Gần đây, Triều Tiên có dấu hiệu đang chuẩn bị thử hạt nhân. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên, từ trước đến nay, đưa nước này tiến gần hơn tới khả năng tấn công bằng hạt nhân tới các mục tiêu ở châu Á-Thái Bình Dương. Tháng trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se gọi vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên, nếu có, sẽ là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi”.
Nếu Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư, sự kiện đó sẽ gia tăng áp lực buộc Mỹ phải tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của mình trong khu vực, đồng thời thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản lại gần hơn với kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ hạt nhân của riêng mình, ngoài hệ thống của Mỹ.
Và đây chính là “cơn ác mộng” của Trung Quốc: một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân sát sườn, Nhật Bản mạnh lên ngay giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Câu hỏi đặt ra là, liệu các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có hành động hay không? “Họ ngày càng xem Triều Tiên là một trách nhiệm chiến lược hơn là một tài sản”, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói. Theo vị quan chức này, Bắc Kinh cảm thấy lo ngại trước hướng đi của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un - một người “dám” xử tử cả chú dượng.
Sẽ là một thay đổi rất lớn đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thực sự từ bỏ Triều Tiên. Không một quốc gia nào trên thế giới có ảnh hưởng nhiều tới Triều Tiên như Trung Quốc. Nếu không có nguồn lương thực và nhiên liệu từ Trung Quốc, nền kinh tế Triều Tiên sẽ suy sụp. Tuy nhiên, đó có lẽ không phải là một kết quả mà Bắc Kinh mong muốn, cho dù ông Jang Song Thaek, người chú dượng của ông Kim Jong Un bị xử tử hồi cuối năm ngoái, là một trong những nhân vật thân Bắc Kinh nhất ở Bình Nhưỡng.
Trung Quốc vẫn xem Triều Tiên như một vùng đệm trước những lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc, và lo ngại rằng, sự sụp đổ không theo trật tự của một nhà nước có hạt nhân có thể gây ra những bất ổn ở biên giới Trung Quốc.
Và chính những toan tính trên của Trung Quốc có thể là những gì khiến Bình Nhưỡng củng cố ý chí quyết tâm tiến hành thử hạt nhân. “Triều Tiên cho rằng, Trung Quốc sẽ không vượt quá những lời cảnh báo”, ông Chun Yung-woo, một cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc, đánh giá.
Triều Tiên có khả năng đang sở hữu một vài quả bom hạt nhân dạng thô. Một báo cáo từ viện nghiên cứu 38 North thuộc Đại học John Hopkins của Mỹ, nói rằng, Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 1 vụ thử động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 vừa qua. Giới quan sát cho rằng, cho dù có vũ khí hạt nhân có thể tấn công thực sự, thì Kim Jong Un có thể “không dại gì” mà sử dụng, vì điều đó đồng nghĩa với cuộc tấn công đáp trả.
Tuy vậy, cho tới nay, các chiến thuật dạng “cây gậy và củ cà rốt” áp dụng đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân hầu như không phát huy tác dụng. Các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên rơi vào đóng băng. Với quan điểm của Bình Nhướng, vũ khí hạt nhân là sự bảo vệ cao nhất trước các nguy cơ thay đổi chế độ từ bên ngoài. Thậm chí, Triều Tiên đã gọi vũ khí hạt nhân là “thanh bảo kiếm”.
Nếu Triều Tiên tiến hành vũ thử hạt nhân thứ tư, các lệnh trừng phạt mới sẽ tiếp tục được bổ sung lên nước này, trong đó có các lệnh trừng phạt nhằm vào tài sản của gia đình Kim Jong Un. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, khó có thể xảy ra một cuộc “nổi dậy” chống lại nhà lãnh đạo này, bởi ông Kim đã chứng tỏ hiệu quả trong củng cố quyền kiểm soát quân đội kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011.
“Chúng ta sẽ phải chung sống với Kim Jong Un cho dù có thích ông ta hay không”, ông Chun, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc, nói. Ông Chun cho rằng, ông Kim Jong Un “bất cẩn, tàn nhẫn, và nguy hiểm hơn so với người cha".