Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ (ICAS) là tổ chức nghiên cứu đầu tiên của Trung Quốc tại vành đai Washington.
Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal (WSJ), giám đốc ICAS Hong Nong tuyên bố mục tiêu là “nghiên cứu và trao đổi về các vấn đề hàng hải cũng như quan hệ Mỹ - Trung”, chứ không đại diện cho Chính phủ Trung Quốc.
Bà Hong Nong lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Alberta (Canada). “Chúng tôi muốn trở thành một tổ chức học thuật phi lợi nhuận và độc lập hoàn toàn” - bà Hong Nong cam kết. Tuy nhiên, thực tế chưa chắc là như vậy.
“Tiền đồn” tại Mỹ
Chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc
Trước ICAS, Trung Quốc chủ yếu sử dụng các học viện Khổng Tử để quảng bá “quyền lực mềm”.
Đến nay Trung Quốc đã thành lập 443 học viện Khổng Tử ở 71 quốc gia, bao gồm 144 học viện tại Mỹ. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều học viện Khổng Tử ở Mỹ, Canada... đã vấp phải sự phản đối vì các hoạt động tuyên truyền cho Chính phủ Trung Quốc.
Nhiều trường đại học ở Mỹ và Canada đã đóng cửa các học viện Khổng Tử.
Theo các thông tin chính thức, ICAS là một chi nhánh của Quỹ nghiên cứu Nam Hải Hải Nam, do Viện Nghiên cứu Nam Hải (NISCS), một tổ chức nhà nước của Trung Quốc, thành lập.
Mục tiêu của Quỹ nghiên cứu Nam Hải Hải Nam được ghi rõ trên trang web là “phục vụ quan hệ đối ngoại của Trung Quốc và phục vụ chiến lược phát triển Nam Hải" (cách Trung Quốc gọi biển Đông).
Báo chí Mỹ mô tả ICAS là “tiền đồn” của NISCS tại Mỹ.
Từ trước đến nay NISCS luôn to tiếng bảo vệ “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc, dù tấm bản đồ vô giá trị này không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Trên thực tế, hồi năm ngoái Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi thành lập các tổ chức nghiên cứu ở nước ngoài để tăng cường “quyền lực mềm” của Bắc Kinh.
Và dù tự xưng là “độc lập”, nhưng các hoạt động ban đầu của ICAS ở Mỹ thể hiện rõ bàn tay chỉ đạo từ Bắc Kinh.
Hôm 16-4, ICAS tổ chức một hội nghị tại Washington. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được mời lên phát biểu hùng hồn về tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Thôi Thiên Khải cũng có mặt và lớn tiếng biện hộ cho chương trình lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép mà Trung Quốc đang thực hiện trên biển Đông. Ông Thôi khẳng định nước này “sẽ quyết liệt bảo vệ lợi ích quốc gia” ở biển Đông.
Giới quan sát nhận định ICAS là một phần trong cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc nhằm lừa dối dư luận Mỹ và quốc tế về những đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp của nước này trên biển Đông.
Hồi tháng 9-2014, Trung tâm nghiên cứu biển Đông của ĐH Nam Kinh đã tuyển nhóm nghiên cứu sinh đầu tiên và nhiệm vụ của những người này là tìm kiếm bất kỳ tài liệu nào có thể ủng hộ “đường lưỡi bò”.
Một số học giả Trung Quốc cũng thừa nhận chính quyền Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào các tổ chức nghiên cứu về biển Đông.
Bởi đến nay, mọi tài liệu và bằng chứng mà cộng đồng quốc tế ghi nhận đều hoàn toàn không ủng hộ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Ý đồ thật sự
Báo WSJ dẫn lời học giả Alice Ekman thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định thách thức đầu tiên ICAS đối mặt là phải chứng minh sự “độc lập” của mình.
“Để được công nhận là viện nghiên cứu độc lập, ICAS cần phải tạo không gian cho các nghiên cứu mang tính phản biện đối với chính các quan điểm của Trung Quốc” - chuyên gia Ekman nhấn mạnh.
Tạp chí The Economist cho rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm “đánh bóng” các đòi hỏi chủ quyền vô lý của mình trên biển Đông bằng lớp sơn “học thuật” như ICAS sẽ khó có thể thuyết phục được bất kỳ ai ở Mỹ, châu Âu hay Đông Nam Á.
Một nguyên nhân đơn giản là các hoạt động của lực lượng Trung Quốc trên biển Đông đều rất bí mật, hoàn toàn thiếu sự minh bạch.
Điển hình là việc Trung Quốc âm thầm lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông với quy mô ồ ạt.
Chỉ khi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cùng tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố các hình ảnh chụp từ vệ tinh thì Bắc Kinh mới chịu thừa nhận.
Hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc khiến cả thế giới chấn động. ASEAN mô tả chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc “đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trên biển Đông”.
Khi tiếp đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Washington mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ sự lo ngại về các đảo nhân tạo trên biển Đông và chỉ trích Trung Quốc “khoe cơ bắp”, bắt nạt các nước láng giềng.
Nhiều chuyên gia đánh giá Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc bình luận những tổ chức như ICAS mọc lên không đơn giản là thuyết phục thế giới rằng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đúng đắn, bởi các đòi hỏi chủ quyền như “đường lưỡi bò” là hoàn toàn vô lý.
“Ý đồ thật sự của Trung Quốc là thuyết phục các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế dần chấp nhận vai trò thống trị của Trung Quốc ở biển Đông và khu vực Đông Á” - giáo sư Thayer cảnh báo.