Mỹ duy trì một số hàng không mẫu hạm trong khu vực.
Tướng không quân Herbert Carlisle được dẫn lời nói với các phóng viên mảng quốc phòng tại Washington: "Thái độ hung hăng mang lại nguy cơ tính toán sai lầm. Đó là điều chúng tôi cân nhắc mỗi ngày".
Ông Carlisle là người chỉ huy cao nhất của lực lượng không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.
Vài năm nay, Mỹ đã công bố chính sách chuyển dịch trọng tâm về Châu Á, mà một phần được cho là do chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh ở trong khu vực.
Trung Quốc hiện đang tranh chấp chủ quyền với một loạt quốc gia, trong có các đồng minh quan trọng của Mỹ.
Tướng Carlisle cho hay, ông lo ngại rằng một số hành động của Mỹ có thể gây hiệu ứng muộn lan rộng.
"Môi trường hiện tại rất phức tạp và luôn thay đổi. Mỗi hành động đều có thể dẫn tới hậu quả không mong đợi" - tướng Carlisle nói.
Cùng lúc, theo Carlisle, các chính sách của Trung Quốc đang khiến Washington tăng cường các mối liên hệ trong khu vực, ví dụ tuyên bố mới rồi về việc Washington và Manila mở rộng đàm phán về hợp tác quốc phòng.
Ông nói: "Một số hành xử hung hăng, ngỗ ngược của họ thực tế đã mang bạn bè chúng tôi lại gần hơn, những người mong muốn chúng tôi hiện diện ở đó".
Theo tướng Carlisle, một số đồng minh có thể sẽ mua vũ khí của các nước khác- không phải Mỹ, nhưng họ vẫn muốn sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ để đối trọng lại với Trung Quốc.
Ông cũng cho biết, một nửa số chiến đấu cơ F-22 của Không lực Hoa Kỳ hiện đã có mặt tại khu vực Thái Bình Dương, căn cứ đầu tiên cho loại chiến đấu cơ mới F-35 mà Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất cũng sẽ đặt ở Châu Á và không quân Mỹ sẽ điều tới khu vực này một cơ số máy bay do thám không người lái Global Hawks do Hãng Northrop Grumman chế tạo.
Một chi tiết đáng chú ý mà vị tướng này tiết lộ, là Washington đang tăng cường bán vũ khí cho các nước không truyền thống, khi thị trường vũ khí nội địa và Châu Âu đang thu hẹp.