Trung Quốc đứng đâu trong thế chân vạc Nga-Trung-Mỹ?

Đức Huy |

Trong một bài phân tích đăng hôm 11/5, Nhân dân Nhật báo đã nhân sự kiện Tập Cận Bình sang dự Ngày Chiến thắng để đánh giá vị trí của Trung Quốc trong thế chân vạc Nga-Trung-Mỹ.

Tác giả bài viết nhận định, chuyến viếng thăm Moscow đánh dấu 70 năm chiến thắng phát xít hôm 9/5 vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một bước đi "mang nhiều rủi ro", nhưng cũng cho rằng việc chấp nhận mạo hiểm là có cơ sở.

Thứ bảy tuần trước, ông Tập cùng 112 binh sĩ thuộc Lục quân, Hải quân, và Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia cuộc duyệt binh "lớn nhất trong lịch sử Nga".

Đó cũng là lần đầu tiên lãnh đạo và quân đội Trung Quốc cùng xuất hiện trong một cuộc duyệt binh bên ngoài lãnh thổ nước này.

Tại đây, ông Tập đã trò chuyện rất cởi mở với Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều mà theo truyền thông phương Tây là một thông điệp rõ ràng gửi tới cộng đồng quốc tế về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của liên minh Nga - Trung.

Tạp chí The Atlantic nhận định, ý đồ "bắt tay" của hai cường quốc này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh các nước phương Tây, những đồng minh khi xưa của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, không có mặt tại đại lễ Ngày Chiến thắng.

Thế chân vạc Trung Quốc - Mỹ - Nga

Trở lại với nhận định của Nhân dân Nhật báo, mối quan hệ hiện tại giữa Nga, Trung Quốc, và Mỹ (hay nói rộng hơn là Mỹ và phương Tây) có rất nhiều nét tương đồng với thế chân vạc dưới thời Tam Quốc.

Nga-Trung-Mỹ, Tam Quốc của thế kỉ 21?
Nga-Trung-Mỹ, Tam Quốc của thế kỉ 21?

Điều này thể hiện rõ nhất qua cách mà các nước chọn thời điểm thích hợp để liên thủ nhằm đối phó với "chân" còn lại.

Còn nhớ mới chỉ 5 năm trước, Nga từng mời được phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thái tử Charles của Anh và Tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy tới tham dự lễ duyệt binh kỉ niệm Ngày Chiến thắng.

Nay khi thời thế đã thay đổi, trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt, Moscow lại tìm đến Trung Quốc, và sự xuất hiện của Tập Cận Bình hôm 9/5 vừa qua đã giúp Nga "cải thiện hình ảnh" một cách đáng kể.

Nhưng nhìn từ quan điểm Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo cho rằng việc đi ngược với "phong trào" và chọn sát cánh cùng một quốc gia đang bị phương Tây cô lập như Nga quả thật là một nước đi tương đối mạo hiểm.

Bài viết trên Nhân dân Nhật báo nhận định, Nga đang muốn thế giới thấy rằng sự xuất hiện của ông Tập là minh chứng cho việc Trung Quốc đã tham gia chiến dịch cùng họ chống lại "kẻ thù chung" là Mỹ.

Điều này cũng dễ hiểu, vì ngoài những lệnh trừng phạt nặng nề đánh vào kinh tế Nga, Mỹ cũng đang là cái gai trong mắt Trung Quốc với chính sách "xoay trục sang châu Á" mà Washington đang áp dụng, trong đó nổi bật nhất là sự can thiệp của Mỹ vào các tranh chấp biển đảo.

Nhưng đây lại không hẳn là những gì Bắc Kinh muốn cộng đồng quốc tế hiểu về mình. Đó là lý do tại sao Trung Quốc luôn khẳng định quan hệ ngoại giao của nước này với Nga là "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", chứ không phải một "liên minh".

cơ quan báo chí đCS trung quốc
Nhân dân nhật báo
Cụ thể, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn cương quyết phủ nhận việc nước này liên minh cùng Nga để đối phó phương Tây.

Một minh chứng cho quan điểm này có thể thấy trong lời phản hồi nhanh chóng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong đó phủ nhận việc nước này ủng hộ lập trường của Nga về vấn đề Ukraine theo thông tin mà báo chí Nga đăng tải.

Nói cách khác, bài phân tích trên Nhân dân Nhật báo cho rằng trong thế chân vạc hiện tại, Trung Quốc nên phát huy tính linh hoạt trong chính sách ngoại giao của mình, thay vì quá bó buộc theo một liên minh nhất định để chống phe còn lại.

Để làm được điều này, theo tác giả bài viết, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải hết sức cẩn trọng. Trước mắt, việc "bắt tay" với Nga phải được Bắc Kinh thực hiện một cách khéo léo sao cho bước đi này không gây ra nhiều sự phản đối trong quần chúng.

>> "Nga-Trung chỉ bắt tay thôi, sao phương Tây đã toát mồ hôi?"

>> Cuộc chiến giữa các "ông lớn" đang đẩy thế giới về đâu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại