Trung Quốc cảnh báo Triều Tiên: Đừng giở trò!

Sự kiện Triều Tiên bắt giữ tàu cá Trung Quốc và đòi tiền phạt đã khiến chính phủ Trung Quốc thực sự “bực mình”.

Mặc dù Bình Nhưỡng đã thả tàu và thuyền viên bị bắt giữ, nhưng hôm nay Hoàn Cầu vẫn có bài xã luận cảnh báo Triều Tiên về vấn đề này.

Mới đây, tàu đánh cá mang số hiệu 25222 bị phía Triều Tiên bắt giữ, sau đó thông tin trên bị mạng Internet phanh phui. Tối 19-5, đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên đã chứng thực thông tin này với báo chí, đồng thời yêu cầu phía Triều Tiên nhanh chóng thả người, thả thuyền, đảm bảo sự an toàn về người và tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên bị bắt giữ.

Tàu cá Trung Quốc
Tàu cá được Trung Quốc 'đẩy' lên chiến tuyến trong vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Tàu Trung Quốc kiên quyết phủ nhận đã vượt qua ranh giới khi bị bắt giữ. Do không có bên thứ ba làm chứng, lời giải thích của phía Triều Tiên và tàu Trung Quốc dĩ nhiên là khác nhau.

Tuy nhiên từ lâu nay, sự kiện Triều Tiên bắt giữ tàu cá Trung Quốc thường xuyên xảy ra, rất nhiều trường hợp tàu cá Trung Quốc không vượt qua ranh giới. Phía Triều Tiên thường căn cứ vào giá trị của tàu đánh cá yêu cầu chủ tàu nộp phạt và tạo nên tiền lệ xấu.

Hoàn Cầu nhấn mạnh, cần phải chỉ ra rằng việc Triều Tiên bắt giữ tàu cá Trung Quốc và sự kiện mới đây, Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan có tính chất khác nhau.

Bối cảnh gây ra xung đột trên Biển Đông là sự tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc với Triều Tiên lại không phải như vậy. Sự việc đáng tiếc mà Triều Tiên gây ra giống như việc cảnh sát Triều Tiên lợi dụng danh giới mơ hồ trên biển để o ép ngư dân Trung Quốc.

Những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc – Philippines, Trung Quốc – Nhật Bản đều đồng nhất với thái độ chiến lược của hai bên, chính vì vậy cả hai bên cũng đều giữ vững lập trường của mình về các sự kiện cụ thể trên biển.

Như sự kiện ngư dân Đài Loan bị Philippines bắn chết trên biển Đông mới đây đã lập tức gây ra cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục, Đài Loan với Philippines, dư địa để hai bên xoay chuyển tình thế là rất nhỏ.

Tuy nhiên tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc – Triều Tiên lại mâu thuẫn với mối quan hệ của hai nước, ít nhất là không đồng nhất với thái độ của lãnh đạo hai nước. Do vấn đề hạt nhân Triều Tiên khiến quan hệ hai nước xuất hiện một số vấn đề không hài hòa, hành động của Triều Tiên trên biển bị coi là có mối liên quan nào đối với quan hệ chung cũng là điều bình thường.

Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Triều Tiên, bao gồm trước đây, khi xảy ra những sự kiện tương tự, thái độ của Trung Quốc không đủ cứng rắn, khiến cảnh sát cấp dưới của Triều Tiên và chỉ huy của họ không hề e ngại.

Tàu cá Trung Quốc bị tàu tuần duyên Nhật chặn khi đi vào vùng biển Điếu Ngư/Senkaku Ảnh: minh họa

Hoàn Cầu phân tích Triều Tiên là nước nghèo, đóng cửa với thế giới bên ngoài, rất ít có các hoạt động giao lưu đối ngoại, chính vì thế khả năng tuân thủ các quy tắc thông hành quốc tế không mạnh.

Sự nhận thức của Triều Tiên đối với luật biển quốc tế có thể chỉ xuất phát từ những kinh nghiệm khi quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Xét về mặt tổng thể, Hàn Quốc rất sợ Triều Tiên, nếu Trung Quốc cũng “nhân nhượng” với quốc gia này sẽ khiến Bình Nhưỡng nảy sinh ảo giác, tưởng mình là “đệ nhất thiên hạ” trên biển Hoàng Hải.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên cần phải một là một, hai là hai. Quan hệ tốt đẹp về mặt chiến lược giữa hai nước cần bảo vệ, tuy nhiên đối với những va chạm ở cấp dưới, Trung Quốc quyết sẽ không thờ ơ cho qua. Trước hết Trung Quốc cần bảo vệ lý lẽ trước mỗi vụ va chạm cụ thể. Nếu Triều Tiên ngang ngạnh, thậm chí giở trò, Trung Quốc sẽ chuyển sang sử dụng ngôn ngữ hành động, buộc Triều Tiên phải dừng lại đúng lúc.

Hoàn Cầu nhấn mạnh Trung Quốc không hề lo ngại làm như thế sẽ “ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”. Việc Trung Quốc gây sức ép cho Triều Tiên có thể không công khai với dư luận, nhưng cần để phía Triều Tiên hiểu rõ vấn đề.

Ví dụ Triều Tiên “phạt tiền” ngư dân Trung Quốc vì các tranh chấp trên biển, Bắc Kinh cần kiên quyết cắt giảm viện trợ đối với Bình Nhưỡng, để họ được nhiều hơn mất. Triều Tiên buộc phải phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nếu không chịu ngậm thì cứ việc công khai mâu thuẫn.

Lãnh đạo Trung Quốc cần coi trọng mối nguy hại về chính trị của việc Triều Tiên bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Trong thời đại Internet phát triển như hiện nay, những sự kiện này thường được giải thích thành “sự mềm yếu của chính phủ”. Nếu không đưa Triều Tiên vào khuôn khổ, hình ảnh chính phủ Trung Quốc sẽ bị chôn vùi trong các sự kiện trên biển này.

Cuối cùng, Hoàn Cầu kết luận mối quan hệ Trung – Triều có tầm quan trọng về mặt chiến lược, nhưng đối với Triều Tiên, mối quan hệ này có tầm quan trọng cao hơn là đối với Trung Quốc.

Đây cần phải là nhận thức chung của hai nước Trung Quốc, Triều Tiên, đồng thời được phản ánh trong hành động của cả hai nước. Nếu rất khó để nói rõ điều này cho Triều Tiên hiểu thì hãy để Bình Nhưỡng từ từ 'lĩnh hội' trong các vụ va chạm với Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại