Trung Quốc tự làm méo mó hình ảnh “trỗi dậy hòa bình”

Tờ Telegraph của Anh mới đây có bài bình luận cho rằng, Trung Quốc đã “tự rước họa” vào thân khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam.

Dư luận quốc tế tiếp tục phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó nhiều ý kiến cho rằng hành động đơn phương của Bắc Kinh đang khiến hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” mà nước này nỗ lực xây dựng bị méo mó.

Ngày 23-5, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Sammuel Locklear đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Ông Locklear cho rằng, tình hình căng thẳng kéo dài 3 tuần qua có nguy cơ dẫn tới những tính toán sai lầm, làm bùng nổ một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Đô đốc Locklear kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết những tình huống căng thẳng thông qua cơ chế thông thường, sử dụng luật pháp quốc tế hoặc một diễn đàn quốc tế. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN và Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để ngăn chặn tranh chấp lãnh thổ biến thành các cuộc xung đột vũ trang, đe dọa các nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh của khu vực.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines tại thủ đô Manila, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông một cách hòa bình, duy trì sự ổn định ở khu vực châu Á. Tổng thống Yudhoyono khẳng định lập trường rõ ràng của Indonesia và ASEAN là “giải quyết hòa bình, không sử dụng vũ lực và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Tờ Telegraph của Anh mới đây có bài bình luận cho rằng, Trung Quốc đã “tự rước họa” vào thân khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Theo tờ báo, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, nhằm bổ sung vào kho dự trữ của mình. Hành động này đã làm Biển Đông dậy sóng, tạo ra một phản ứng mạnh mẽ ở Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, khiến cho hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của nước này bị sứt mẻ.

Cùng chung quan điểm, qua bài viết mang tựa đề “Trung Quốc tính toán sai lầm với giàn khoan của mình” trên trang Asia Sentinel, tác giả Bill Hayton đánh giá Trung Quốc đã thất bại mọi mặt trong hành vi tạo "sóng" ở Biển Đông. Theo bài viết, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc coi là lãnh thổ di động của mình, nhưng để vận hành nó thì vô cùng tốn kém. Có thể coi giàn khoan này là “con quái vật” có khả năng ngốn tiền với tốc độ chóng mặt. Tác giả Bill Hayton cho rằng, các hành động của Trung Quốc với giàn khoan Hải Dương 981 và những diễn biến kéo theo cho thấy nước này đã thất bại trong mục tiêu đối ngoại lớn ở khu vực. Hình ảnh “cường quốc đang lên có trách nhiệm và thân thiện” mà nước này cố công xây dựng đã méo mó đi rất nhiều.

Trong khi đó, Giáo sư Shinichi Kitaoka, Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Nhật Bản lại đặt câu hỏi: “Điều tôi thực sự băn khoăn trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc đó là Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển nếu tuân thủ luật pháp quốc tế. Vậy thì tại sao Trung Quốc lại bỏ qua luật pháp quốc tế và thực hiện các hành động gây hấn? Tôi nghĩ rằng với khuôn khổ hiện tại, Trung Quốc vẫn có thể gia tăng sức mạnh của mình nhưng thực tế Trung Quốc lại không làm như vậy”.

Đối với Giáo sư Vladimir Kolotov tại Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Peterburg của Nga, câu trả lời mới đây của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trước báo giới quốc tế khi tuyên bố rằng, Việt Nam sẽ không đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy hòa bình, hữu nghị viển vông, là hoàn toàn phản ánh đúng truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Theo vị Giáo sư người Nga, để có độc lập, chủ quyền, tự do, Việt Nam đã phải trả giá rất đắt nên đây không thể là cái để đầu cơ. “Việt Nam vốn nổi tiếng là một quốc gia sẵn sàng chiến đấu đến cùng trước bất cứ quốc gia nào dám xâm lược Việt Nam. Đấy là một bài học lớn của lịch sử mà bất cứ kẻ xâm lược nào cũng phải học trước khi thực hiện bất cứ hành động nào ngoài phạm vi luật pháp quốc tế. Đó chính là uy tín mà Việt Nam đã dành được trong mấy nghìn năm lịch sử của mình. Và thế kỷ 20 cũng chứng tỏ điều đó rất rõ ràng”, Giáo sư Kolotov nhấn mạnh./.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại