Trung Quốc bảo kê ngư dân "cướp" cá trên Biển Đông như thế nào?

(Soha.vn) - Tại cảng Đàm Môn (Hải Nam), nhiều ngư dân nói với Reuters rằng, chính quyền Hải Nam khuyến khích họ đánh bắt ở các khu vực mà nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Nhiều ngư dân ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cho biết, chính quyền địa phương khuyến khích họ đi đánh bắt ở các khu vực Trung Quốc nhảy vào tranh chấp chủ quyền, bằng cách hỗ trợ nhiên liệu và trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh để trợ giúp, bảo vệ kịp thời nếu những tàu này có vấn đề với lực lượng chức năng nước ngoài, Reuters đưa tin.

Hơn 10.000 tàu cá Trung Quốc từ tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến trong một lần đổ ra biển Đông, dưới sự hướng dẫn của tàu hải giám. Ảnh: Xinhua
Hơn 10.000 tàu cá Trung Quốc từ tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến trong một lần đổ ra biển Đông, dưới sự hướng dẫn của tàu hải giám. Ảnh: Xinhua

Trên đảo Hải Nam, một thuyền trưởng giới thiệu cho phóng viên Reuters về con tàu cũ kỹ, nhưng được lắp bộ thiết bị công nghệ cao: hệ thống định vị vệ tinh giúp thuyền trưởng này kết nối trực tiếp với cảnh sát biển Trung Quốc trong tình huống gặp phải thời tiết xấu hoặc gặp lực lượng tuần tra của Việt Nam hoặc Philippines, khi đánh bắt trong khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Báo chí Trung Quốc cho biết, tính đến cuối năm ngoái, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu do nước này tự phát triển được trang bị cho hơn 50.000 tàu cá. Ở Hải Nam, cửa ngõ ra biển Đông, các thuyền trưởng chỉ phải trả tối đa 10% chi phí, phần còn lại được chính phủ hỗ trợ. Đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính ngày càng nhiều cho ngư dân để lực lượng này ngày càng tiến xa trên biển Đông, để tìm kiếm ngư trường mới.

Tại cảng Đàm Môn (Hải Nam), nhiều ngư dân nói với Reuters rằng, chính quyền Hải Nam khuyến khích họ đánh bắt ở các khu vực mà nước khác cũng tuyên bố chủ quyền. Họ được trợ giúp về mặt nhiên liệu. Các tàu cá của Trung Quốc được chuyển từ sở hữu tư nhân thành tàu thương mại thuộc các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán. Gần đây nhất, lực lượng tàu này được huy động để vây quanh bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 khi giàn khoan khổng lồ này còn nằm trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những tàu này đã đâm húc tàu cá của Việt Nam trong suốt hơn 2 tháng trước khi Trung Quốc rút giàn khoan về nước vào giữa tháng 7.

Nhu cầu lớn về hải sản

Lời giải thích cho việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông thường tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của tuyến hàng hải với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua đây mỗi năm, hoặc mục tiêu của Bắc Kinh nhằm tăng sản lượng khai thác dầu khí ngoài khơi. Tầm quan trọng của hải sản trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc ít khi được nhắc tới. Báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc năm 2014 nói rằng, mức tiêu thụ cá bình quân đầu người ở Trung Quốc là 35,1kg trong năm 2010, gần gấp đôi mức trung bình 18,9kg của thế giới.

“Các sản phẩm cá có vai trò quan trọng trong lối sống của người Trung Quốc. Tôi cho rằng, đây là điều mà người ta thường không tính đến khi nhìn vào các cuộc xung đột và tranh chấp”, Reuters dẫn lời ông Alan Dupont, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales (Úc).

“Điều khá rõ ràng là đội tàu đánh cá của Trung Quốc được khuyến khích đánh bắt trong các vùng biển tranh chấp. Tôi nghĩ điều đó đã trở thành chính sách và chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích đội tàu cá làm như vậy vì các lý do địa chính trị, kinh tế và thương mại”, ông Dupont nói.

Tính đến cuối năm 2012, Trung Quốc có 16 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thêm nhiều vệ tinh sẽ được phóng lên trong thời gian tới. Hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc đang cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và GLONASS của Nga.

Quân đội Trung Quốc đang tận dụng tối đa hệ thống Bắc Đẩu. Không rõ ngư dân Trung Quốc có thường xuyên sử dụng hệ thống Bắc Đẩu để xin giúp đỡ hay không. Các ngư dân được Reuters phỏng vấn đều nói họ từng gửi tín hiệu kêu cứu. Nhưng các ngư dân có thể dùng hệ thống này để báo cáo chính quyền nếu họ gặp trục trặc kỹ thuật hoặc có vấn đề với các cơ quan quản lý biển của nước ngoài, báo chí chính thống của Trung Quốc cho biết.

Nếu ấn nút khẩn cấp, một tin nhắn sẽ được gửi thẳng tới cơ quan chức năng Trung Quốc. Vì hệ thống Bắc Đẩu có thể chủ động gửi dữ liệu địa phương nên chính quyền nước này có thể định vị chính xác con tàu đang ở đâu. Hệ thống gửi tin nhắn của Bắc Đẩu cũng cho phép người sử dụng liên lạc với các ngư dân khác hoặc với gia đình, bạn bè họ.

Ông Zhang Jie, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Hải Nam, nói rằng, ông không nắm được thông tin chính xác về việc sử dụng hệ thống Bắc Đẩu, nhưng khẳng định rằng, các ngư dân được khuyến khích đánh bắt trong bất kỳ vùng biển nào mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Nhiều ngư dân ở đây cho biết, chính quyền Hải Nam khuyến khích họ đi đánh bắt tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách bờ biển Trung Quốc gần 1.100km về phía nam.

Chỉ vài tuần sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Đàm Môn mà báo chí nước này gọi là điều bất ngờ. Tại đây, ông Tập nói với các ngư dân rằng, chính phủ sẽ làm nhiều hơn để bảo vệ ngư dân khi họ hoạt động trong những vùng biển tranh chấp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại