Sách trắng cũng cho rằng, việc quan trọng của Nhật Bản là chú trọng năng lực của Lực lượng Phòng vệ trong việc triển khai quân tới các khu vực xa xôi và tập trận chung với quân đội Mỹ, nhằm chuẩn bị cho khả năng lấy lại quyền kiểm soát đối với những đảo xa.
“Phía Nhật Bản đang biện hộ cho “mối đe dọa Trung Quốc” và cố tình tạo ra căng thẳng trong những năm gần đây”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói ngày 27/6.
Cộng đồng quốc tế đang quan ngại trước tình trạng Nhật Bản liên tục mở rộng vũ khí và thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự, trong khi đó, sự phát triển quốc phòng của Trung Quốc chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, bà Hoa nói.
Nữ phát ngôn viên nhắc lại rằng, Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường và quyết tâm đối với vấn đề quần đảo Điếu Ngư (hiện do Nhật Bản kiểm soát với tên gọi Senkaku); Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku. Ngày 27/6, ba tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo.
Hôm qua, trong chuyến thăm 2 ngày tới Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói với người đồng cấp Philippines rằng, Tokyo sẽ hỗ trợ Manila bảo vệ vùng lãnh thổ tranh chấp trên biển Đông.
Ông Onodera khẳng định Nhật Bản và Philippines đang có những “mối lo ngại chung” trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn với nhiều quốc gia về vấn đề lãnh thổ. “Chúng tôi nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong việc bảo vệ các hòn đảo xa, bảo vệ chủ quyền trên biển cũng như các lợi ích hàng hải”, ông Onodera tuyên bố trong buổi họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin.
Ông Gazmin nói: “Chúng tôi đồng ý tiếp tục trao đổi thông tin, trao đổi công nghệ để giúp đỡ lẫn nhau nhằm xây dựng quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn”. Đại diện của hai nước không nêu cụ thể nội dung hỗ trợ, nhưng hồi tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho biết nước này sắp đón 10 tàu tuần tra mới từ Nhật Bản trong 18 tháng tới.
Bộ trưởng quốc phòng của hai nước cũng khẳng định họ hoan nghênh sự hiện diện quân sự của đồng minh Mỹ ở châu Á.