Trung Quốc “mở mặt trận thứ hai”?

Hành động Trung Quốc kéo giàn khoan thứ hai có tên Nam Hải 9 vào Biển Đông lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới.

Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: Giàn khoan được đưa vào khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở Hà Nội.

Tôi không tin là Trung Quốc hành động theo cách mà “tay trái không biết tay phải đang làm gì”. Với tôi có vẻ như họ mở ra mặt trận thứ hai, bởi Việt Nam có nguồn lực hải quân hạn chế so với Trung Quốc. Trung Quốc luôn có tới cả trăm chiếc tàu vây quanh một giàn khoan (Hải Dương 981), khiến Việt Nam phải huy động, tập trung lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của mình. Và nếu họ mở thêm một mặt trận nữa, Việt Nam sẽ bị dồn ép. Vịnh Bắc Bộ lại được xem là vấn đề riêng giữa hai nước. Nói cách khác, Trung Quốc đang tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam, muốn Việt Nam ngừng đưa vấn đề ra công luận.

Nếu nhìn vào cả vấn đề với Philippines, mỗi lần nước nào đó quốc tế hóa tranh chấp, Trung Quốc lại càng gây sức ép, nghĩa là khiến nước đó phải “trả giá”. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại từ lâu. Không rõ liệu khi vấn đề được quốc tế hóa, áp lực có tác động đến Trung Quốc hay không. Nhưng có thể “mặt trận” thứ hai được thiết kế là nhằm chia mỏng nguồn lực của Việt Nam.

Nhưng Việt Nam có lợi thế khi mùa mưa bão tới vào tháng 9. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao Trung Quốc đã nói hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 sẽ kết thúc vào 15/8. Nếu có 100 tàu quanh một giàn khoan và khi bão lớn tới, Trung Quốc có nguy cơ sẽ bị bẽ mặt khi các tàu bị gió cuốn, bị hư hại. Làm sao có thể bảo vệ được các tàu? Vì vậy Trung Quốc cần phải rút các tàu.

Về những vu khống mới đây của Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc hàng ngàn lần, GS. Thayer nói: Việt Nam làm được những điều mà Trung Quốc không làm được. Đó là Việt Nam đã cho công bố các đoạn clip. Khi Trung Quốc nói rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần, tính ra như vậy mỗi tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc tới không biết bao nhiêu lần. Nếu tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc nhiều đến vậy, chắc chắn tàu Việt Nam sẽ bị hư hỏng vì tàu Việt Nam nhỏ hơn tàu Trung Quốc rất nhiều. Vì vậy tôi cho rằng con số Trung Quốc đưa ra là hết sức vô lý. Và nếu tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc chắc chắn Trung Quốc sẽ trả đũa. Quan trọng hơn nữa là bằng chứng đâu?

Chính phủ Trung Quốc còn tạo ra môi trường để thậm chí ngư dân của Trung Quốc cũng có thể trở thành cướp biển, có thể tấn công tàu Việt Nam, đánh các ngư dân Việt Nam, mà không bị trừng phạt, bởi họ biết họ được chính quyền bảo vệ. Đây là điều tồi tệ vì Chính phủ phải chịu trách nhiệm cho những gì người dân của mình đã làm. Và người Trung Quốc có quyền gì mà đâm tàu Việt Nam và lên tàu của Việt Nam?

Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin và bình luận về vụ việc này, chẳng hạn như hãng tin AP, AFP, Reuters, tờ ABC News (Mỹ), Japan Times (Nhật Bản), Channel News Asia (Singapore)… Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng những động thái hạ đặt giàn khoan như thế đã được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng nhằm phục vụ cho các động cơ chính trị, chứ không phải kinh tế. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng thế giới cần phải theo dõi sát sao các hoạt động của từng giàn khoan của Trung Quốc và cực lực lên án khi nó muốn xé rào phá luật quốc tế.

Tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) nói: “Vị trí của giàn khoan Nam Hải số 9 gần đảo Hải Nam cho thấy Bắc Kinh muốn tận dụng vị trí và cơ sở hạ tầng để từ đó Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) có thể hỗ trợ hậu cần và bảo vệ giàn khoan. Đây có thể là lý do vì sao bất chấp những nỗ lực hàn gắn và kêu gọi hợp tác trong những năm qua, Việt Nam luôn bị Trung Quốc nhắm đến cho những động thái như thế này. Bắc Kinh đang ngày càng có những động thái khó lường”.

Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS-Mỹ), nói: “Việc Trung Quốc cho đang triển khai thêm 4 giàn khoan dầu xuống biển Đông không nên làm phân tán sự tập trung vào giàn khoan Hải Dương 981 vì mọi vấn đề chính đều xuất phát từ giàn khoan này. Hơn nữa, 4 giàn khoan này không xâm phạm chủ quyền các nước khác và chúng cũng không có công suất khai thác dầu như Hải Dương 981”.

Đài ABC của Australia cũng đã đăng bình luận về các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, ngay sau khi nước này thông báo về việc di chuyển thêm 4 giàn khoan dầu vào Biển Đông. Bài báo dẫn lời ông Scott Darling, thuộc Trung tâm nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt châu Á của ngân hàng JP Morgan tại Hong Kong cho rằng, theo dõi những động thái vừa qua của Trung Quốc thì thấy, việc nước này triển khai thêm nhiều giàn khoan ở Biển Đông, đặc biệt là trong giai đoạn mùa hè, mùa cao điểm của hoạt động khoan dầu là không bất ngờ. Điều này một lần nữa cho thấy tham vọng thâu tóm toàn bộ biển Đông của Trung Quốc thông qua “chính sách bành trướng” ngày càng bộc lộ rõ.

Nhật báo Pháp Le Figaro có bài “Trung Quốc thổi bùng lên tranh chấp biển đảo với Việt Nam”, viết: Sau khi cáo buộc Hà Nội đã “thổi phồng” tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, ngày 18/6, Bắc Kinh đã “đổ thêm dầu vào lửa”, khi tuyên bố đặt một giàn khoan dầu thứ hai trong vùng biển đang tranh chấp. Giàn khoan này trên nguyên tắc được đưa đến vào hôm qua bất chấp những căng thẳng gần đây giữa hai nước sau vụ đặt giàn khoan thứ nhất tại thềm lục địa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.

Nhà nghiên cứu cao cấp Valérie Niquet phụ trách khu vực châu Á của Quỹ Về nghiên cứu chiến lược, nguyên Giám đốc Trung tâm châu Á (Viện Quan hệ quốc tế Pháp), trả lời báo La Croix như sau: Hiện thời Bắc Kinh dựa vào đường chín đoạn mà chính họ vạch ra một cách thô thiển để đòi toàn bộ Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc xây dựng tính hợp pháp dựa trên chủ nghĩa dân tộc, dựa trên cái mà họ gọi là thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Tham vọng tự đại này giải thích vì sao Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng để áp đặt như một cường quốc đứng đầu châu Á.

Bà Holly Morrow, một thành viên của dự án năng lượng tại Trung tâm Belfer về các vấn đề khoa học và quốc tế thuộc Đại học Harvard, cho rằng Trung Quốc khoan một mũi trên biển của người khác (giàn Hải Dương 981) rồi khoan một mũi gần đó nhưng thuộc biển của Trung Quốc (giàn thứ hai) để làm thế giới hiểu lầm là tất cả các giàn khoan đều hoạt động bình thường. Sự giải thích hoạt động mập mờ của giàn khoan thứ hai mà Trung Quốc đưa ra rất dễ gây ngộ nhận. Trung Quốc nói giàn khoan này di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam). Do trong phạm vi hoạt động của giàn khoan Nam Hải số 9 ban đầu trong vùng biển của Trung Quốc, nên thế giới trong đó có Việt Nam, chưa chính thức lên án. Từ đó, Trung Quốc sẽ khiến dư luận ngộ nhận thế giới không phản đối khi Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai vào Biển Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại