Bắc Kinh sợ trở thành "mồi nhử" của phương Tây?
Sau vụ khủng bố máy bay Nga và các vụ tấn công đẫm máu ở Paris vừa qua, phương Tây đã gia tăng cường độ các cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.
Đồng thời, việc IS tuyên bố hành quyết một con tin Trung Quốc hôm 19 và vụ khủng bố ở Mali hôm 20/11 khiến dư luận quốc tế dấy lên một vấn đề mới: Trung Quốc có trực tiếp tham gia chiến dịch quân sự chống IS hay không?
Đây cũng là câu hỏi nhận được sự quan tâm lớn từ truyền thông và người dân Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã né tránh trả lời trực tiếp về vấn đề này và đây được xem là thái độ của Bắc Kinh cho đến thời điểm này.
Hoàn Cầu nhận định, nếu Trung Quốc điều động quân đội tới Trung Đông hợp tác với Nga hoặc liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu thì đó sẽ là "một lựa chọn hết sức quan trọng về chính sách".
"Phương Tây dường như rất kỳ vọng Trung Quốc tham gia cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc sẽ rất thận trọng khi đưa ra những quyết định như vậy."
Tờ báo Trung Quốc đánh giá, phương Tây muốn Bắc Kinh tham gia chống IS dưới một hình thức nào đó bởi họ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chiến này, trong khi Nga nhiều khả năng cũng ủng hộ quan điểm trên khi chính họ đang không kích IS ở Syria.
Điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc xây dựng hình ảnh chính nghĩa trên dư luận thế giới, thậm chí mở ra "nấc thang mới" cho quá trình hợp tác với phương Tây ở lĩnh vực chính trị.
Tuy vậy, Hoàn Cầu chỉ ra, tham chiến ở Trung Đông nghĩa là Bắc Kinh chấp nhận hàng loạt rủi ro có thể diễn biến thành thực tế trong tương lai gần.
Thứ nhất, quân đội Trung Quốc chưa được chuẩn bị đầy đủ để tham gia hành động quân sự như vậy, trong khi hiệu quả từ chiến dịch không kích của Nga và phương Tây "rất khó đánh giá" và "không thể dám chắc vai trò của Trung Quốc đến đâu trong cuộc chiến".
Thứ hai, quân đội Trung Quốc đã nhiều năm không tham gia một cuộc chiến tranh nào, rất khó giành được sự ủng hộ từ quần chúng khi bất ngờ tham chiến ở Trung Đông - khu vực mà nước này cho là "người dân Trung Quốc không quen thuộc, nhận thức mơ hồ".
Nói cách khác, Bắc Kinh quan ngại nhiều yếu tố không xác định khiến nước này không kiểm soát được tình hình cuộc chiến cả trong và ngoài nước, điều mà Moscow đang thực hiện khá thành công.
Một người được lực lượng an ninh Mali sơ tán khỏi khu vực khách sạn Radisson Blu ở Bamako, nơi xảy ra vụ khủng bố bắt con tin hôm 20/11. Ba công dân Trung Quốc thiệt mạng trong vụ việc này. Ảnh: AFP
Thời báo Hoàn Cầu phân tích: "Trung Quốc cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, nhưng phương Tây đến nay vẫn không thừa nhận điều này.
Cho đến gần đây, truyền thông phương Tây vẫn liên tục lên tiếng gọi các vụ khủng bố ở Tân Cương là 'không thuộc phạm vi chủ nghĩa khủng bố'.
Nếu Trung Quốc tham gia chiến dịch quân sự chống IS thì mục đích đầu tiên là phải có lợi cho cuộc chiến chống khủng bố trong nước, trong khi thái độ của phương Tây là không chấp nhận điều này.
Ngược lại, việc Bắc Kinh tham chiến rất có khả năng khiến thế lực khủng bố trong nước và quốc tế liên kết lại. Như thế, chỉ cần phương Tây 'buông tay' thì Trung Quốc sẽ đơn độc đối đầu với cục diện phức tạp."
Trung Quốc không muốn tham gia cuộc chiến chống IS dù là hợp tác với Nga hay phương Tây? (Ảnh: AP)
Trung Quốc tiếp tục "cống hiến được đến đâu thì cống hiến"
Hoàn Cầu cũng khẳng định "Trung Quốc có thái độ tích cực với hoạt động chống khủng bố", nhưng buộc phải tính toán kỹ lưỡng bởi "chiến dịch chống khủng bố do một số quốc gia nhất định đứng đầu và thường đi theo lộ trình gần với lợi ích thực tế của các quốc gia đó".
Chính phủ và truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục khẳng định "liên minh chống khủng bố phải nằm trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc (LHQ)", với định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố do LHQ xác định để khu biệt với các khái niệm tranh cãi khác, theo một kế hoạch thống nhất.
Nghị quyết mới đây của LHQ "mới chỉ thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động quân sự chống IS", nhưng quyền quyết định triển khai ra sao "vẫn nằm trong tay các nước lớn".
Trên thực tế, theo Hoàn Cầu, Mỹ và châu Âu không ôm kỳ vọng quá lớn đối với việc Trung Quốc tham chiến mà hiện tại chủ yếu là những luồng dư luận trên báo chí về vấn đề này.
Sau vụ khủng bố ở Pháp hôm 13/11, Ủy ban nhân quyền LHQ mới đây đã thông qua nghị quyết về tình hình Syria liên quan tới thái độ của xã hội quốc tế đối với chính phủ Syria, phe đối lập và IS, đồng thời đặt chính phủ này vào vị trí bị tẩy chay hàng đầu.
Nga và Trung Quốc nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu phản đối nghị quyết trên. Trong khi đó, 2 nước này bỏ phiếu tán thành một nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ chấp thuận sử dụng vũ lực đối với IS.
Hoàn Cầu bình luận, những nghị quyết liên quan đến Syria thể hiện rõ tình trạng phức tạp của khu vực Trung Đông và Bắc Kinh "hoàn toàn không cần chủ động nhúng tay vào cục diện này".
Theo tờ này, cho đến khi cuộc chiến chống khủng bố quốc tế "ít nhất phải có quan hệ hỗ trợ hoạt động chống khủng bố trong nước của Trung Quốc", thì Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì thái độ "cống hiến trong khả năng".