Trung Quốc có thể tăng ngân sách quốc phòng vào lúc Trung Quốc đang tái cấu trúc toàn diện quân đội và tình hình căng thẳng gia tăng ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 1-3 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng mức tăng ngân sách quốc phòng sẽ được công bố tại phiên họp thường kỳ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc vào cuối tuần này.
Hồi tháng 9-2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông báo đến năm 2017 sẽ cắt giảm 300.000 quân, còn hai triệu binh sĩ.
Báo dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc ghi nhận: “Cắt giảm quân số không có nghĩa là quân đội phải giảm ngân sách ngay vì còn phải trợ cấp cho người về hưu và người xuất ngũ trong hai năm tới”.
Một nguồn tin khác từ hải quân Trung Quốc cho biết tình hình căng thẳng với các nước láng giềng và với Mỹ cũng sẽ tác động để Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng.
Nguồn tin này nói: Trung Quốc phải tăng cường củng cố vũ khí phòng thủ trên biển Đông, trong đó có các hệ thống radar hiện đại, tàu chiến, máy bay và trang thiết bị cho các đơn vị đồn trú ở các đảo xa và tất cả đều cần nhiều tiền.
Báo South China Morning Post dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Tư lệnh quân khu miền Nam Trung Quốc (mới thành lập) cho biết hồi tháng 1, quân đội đã tăng 20%-40% lương để lên dây cót tinh thần cho các binh sĩ trong giai đoạn tái cấu trúc quân đội.
Trong khi đó, báo Financial Times của Anh ngày 29-2 (giờ địa phương) đã đăng bài với đầu đề “Mỹ và Nhật hối thúc tăng cường hợp tác quân sự trước sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Bài viết nêu báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) và Quỹ Hòa bình Sasakawa (Nhật).
Trong nhóm nghiên cứu có tác giả báo cáo là ông John Hamre - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage và nguyên Đại sứ Nhật tại Mỹ Ryozo Kato.
Báo cáo đánh giá quan hệ Mỹ-Nhật là quan hệ cơ bản và 15 năm tới là thời gian thử thách nhất trong quan hệ Mỹ-Nhật.
Báo cáo ghi nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là thử nghiệm địa-chính trị đầu tiên và đồng minh Mỹ-Nhật phải đối phó với “vùng xám” của Trung Quốc, ví dụ như hoạt động xây đảo nhân tạo ở biển Đông.
Cựu Trung tướng Nhật Noboru Yamaguchi, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định: “Cơ sở của báo cáo này là Trung Quốc ngày càng cường bạo hơn”.
Các chuyên gia đề nghị Mỹ-Nhật cần phối hợp nhiều hơn, từ an ninh mạng đến quan hệ với Nga, cơ chế chỉ huy, hoạt động tương tác giữa hai quân đội.
Ông Dennis Blair, Chủ tịch Quỹ Sasakawa ở Mỹ, nguyên Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Năng lực kinh tế, quân sự, kỹ thuật của Mỹ và Nhật phối hợp chắc chắn sẽ ưu việt hơn Trung Quốc… Nếu duy trì lợi thế ấy với các biện pháp thích hợp, xung đột sẽ không thể xảy ra”.
Báo Today (Singapore) đưa tin tối 29-2, tại cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan thông báo hai bên đã nghiên cứu một số ý tưởng thăm dò nhằm giảm nguy cơ va chạm ngoài dự kiến trên biển Đông và hai nước sẽ tiếp tục thảo luận các ý tưởng này trong những tháng tới.
Ông cho biết hai bên đã nhất trí tăng cường thảo luận về thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị phát biểu quan điểm của Trung Quốc là vấn đề tranh chấp biển Đông phải được các nước có liên quan trực tiếp giải quyết qua đàm phán và thương lượng.
Tuy nhiên, ông nói Bắc Kinh sẵn sàng trao đổi với ASEAN để thiết lập COC và tăng cường thảo luận về COC. Singapore là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
____________________________________
20% là mức Trung Quốc có thể gia tăng ngân sách quốc phòng trong thời gian tới.
Chúng tôi đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do đi tàu và bay qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore VIVIAN BALAKRISHNAN