Nếu họ vượt biên bằng cách chạy qua vùng phi quân sự giữa biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc hoặc bơi qua sông Áp Lục giữa Triều Tiên – Trung Quốc, họ có thể bị bắn chết bởi lính biên phòng theo chỉ thị của ông Kim Jong-il cho Ủy ban quốc phòng vào 2009.
Từ đầu tháng 11/2013 đến nay, Triều Tiên đã hành quyết công khai khoảng 80 người vì đã xem nhiều chương trình truyền hình Hàn Quốc - một hành vi bị nghiêm cấm tại Triều Tiên. Điều này đã khiến Tổ chức Nhân quyền quốc tế, cũng như cộng đồng thế giới lên án vì sự độc tài vô nhân đạo của nước này.
Không chỉ gặp vấn đề với các sản phẩm văn hóa, người dân Triều Tiên cũng thường xuyên phải sống trong đói khổ và thiếu thốn các cơ sở vật chất cơ bản như điện, nước. Chính vì vậy, họ luôn tìm cách vượt biên sang các nước khác, đặc biệt là Hàn Quốc.
Những người Triều Tiên có rất ít lựa chọn khi vượt biên bởi hai nước có biên giới đất liền giáp Triều Tiên đều không phải điểm đến dễ dàng. Thứ nhất, họ không thể sống ở Trung Quốc, do nước này hợp tác với chính phủ Triều Tiên và xem tất cả những người Triều Tiên chạy khỏi đất nước là những người nhập cư bất hợp pháp hơn là người tị nạn, và trả về nước tất cả những người mà nước này bắt giữ. Thứ hai, con đường duy nhất để sang Hàn Quốc là vượt qua khu vực phi quân sự vô cùng nguy hiểm giữa biên giới hai nước.
Bên cạnh đó, cách thức vượt biên và hình phạt cũng chia làm hai loại tương ứng.
Những người chạy trốn vượt biên bất hợp pháp sang Trung Quốc nếu bị bắt sẽ bị trả về Triều Tiên. May mắn thì sẽ bị “giam giữ” một thời gian ngắn trong “trung tâm huấn luyện lao động”, hoặc sẽ bị phạt tù nhiều năm, nhưng tệ nhất sẽ là tử hình công khai để răn đe những người khác.
Nếu họ vượt biên bằng cách chạy qua vùng phi quân sự giữa biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc hoặc bơi qua sông Áp Lục giữa Triều Tiên – Trung Quốc, họ có thể bị bắn chết bởi lính biên phòng theo chỉ thị của ông Kim Jong-il cho Ủy ban quốc phòng vào 2009. Như vào năm 2011, lính biên phòng Triều Tiên đã bắn chết 5 người dân khi họ đang cố chạy sang Trung Quốc.
Chính vì vậy, cuộc chạy trốn của những người Triều Tiên đều rất khó khăn, và rất ít người thành công, và họ thường xuyên phải di chuyển qua ít nhất hai quốc gia để có thể đến được nơi cuối cùng họ muốn.
Điển hình nhất trong các cuộc vượt biên này có lẽ là câu chuyện của Hyeonseo Lee, một người Triều Tiên đã trốn chạy vào năm 1997, hiện đang sống ở Hàn Quốc và hoạt động vì người tị nạn Triều Tiên. Vào giữa những năm 90, do nạn đói trầm trọng giết chết hơn một triệu người và cả những người họ hàng của cô, cô đã chạy sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây lại không dễ dàng, bởi lẽ chỉ cần bị bắt giữ, cô sẽ bị trả về Triều Tiên và kết thúc trong ngục tù. Theo cô Lee, hàng năm có vô số người Triều Tiên bị bắt ở Trung Quốc và bị trả về nước, nơi mà họ bị tra tấn, giam cầm hoặc xử tử công khai.
Người Triều Tiên luôn phải cố gắng che giấu danh tính cho dù đã học tiếng Trung hay có việc làm ở Trung Quốc. Bởi lẽ nếu họ bị phát hiện, tất cả sự ổn định sẽ biến mất. Vì vậy sau 10 năm ở Trung Quốc, cô Lee đã quyết định sẽ sang Hàn Quốc để không phải nơm nớp sống trong lo sợ.
Mặc dù không dễ dàng để hòa nhập vào cuộc sống tại Hàn Quốc, nhưng Lee đã vượt qua được và theo học tại một trường đại học. Nhưng khi mọi chuyện bắt đầu êm xuôi, cô nhận được một tin sét đánh. Chính quyền Triều Tiên đã phát hiện việc cô chuyển tiền cho gia đình mình ở quê nhà từ một người môi giới, và để trừng trị việc này, gia đình Lee bị buộc phải dời về sống ở một vùng quê hoang vu hẻo lánh.
Lo sợ gia đình sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn, cô Lee đã lên kế hoạch giải cứu họ. Tuy nhiên, để đón gia đình mình sang Hàn Quốc, cô đã phải bay ngược lại Trung Quốc và tới biên giới Trung – Triều để đưa gia đình “đi lậu” qua Trung Quốc, rồi đi sang một nước khác để mua vé máy bay sang Hàn Quốc. Bởi nếu bị phát hiện nhập cư trái phép ở Trung Quốc sẽ bị trả về Triều Tiên, trong khi từ Triều Tiên không thể đi thẳng sang Hàn Quốc. Sau đó, cô đã phải hướng dẫn họ trên suốt một chặng đường dài hơn 3.200 km ở Trung Quốc và sau đó là ở Đông Nam Á vì gia đình cô không nói được tiếng Trung.
Dù đã may mắn vượt qua nhiều trạm kiểm soát nhờ biết nói tiếng Trung và những cảnh sát dễ tính, nhưng tại biên giới Lào, gia đình cô đã bị bắt bỏ tù vì vượt biên trái phép. Cô Lee đã phải dồn hết tiền đóng phạt và gia đình cô đã được trả tự do sau một tháng ngồi tù. Nhưng khi tới thủ đô Lào, họ lại tiếp tục bị bắt. Trong khi cô tuyệt vọng vì đã không còn tiền để đóng phạt, một người lạ mặt đã trả tiền phạt giúp cô và gia đình. Sau đó, gia đình cô đã may mắn sang được Hàn Quốc.
Thực sự hành trình trốn chạy của cô và gia đình có lẽ là hành trình may mắn nhất trong số những người chạy trốn bởi họ luôn gặp được những sự giúp đỡ và những cơ hội kịp thời. Trong khi tại Triều Tiên, vẫn còn những người đã mất nhiều năm cố gắng, thậm chí là mất mạng để tìm đường đến tự do.