Sau khi ký hàng loạt thỏa thuận thương mại và thiết lập các quỹ đầu tư với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bắc Kinh giờ đây đang ấp ủ giấc mộng hồi sinh “con đường tơ lụa trên biển”.
Thế nhưng chủ trương này lại đang vấp phản những phản ứng đầy nghi vấn của các nhà hoạch định chính sách và giới quan sát trong khu vực.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng những nước láng giềng luôn hoan nghênh mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn nữa với Trung Quốc nhưng họ lại nghi ngờ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh, và liệu rằng các dự án có kèm theo chiếc “thòng lọng” hay không. Điều đó dường như đang khiến một số nước lưỡng lự đón nhận cái gọi là “tầm nhìn” về hợp tác chính trị và an ninh mà Trung Quốc đưa ra cho các vấn đề hàng hải.
Phục hưng con đường tơ lụa trên biển được Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất trong các chuyến thăm của họ tới các quốc gia trong khu vực vào tuần trước. Nó được xem như một nỗ lực của Trung Quốc nhằm buộc các nước Đông Nam Á phải “hàm ơn” mà gạt bỏ những căng thẳng kéo dài trên Biển Đông, đồng thời nhằm đối phó với chiến lược tái cân bằng và cam kết kinh tế, an ninh với châu Á của Mỹ, vẫn được biết đến với tên gọi “xoay trục”.
Con đường tơ lụa trên đất liền (màu đỏ) và con đường tơ lụa trên biển (màu xanh)
Từng là tuyến đường gắn kết Trung Quốc với thế giới ở thế kỷ thứ 15, tầm nhìn về một “con đường tơ lụa mới trên biển” là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận có hệ thống nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị và an ninh của Trung Quốc trong khu vực.
Chính Yang Baoyun, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh đã chỉ rõ: “Con đường tơ lụa trên biển có hàm ý nhiều hơn một khái niệm mang tính biểu tượng”.
Ông Yang nói rằng, dù khái niệm về con đường cần phải làm rõ hơn thì việc tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc với khu vực “có thể giảm bớt những căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ”.
Một khía cạnh khá quan trọng trong ý tưởng mới này của Bắc Kinh là thúc đẩy hợp tác hàng hải, có thể gồm cả các dự án thủy sản và công nghệ hàng hải phục vụ an toàn lưu thông biển và tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, những ngờ vực chính trị bấy lâu nay đối với Bắc Kinh về việc họ không muốn thỏa hiệp tranh chấp lãnh thổ vẫn là thách thức lớn nhất.
Nhiều nhà phân tích coi Quỹ hợp tác Hàng hải Trung Quốc - ASEAN, được thiết lập đúng lúc căng thẳng trên Biển Đông lên đến cao độ vào cuối năm 2011, là một phần của sáng kiến “con đường tơ lụa mới”.
Cả ông Tập và ông Lý trong bài phát biểu của mình tuần trước đều kêu gọi các thành viên ASEAN “sử dụng Quỹ này tốt hơn”.
Nhưng theo chính một học giả Trung Quốc, cái Quỹ 2 tỷ Nhân dân tệ (474 triệu USD) ấy đã phải đối mặt với sự dè chừng của ASEAN do thiếu tin cậy chính trị.
“ASEAN cho rằng Trung Quốc quá quyết đoán trong việc bảo vệ chủ quyền và sử dụng quỹ đó có thể làm tổn hại tới lợi ích của họ”, vị học giả này nói.
Giáo sư Aileen Baviera, Đại học Philippines cho biết, nhiều nước ASEAN không muốn đụng đến Quỹ vì họ sợ sẽ có chiếc “thòng lọng” chính trị kèm theo.
Kusnanto Anggoro, giảng viên Đại học Quốc phòng Indonesia lại nói rằng, xung đột lợi ích là lý do chính tại sao các nước ASEAN không mặn mà gì với Quỹ.
Trong khi Trung Quốc muốn tập trung vào những lĩnh vực phi nhạy cảm như bảo tồn đa dạng sinh học thì ASEAN lại muốn hợp tác ở các dự án phức tạp hơn như tuần tra thực thi luật pháp và an toàn hàng hải.
“Trung Quốc lại không phải là nước tuân thủ và thực hiện tốt”, Anggoro nhận xét.
Karl Lee, nhà nghiên cứu Malaysia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Anbound cũng chia sẻ quan điểm này. Ông nói rằng, sau gần 2 năm được thiết lập, ASEAN vẫn chưa biết sử dụng Quỹ hợp tác hàng hải này như thế nào.
“Ngoài thông báo lưu hành giữa các cơ quan chính phủ, cho đến nay Bắc Kinh mới chỉ đưa ra một danh sách các lĩnh vực hợp tác tiềm năng và mới được phát hành trên một trang web của Trung Quốc ”.