên bình diện quốc tế là Bắc Kinh triển khai giàn khoan chủ yếu mang tính chính trị. Nó phục vụ ít nhất ba mục đích khác biệt nhưng có liên quan với nhau: Thay đổi hiện trạng bằng cách khai thác tài nguyên ở những khu vực tranh chấp trái với quy tắc quốc tế, thăm dò phản ứng của các quốc gia khác, trong đó chủ yếu là Việt Nam và Mỹ, và tham gia chính sách ngoại giao bá quyền".
Về các giải pháp cho tình hình căng thẳng hiện nay, tiến sĩ Jonathan London cho rằng, “giải pháp hứa hẹn nhất để đối phó với sự hung hăng (của Trung Quốc) là thuyết phục Bắc Kinh rằng việc nước này dừng và kết thúc các hành động hung hăng, khiêu khích, cố gắng thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho họ. Cũng có một loạt giải pháp hòa bình nhưng không có giải pháp nào có sẵn cả. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến quân sự và các quốc gia trong khu vực và thế giới cũng vậy. Xung đột quân sự cần phải được tránh bằng mọi giá. Việt Nam cũng cần phải chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Việt Nam xứng đáng nhận được sự ủng hộ của họ bằng việc thực hiện cải cách như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm nay.
Cho đến nay, Mỹ chỉ đưa ra những phát ngôn đầy tính ngoại giao, trong đó “mạnh nhất” chỉ là gọi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mang tính khiêu khích. Riêng với Việt Nam, trong vài ngày qua một số quan chức quân sự Mỹ đã bắn đi tín hiệu về mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ-Việt Nam có khởi sắc hơn. Tuy nhiên, hợp tác với Mỹ về bất cứ quy mô nào chắc chắn sẽ mang theo hậu quả.
Trong một email gần đây, học giả và trí thức Mỹ danh tiếng Amitai Etzioni, người ủng hộ chiến lược “Kiềm chế lẫn nhau” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, có cảnh báo về nguy cơ xem tranh chấp với Trung Quốc là sự xung đột quân sự tiềm tàng. Có thể hiểu Mỹ đang thăm dò để thúc đẩy mối quan hệ quân sự với Việt Nam nhưng những quyết định này phải tính đến các chiến lược khu vực rộng hơn và giảm tối thiểu khả năng quân sự hóa khu vực. Việt Nam cần phải cân bằng nhu cầu cấp bách về khả năng tự vệ. Nhưng về cơ bản, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải ổn định. Tuy nhiên mối quan hệ này không thể ổn định nếu như những quy tắc quan trọng nhất trong khu vực không được tôn trọng”.