Theo South China Morning Post, lấy cớ từ sự bế tắc trong chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích hơn 3 tuần qua, các nhà khoa học Trung Quốc đã đưa ra đề xuất mở rộng mạng lưới vệ tinh lên hơn nữa. Đề nghị này hiện đang được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc đang có nhiều vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo, tuy nhiên chúng chủ yếu tập trung ở khu vực phía trên lãnh thổ Trung Quốc và các khu vực xung quanh. Số lượng của các vệ tinh này cũng là một ẩn số lớn.
“Nếu chúng ta có một mạng lưới quan trắc toàn cầu, chúng ta sẽ không phải đi tìm kiếm trong bóng tối như hiện nay. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc theo dõi vị trí những chiếc máy bay và theo dõi tới vị trí cuối cùng của nó. Hiện một kế hoạch đang được soạn thảo để mở rộng khả năng giám sát bằng vệ tinh”, giáo sư Chí Thiên Hà, một nhà nghiên cứu về cảm biến từ xa và kỹ thuật số Trái đất tại Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết.
Ngay sau khi chiếc máy bay MH370 bị mất tích, các nhà khoa học cao cấp của Học viện kỹ thuật Trung Quốc đã gửi một lá thứ tới các nhà lãnh đạo đất nước đề nghị xây dựng một mạng lưới vệ tinh có thể giám sát toàn cầu.
Nếu dự án được bật đèn xanh từ chính phủ Trung Quốc, nó có thể được khởi động trong 2 năm tới, theo giáo sư Chí. Tuy nhiên, chi phí cho kế hoạch này không hề rẻ chút nào. Giá để chế tạo và đưa một vệ tinh lên không gian hiện nay là khoảng 400 triệu nhân dân tệ (khoảng 64 triệu USD), đồng nghĩa với việc một dự án tầm cỡ thế này sẽ phải tốn ít nhất là 20 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3,2 tỉ USD).
Theo thống kê thì hiện đang có khoảng 1.000 vệ tinh đang quay xung quanh Trái đất, nhưng đại đa số chúng là vệ tinh viễn thông, chỉ có khoảng 150 vệ tinh là được dùng với mục đích quan sát, viễn thám và quân sự.
Theo giáo sư Liu Yu, một chuyên gia tại Học viện Trái đất và khoa học không gian thuộc Đại học Bắc Kinh thì dự án này có thể thay đổi cán cân trò chơi của Trung Quốc về lĩnh vực do thám không gian.
“Các dịch vụ quan sát quốc tế ngày nay bị chi phối với Mỹ và các nước châu Âu, nhưng nếu Trung Quốc đưa thêm hơn 50 vệ tinh vào quỹ đạo cho mục đích quan sát, toàn bộ cuộc chơi sẽ thay đổi”, giáo sư Liu nói.
Tuy nhiên, có một số rào cản công nghệ đối với dự án này. Các trung tâm không gian hiện có của Trung Quốc như Tửu Tuyền, Thái Nguyên hay Tây Xương còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như các chuyến bay ra ngoài không gian và kế hoạch phóng tàu khám phá mặt trăng có người lái.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Liu, chất lượng của các thiết bị hình ảnh trong vệ tinh cũng cần được cải thiện.
Hiện mỗi năm Trung Quốc phóng khoảng 15 vệ tinh, nhưng với kế hoạch giám sát thế giới đầy tham vọng, số vệ tinh được phóng mỗi năm có thể phải tăng lên gấp đôi.
Để giải quyết bài toán khó về nơi phóng vệ tinh, các chuyên gia không gian cho biết sẽ phải nâng cấp trung tâm phóng vệ tinh Ôn Xương ở tỉnh Hải Nam
Còn theo giáo sư Zhao Chaofang, một nhà hải dương học ở Đại học Hải dương Trung Quốc thì chính quyền phải xây dựng thêm nhiều trạm mặt đất để tăng tốc độ truyền tải dữ liệu từ vệ tinh trở lại Trái đất.
“Nhiều vệ tinh của Trung Quốc hiện nay chỉ có thể truyền tải dữ liệu khi chúng bay trên Trung Quốc, vì vậy dữ liệu chúng tôi nhận được đôi khi chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì mà các vệ tinh thu được. Do đó, để xây dựng được một mạng lưới quan trắc toàn cầu có hiệu quả như Mỹ, chúng ta cần phải mở rộng các trạm mặt đất ở nước ngoài”, giáo sư Zhao cho biết.