Theo hãng tin Reuters, trong khi các lãnh đạo Trung Quốc không đặt tên cho danh sách các sáng kiến ngày càng tăng hoặc không nêu mục đích chung, thì các chuyên gia và nhà ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng, Bắc Kinh dường như đang định hình cấu trúc an ninh và tài chính châu Á theo ý muốn của mình.
"Trung Quốc đang cố vạch ra chiến lược đối trọng của riêng mình", Sun Zhe, Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ-châu Á tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đồng thời là cố vấn chính sách ngoại giao cho Chính phủ Trung Quốc, cho biết.
"Rõ ràng nó nhằm vào Mỹ", một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh, chuyên theo dõi quan hệ quốc tế của Trung Quốc, cho biết thêm.
Trục của Tổng thống Obama - như cách Nhà Trắng gọi ban đầu - đại diện cho một chiến lược tập trung vào các nền kinh tế năng động ở châu Á, khi Mỹ thoát khỏi những cuộc chiến hao tiền tốn của ở Iraq và Afghanistan.
Người châu Á giải quyết vấn đề châu Á?
Trung Quốc coi trọng tâm của Mỹ như một nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng đang lên của nước này, đặc biệt là khi Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh an ninh châu Á như Nhật và Philippines, hai nước có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ luận điệu này.
Một phần chủ chốt trong ngoại giao của Trung Quốc là thổi sự sống vào hội nghị ít người biết có tên "Tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á" (CICA) - vốn suy yếu kể từ khi Kazakhstan đề xuất nó vào năm 1992 để tăng cường hòa bình và an ninh.
CICA gồm hai chục quốc gia, chủ yếu là ở châu Á, cũng như Nga và một số nước Trung Đông khác. Mỹ, Nhật và Philippines không phải là thành viên.
Trung Quốc đảm nhiệm vai trò chủ tịch CICA tại một hội nghị thượng đỉnh ở Thượng Hải vào tháng 5 trong 3 năm. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình nói về "khái niệm an ninh châu Á" mới, và cho biết Trung Quốc sẽ tìm hiểu công thức về một bộ luật hành xử về an ninh khu vực và chương trình đối tác an ninh.
Trong khi chỉ đưa ra vài chi tiết và không đề cập trực tiếp tới các tranh chấp như tranh chấp ở Biển Đông, ông Tập cảnh báo các nước châu Á về việc củng cố liên minh quân sự chống Trung Quốc - một sự đề cập xỏ xiên tới trục của Mỹ.
"Các vấn đề châu Á phải do người châu Á giải quyết, an ninh châu Á phải được người châu Á bảo vệ", ông Tập nói.
Ngân hàng đối trọng?
Một sáng kiến khác của Trung Quốc là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á có giá trị 50 tỷ USD, được ông Tập Cận Bình nêu ra vào tháng 10 năm ngoái trong một chuyến thăm Đông Nam Á.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei tuần này cho biết, Bắc Kinh sẽ giữ 50% cổ phần của ngân hàng. Giới ngoại giao coi ngân hàng này là một đối thủ tiềm tàng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), dù Trung Quốc tuyên bố, vai trò của ngân hàng này chỉ như một sự bổ sung, không phải cạnh tranh.
Washington và Tokyo là hai nước có quyền bỏ phiếu cao nhất tại WB và ADB - hai thể chế tài chính có hàng chục năm tuổi trên.
Trung Quốc coi ngân hàng cơ sở hạ tầng là cách tốt nhất để phổ biến các thông điệp về những ý định tốt đẹp của họ ở châu Á, nơi các nước đang phát triển như Philippines và Việt Nam đang buộc tội Trung Quốc hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền.
"Trung Quốc duy trì nguyên tắc định hướng cơ bản trong ngoại giao khu vực - là bạn bè và đối tác với các láng giềng", Lou nói.
Trên tất cả, Trung Quốc đã đưa ra những mồi nhử tài chính và thương mại cho Trung Á, ủng hộ những nỗ lực phục hồi "con đường tơ lụa", từng chuyên chở của cải giữa Trung Quốc và Địa Trung Hải.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hàng loạt hiệp ước thương mại trong vùng nhưng không phải là một phần trong các cuộc đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - khối gồm 12 nước trong đó có hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Nhật.
Trong tuần này, khi được hỏi có phải Trung Quốc đang xây dựng trục của riêng mình không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, nước này đang theo đuổi một chính sách láng giềng thân thiện.
Một quan chức cấp cao của Tổng thống Obama nói, Washington đang theo dõi sát hướng tiếp cận châu Á của ông Tập Cận Bình.