Trung Quốc - Ấn Độ sắp ký kết hiệp ước ngừng tranh chấp biên giới

Trung Quốc và Ấn Độ đang dần tiến tới một hiệp ước nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng tranh chấp biên giới dọc dãy núi Himalayas.

Hiệp ước hợp tác quốc phòng biên giới là một trong những nỗ lực gấp rút được các nhà ngoại giao đưa ra bàn thảo trước chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới của Thủ tướng Manmohan Singh đồng thời là bước tiến nhỏ trong việc cải thiện mối quan hệ phức tạp giữa hai cường quốc bùng nổ kinh tế nhưng đối đầu về chính trị.

 	Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhóm họp cùng Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm 20/5.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhóm họp cùng Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm 20/5.

Hồi tháng Năm, sau 3 tuần căng thẳng quân sự tại vùng biên giới phía tây dãy núi Himalayas do binh sĩ Trung Quốc đóng trại trong khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ tuyên bố chủ quyền 10 km, khiến dư luận lên án đồng thời kêu gọi chính phủ New Delhi có biện pháp ngăn cản quốc gia láng giềng, quân đội hai nước đã quyết định rút lui. Tuy nhiên, Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận việc quân đội nước này tiến vào vùng lãnh thổ của Ấn Độ.

Theo thỏa thuận mới, lực lượng quân đội trang bị vũ khí hạt nhân của hai nước sẽ thông báo kế hoạch tuần tra dọc khu vực biên giới chưa phân định rõ ràng, nhằm tránh nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự.

Ngoài ra, quân đội hai nước đóng quân dọc khu vực biên giới dài 4.000 km từ cao nguyên phía tây Ladakh tới khu rừng rậm phía đông Arunachal Pradesh cũng sẽ thiết lập một đường dây nóng cho các quan chức chỉ huy đàm thoại. "Mục tiêu chính là duy trì nền hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới", một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết.

Cũng theo quan chức trên, hiệp ước hợp tác quốc phòng biên giới mới được xây dựng dựa trên những phương án xây dựng lòng tin giữa hai nước cũng như đảm bảo công tác tuần tra an toàn, tránh đụng độ dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) – vùng biên giới bất ổn giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc và Ấn Độ từng lâm vào một cuộc chiến biên giới năm 1962. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước không ít lần gặp sóng gió. Phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khu vực rộng hơn 90.000 km2 phía đông dãy Himalayas. Tuy nhiên, Ấn Độ khẳng định Trung Quốc đã xâm chiếm khu vực rộng 38.000 km2 thuộc cao nguyên phía tây Aksai Chin do nước này kiểm soát.

Một trong những lý do khiến tình hình căng thẳng chiến sự giữa hai nước nhiều lần dậy sóng còn liên quan tới hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự tại vùng biên giới chung.

Lâu nay, Trung Quốc không ngừng cải thiện chất lượng đường xá cũng như xây dựng và mở rộng các sân bay nằm bên trong Tây Tạng. Bản báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2010 nhấn mạnh Bắc Kinh đã đưa các hệ thống tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới khu vực này và triển khai khoảng 300.000 binh sĩ tuần tra dọc cao nguyên Tây Tạng.

Trong khi đó, hồi tháng Bảy, nội các Ấn Độ đã quyết định điều động 50.000 binh sĩ tới khu vực biên giới giáp với Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại