Triều Tiên: Vì sao giấc mộng "thoát Trung" mãi không thành?

Kiều Tỉnh |

Quan hệ Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên thời gian qua diễn biến phức tạp, khi tình hữu nghị “xây đắp bằng máu”, “sát cánh cùng chiến hào” với Bình Nhưỡng ngày càng phai nhạt.

Quan hệ Trung - Triều thậm chí bị cho là đã rạn nứt khi quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc trở nên mặn nồng.

Hiện tượng này làm dư luận ngạc nhiên, nhưng ngược dòng lịch sử, thì đây là di chứng của Thời kỳ Chiến tranh Lạnh để lại.

Mới đây, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong, đồng thời là chuyến thăm Trung Quốc của đoàn được lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận đã bất ngờ bị gián đoạn do nhóm nhạc bỏ về nước ngày 12/12.

Dư luận các nước đều đánh giá sự kiện này cho thấy mâu thuẫn quan hệ Trung - Triều âm ỉ từ lâu và đang ngày càng gay gắt trong quan hệ tam giác Triều Tiên - Trung Quốc - Hàn Quốc.

Bán đảo Triều Tiên - Di chứng của Chiến tranh Lạnh

Ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, mâu thuẫn giữa Mỹ, Phương Tây với Liên Xô bắt đầu xảy ra, từ đó hình thành hai phe và hai trận tuyến. Phe Tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu, phe Xã Hội Chủ Nghĩa do Liên Xô cầm đầu, tập hợp các nước đồng minh xung quanh mình chống lại nhau.

Từ đó thế giới hình thành cục diện Chiến tranh Lạnh mà cái mốc kể từ tháng 3 năm 1947 khi Tổng thống Mỹ Truman chính thức công bố chính sách “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, chống lại Liên Xô”.

Cục diện này kéo dài hơn 40 năm trong Thế kỷ 20, tuy chiến tranh thế giới không xảy ra, nhưng chiến tranh cục bộ xảy ra ở nhiều khu vực trong đó có bán đảo Triều Tiên.

Thập niên 1990 Thế kỷ 20 khi Liên Xô - Đông Âu sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng nó vẫn để lại nhiều di chứng mà bán đảo Triều Tiên là một trong những di chứng này.

Cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 15/6/1950 bộc lộ rõ mâu thuẫn giữa các nước lớn. Cuộc chiến kết thúc vào ngày 27/7/1953 với Hiệp định đình chiến ký kết tại Bàn Môn Điếm, trong đó Triều Tiên -Trung Quốc là một bên, một bên là Mỹ đại diện cho liên quân.

Hiệp định này đã chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền kể từ đó cho tới nay.

Sau cuộc Chiến tranh này, khu vực Đông Bắc Á đã hình thành hai trục quan hệ đối đầu nhau, một bên là Triều Tiên-Trung Quốc-Liên Xô và một bên là Mỹ - Nhật - Hàn Quốc - Đài Loan.

Mỗi bên đều muốn lập ra một khu đệm nhằm bảo vệ an ninh của mình, nhằm ngăn chặn từ xa các cuộc tấn công của đối phương.

Hai nước Trung Quốc và Liên Xô là “người đỡ đầu” chủ yếu của Triều Tiên. Tuy nhiên sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì vai trò này của Nga giảm sút đáng kể.

Trong khi đó, Mỹ và Đồng Minh là “người đỡ đầu” cho Hàn Quốc. Cả hai bên đều không muốn bán đảo này thống nhất thành một khối vì sợ rằng khu đệm này mất đi làm ảnh hưởng tới bố cục địa chiến lược cũng như lợi ích chiến lược của các bên.

Kể từ khi Trung Quốc tiến hành quốc sách Cải cách mở cửa vào cuối thập niên 1970 và Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 1990, tình hình đã diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Mỹ và Đồng Minh.

Lúc này, cả hai "người đỡ đầu lớn” của Bình Nhưỡng là Trung Quốc và Nga đều lập quan hệ ngoại giao với Mỹ/Đồng Minh, đồng thời ra sức mở rộng quan hệ buôn bán, hợp tác kinh tế đầu tư, hợp tác chính trị, chiến lược thậm chí cả hợp tác quân sự vì lợi ích của đất nước mình.

Số liệu thống kê của Trung Quốc cho biết khi lập quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ vào năm 1979, kim ngạch mậu dịch hai nước khoảng trên 2 tỉ USD, tới năm 2008 kim ngạch buôn bán hai bên tới 333,7 tỉ USD, tăng hơn 130 lần so với năm 1979.

Hiện nay kim ngạch buôn bán hai nước tới gần 500 tỉ USD.

Tính tới cuối tháng 6/2009, Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc 57.331 hạng mục với tổng kim ngạch đầu tư thực tế trên 61 tỉ USD, trở thành một trong đối tác buôn bán và đầu tư lớn nhất của Trung Quốc.

Cùng với hợp tác kinh tế buôn bán, quan hệ chính trị quân sự cũng tăng lên, khiến hai nước ngày càng gắn bó với nhau.

Sau khi tiến hành 6 vòng Đối thoại chiến lược chính trị và 5 vòng Đối thoại chiến lược kinh tế, hai nước chuyển sang giai đoạn mới là tiến hành Đối thoại chiến lược và kinh tế từ năm 2009, tới nay đã tiến hành được 7 vòng, trong đó vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên là một nghị trình quan trọng trong đối thoại này.


Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh minh họa: Fox News)

Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh minh họa: Fox News)

Trong khi đó quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc cũng không ngừng tăng lên, nhất là từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Số liệu của Trung Quốc cho biết khi lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch buôn bán Trung - Hàn chỉ có 5 tỉ USD, nhưng tới năm 2004 đạt trên 90 tỉ USD.

Năm 2012 đạt 253 tỉ USD, dự kiến năm 2015 có thể đạt 300 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc tại Trung Quốc tới 9/2007 đạt 21,1 tỉ USD với 19.512 hạng mục.

Chẳng những quan hệ kinh tế, buôn bán, mà quan hệ ngoại giao, quân sự hai nước Trung - Hàn cũng tăng lên đáng kể, nhất là trao đổi và đối thoại cấp cao.

Cùng với quan hệ Trung - Hàn tăng lên thì quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, quan hệ Trung Quốc đại lục - Đài Loan đã chuyển từ thù địch sang đối thoại và hợp tác kinh tế.

Tình trạng “có mới nới cũ” của Trung Quốc làm Triều Tiên bị rơi vào thế bị cô lập tại Khu vực Đông Bắc Á, tình hình phát triển kinh tế, buôn bán gặp nhiều khó khăn, bởi vậy, phát triển quân sự, nhất là vũ khí hạt nhân là một đảm bảo cho lợi ích quốc gia của Triều Tiên.

Tình trạng này đã làm quan hệ hai nước Triều - Trung trở nên căng thẳng và xấu đi. Đây là một đặc điểm nổi bật ở bán đảo Triêu Tiên và cũng là nguyên nhân đưa tới vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

GDP năm 2009 của Triều Tiên chỉ đạt 27,8 tỉ USD, trao đổi hợp tác kinh tế buôn bán của Triều Tiên chủ yếu với Trung Quốc là.

Năm 2009, kim ngạch buôn bán hai chiều Trung - Triều đạt 2,8 tỉ USD, chiếm 70 % tổng kim ngạch buôn bán với các nước.

Trên thực tế, Trung Quốc là “người đỡ đầu” nuôi Triều Tiên, như hàng năm viện trợ trung bình từ 100 – 200 triệu USD.

Những năm đầu thế kỷ 21, do kinh tế Triều Tiên sa sút, nên viện trợ của Trung Quốc tăng lên đáng kể, như năm 2005 tới 2 tỉ USD, từ năm 2006 tới năm 2010 viện trợ cho Bình Nhưỡng tới 7,5 tỉ USD. Trung Quốc là nước cung cấp tới trên 70% nguyên nhiên liệu, lương thực cho Triều Tiên.

Trong khi kinh tế Triều Tiên khó khăn thì kinh tế Hàn Quốc không ngừng lớn mạnh, dự kiến tới năm 2030, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc đạt từ 16.000 USD tới 49.000 USD, nâng khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc từ vị trí thứ 25 thế giới năm 2005 lên vị trí thứ 10 năm 2030.

Tình trạng này làm so sánh thực lực kinh tế giữa hai miền bán đảo Triều Tiên trở nên chênh lệch quá lớn, từ đó cũng tạo ra mâu thuẫn nghiêm trọng.

Sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên làm cho trục Triều Tiên - Trung Quốc - Nga đều là những bên sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan không có vũ khí hạt nhân.

Đây là điều làm Mỹ lo ngại Khu vực Đông Bắc Á sẽ trở thành một khu vực điểm nóng vũ khí hạt nhân trên thế giới, thế cân bằng chiến lược quân sự bị đảo lộn.

Vì vậy, ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực này, đồng thời nó cũng là một lá bài gây sức ép với Trung Quốc, một nước hiện đang thách thức địa vị bá quyền của Mỹ.

Để hòa dịu quan hệ Trung - Mỹ, Trung Quốc đề xuất và cầm trịch “Đàm phán 6 bên về vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên” vào tháng 8/2003 để kiểm soát Triều Tiên và trấn an Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Di chứng của bán đảo Triều Tiên theo đó càng xấu đi.


Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung (phải) nắm tay thân mật lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 6/2000.

Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung (phải) nắm tay thân mật lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 6/2000.

Những nỗ lực của 2 miền bán đảo

Mỹ và dư luận các nước, tiếp đó cả Trung Quốc đều cho rằng sự phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tạo ra điểm nóng trên thế giới, đe dọa hòa bình ổn định khu vực Đông Bắc Á. Vì vậy, các bên đều muốn tìm giải pháp chữa trị di chứng này.

Trước tiên là nội bộ hai miền bán đảo Triều Tiên. Do tính dân tộc của nhân dân Triều Tiên rất cao, nên họ mong muốn thống nhất, muốn phá rào thoát khỏi sự lệ thuộc vào hai ông chủ. Hai miền nam - bắc đã có những bước đi hòa dịu rất khích lệ.

Ngày 25/2/1998 khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã đưa ra "Chính sách ánh dương" mang tính đột phá, chủ động giúp Triều Tiên phát triển kinh tế, chủ động lên Bình Nhưỡng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai miền từ 13/6 - 15/6/2000 sau hơn nửa thế kỷ chia cắt.

Tiếp đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tiến hành chuyến thăm đáp lễ Hàn Quốc. Hàn Quốc đã tiến hành mở Khu công nghiệp ở Kaesong và viện trợ các mặt cho Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng mở khu du lịch Kum Gang cho Hàn Quốc.

Đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye khi là nghị sĩ quốc hội đã hai lần thăm Triều Tiên vào tháng 3 và tháng 7/2004 để tìm kiếm con đường hòa giải dân tộc và được cố Chủ tịch Kim Jong Il đón tiếp trọng thị.

Khi bà thắng cử, lần đầu tiên trong lịch sử hai nước Triều Tiên, Hãng thông tấn chính thức nhà nước Triều Tiên và tờ Rodong Sinmun - cơ quan phát ngôn của đảng Lao Động Triều Tiên ngày 20/12/2012 đều đưa tin về kết quả bầu cử Tổng thống Hàn Quốc.

Dư luận cho rằng đây là thông điệp cho bước đi hòa dịu. Ngoài ra, hai bên liên tiếp tổ chức các cuộc gặp gỡ các gia đình li tán trong chiến tranh sống ở hai miền.

Tuy nhiên, những bước đi hòa dịu này đều bị hai "ông lớn" là Mỹ và Trung Quốc làm ách lại.

Trong chuyến thăm Mỹ từ 4/3 tới 9/3/2001, ông Kim Dae Jung đã đề nghị chính quyền của Tổng thống George Bush thực hiện chính sách nới lỏng hơn nữa với Bình Nhưỡng để làm mềm hơn quan hệ Liên Triều, nhưng bị Bush gạt bỏ.

Trong khi đó, “ông chủ Trung Quốc” còn ngặt nghèo hơn. Do hoàn toàn phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc theo kiểu xin - cho, nên về chính trị Triều Tiên phải thỉnh thị Trung Quốc, từ đó những bước đi của Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ đều bị Trung Quốc ách lại.

Kể từ khi ông Kim Jong Un và bà Park Guen Hye lên nắm quyền tới nay, hai miền bán đảo Triều Tiên chưa có bước đi mang tính đột phá nào đáng kể.

Đàm phán 6 bên - một sản phẩm của Trung Quốc khiến Bình Nhưỡng nổi giận

Khi những nỗ lực giảm căng thẳng của hai miền bị ách lại thì “Vòng đàm phán 6 bên về vũ khí hạt nhân bán đảo Triều Tiên” ra đời.

Đây có thể nói là sản phẩm chủ yếu của Trung Quốc do bị Mỹ gây sức ép nhiều mặt.

Để hòa dịu bầu không khí quan hệ Mỹ-Trung, Bắc Kinh đề xướng cơ chế “Đàm phán 6 bên” (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản) nhằm mục đích hòa hoãn quan hệ hai miền đồng thời là nước cờ lấy Triều Tiên làm con bài "mặc cả" với Mỹ.

Đàm phán 6 bên họp được 6 vòng đều ở Bắc Kinh và đều do Trung Quốc cầm trịch. Vòng thứ nhất họp trong ba ngày từ 27/8 - 29/8/2003 và Vòng 6 họp từ ngày 18/7/2007 kết thúc ngày 30/9/2007.

Đáng lưu ý là Giai đoạn 2 của Vòng 4, các bên ra Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 gồm 7 điểm, trong đó Triều Tiên tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân, nhanh chóng trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và chấp nhận sự giám sát quốc tế.

Các bên còn lại cam kết sẵn sàng cung cấp dầu lửa, năng lượng, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản cam kết từng bước bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.


Đại diện các quốc gia tham dự Đàm phán 6 bên chụp ảnh tại nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh ngày 26/7/2005. Ảnh: Getty Images

Đại diện các quốc gia tham dự Đàm phán 6 bên chụp ảnh tại nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh ngày 26/7/2005. Ảnh: Getty Images

Nhưng ngay sau khi ký kết Triều Tiên nhận thấy mình đã bị lừa, bởi vì viện trợ và đảm bảo an ninh chưa thấy đâu, nhưng bản thân bị mất đi quyền tự vệ có hiệu lực nhất, an ninh và chủ quyền bị đe dọa.

Bởi vậy, quốc gia này bắt đầu tẩy chay Đàm phán 6 bên, đồng thời liên tiếp bắn thử tên lửa tầm xa, tiếp đó tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ nhất vào ngày 16/10/2006, nên bị Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết số 1718 lên án và trừng phạt.

Đáng lưu ý là Trung Quốc đã ủng hộ Nghị quyết này và gây sức ép đáng kể đối với Triều Tiên, vì vậy ngày 23/4/2009 Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Đàm phán 6 bên.

Tiếp đó ngày 25/5/2009, Triều Tiên lại tiếp tục tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ hai và Liên Hợp Quốc ngày 12/6/2009 đã ra Nghị quyết số 1874 lên án hành động trên.

Kể từ đó tới nay, Đàm phán 6 bên rơi vào bế tắc, cơ may nối lại rất mờ mịt. Trung Quốc - Người cầm trịch bị bẽ mặt, vai trò uy tín đối với bán đảo Triều Tiên bị giảm sút nghiêm trọng.

Đàm phán 6 bên không còn là “lá bài” hiệu lực để mặc cả với Mỹ, bất chấp việc tới nay Bắc Kinh vẫn thúc giục Triều Tiên và các bên tái khởi động và quay lại Đàm phán, đồng thời coi Tuyên bố 7 điểm ngày 19/9/2005 là tiêu chí cho giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

“Sản phẩm” này của Trung Quốc đã bị Triều Tiên từ chối. Dư luận một số nước thậm chí cho rằng Đàm phán 6 bên có thể chỉ là vấn đề lịch sử trong quá khứ.

Bắc Kinh tìm mọi cách cản Triều Tiên "phá rào" tiếp cận Mỹ

Thời kỳ Bill Clinton nắm quyền, hai nước Mỹ và Triều Tiên cũng có những bước đi hòa dịu đáng khích lệ, nhất là những chuyến đi Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào năm 1994 sau hơn 40 năm hai nước thù địch.

Tiếp đó, tháng 4/2011 ông Carter lại có chuyến thăm Bình Nhưỡng và được lãnh tụ Kim Jong Il cho biết “Sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Hàn Quốc”.

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, hai nước Mỹ và Triều Tiên đã 4 lần tiến hành gặp gỡ và đàm phán trực tiếp giữa quan chức chính phủ hai nước.

Năm 2014, tạp chí Time của Mỹ bình chọn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới để chứng tỏ Mỹ coi trọng ông Kim và mong muốn mở ra quan hệ hai nước.

Trong bài “Nhìn lại tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên” đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ ngày 20/4/2013, Tiến sĩ Robert Joseph Manning viết: “Trên thực tế, Triều Tiên đang mong muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ.

Thời gian qua, Triều Tiên cho phép các Công ty máy tính Mỹ tới đầu tư. Ngay trong lúc tình hình căng thẳng tháng 4/2013, Triều Tiên tuyên bố sẽ tổ chức cuộc chạy thi marathon ở Bình Nhưỡng và mời các vận động viên Mỹ tham gia.

Trung tuần tháng 4/2013, Triều Tiên còn tổ chức 'Liên hoan phim quốc tế' diễn ra trong 10 ngày, đã mời các nước Phương Tây và Mỹ tham gia.”

Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng từ 20/5 - 26/5/2011, ông Kim Jong Il đã đưa ra ba yêu cầu, trong đó yêu cầu đầu tiên là Triều Tiên cần cải thiện quan hệ và đối thoại trực tiếp với Mỹ không qua trung gian Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ muốn duy trì các cuộc đàm phán 6 bên hoặc ít nhất là đàm phán có Trung Quốc chủ trì.

Bởi vậy, dư luận cho rằng Triều Tiên đang muốn “phá rào cản Trung Quốc” để đối thoại mang tính thực chất với Mỹ, như vậy sẽ có lợi hơn cho Triều Tiên, nhưng hiện nay chưa thể “phá rào thành công” do Trung Quốc ra sức tìm cách ngăn cản.

Trong bài “Triều Tiên ngày càng xa rời Trung Quốc”, mạng tin quân sự Tây Lục ngày 21/4/2013 viết: “Triều Tiên ngày càng muốn tiếp cận Mỹ và lên án Trung Quốc đã kìm hãm họ.

Triều Tiên cho rằng Trung Quốc là nước kiếm lời trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, nhưng ra sức kể công.

Hiện nay Trung Quốc đi với Mỹ, nhờ Mỹ giúp đỡ nên kinh tế mới phát triển mạnh mẽ, nhưng lại ra sức kiềm chế Triều Tiên đối thoại trực tiếp với Mỹ.”


Trong thông điệp năm mới ngày 1/1/2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tỏ rõ thái độ muốn cải thiện quan hệ với Seoul mà không nhắc tới đồng minh Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong thông điệp năm mới ngày 1/1/2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tỏ rõ thái độ muốn cải thiện quan hệ với Seoul mà không nhắc tới "đồng minh" Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Giải pháp nào chữa trị "di chứng"

Cuộc Chiến tranh Lạnh đã để lại di chứng của bán đảo Triều Tiên hiện nay. Điều cốt lõi để loại bỏ di chứng này là đất nước thống nhất, hòa giải dân tộc, gia đình đoàn tụ, nhân dân được tự mình quyết định vận mệnh của nước mình, đưa đất nước phát triển phồn vinh, dân chúng sống trong hòa bình và ổn định.

Nhưng hai nước Trung Quốc và Mỹ lại không muốn như vậy, vì nó đụng chạm tới lợi ích chiến lược của họ. Một nước Triều Tiên thống nhất có kinh tế phát triển lại có vũ khí hạt nhân sẽ là mối đe dọa đối với hai nước lớn, nhất là Trung Quốc.

Chính vì vậy, họ luôn ngăn cản hai miền bán đảo thống nhất, muốn duy trì hiện trạng hai miền càng lâu càng tốt.

Mọi bước đi hòa giải và hiệp thương đi tới thống nhất đất nước của Seoul và Bình Nhưỡng đều bất lợi đối với lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng tuyên bố: "Vũ khí hạt nhân là tài sản chung của cả dân tộc hai miền nam bắc Triều Tiền”, cho thấy nguyện vọng thống nhất đất nước, hòa giải dân tộc của cả hai miền là chính đáng, là hiện thực, nhưng đang bị bên ngoài can thiệp.

Vấn đề cốt lõi trên bị nước lớn làm ngơ, trong khi đó, họ lại tập trung vào vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, hơn nữa cả 5 nước lại chỉ tập trung mũi nhọn vào Triều Tiên, nên bị Triều Tiên tẩy chay là điều dễ hiểu. Quan hệ Trung - Triều bị xấu đi là điều khó tránh khỏi.

Dư luận các nước cho rằng Triều Tiên và Hàn Quốc là con bài của hai nước lớn để mặc cả với nhau, đối với Trung Quốc thì con bài này nặng ký hơn khi chơi với Mỹ.

Người Trung Quốc cho rằng Mỹ có nhiều con bài chơi với Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc thì có quá ít "vốn" để chơi lại, nên Trung Quốc không thể bỏ được "đồng minh xương máu" Triều Tiên.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng viết: "Từ bỏ Triều Tiên đồng nghĩa với việc Trung Quốc hai tay dâng tặng lợi ích chiến lược cho Mỹ - điều mà Mỹ rất mong muốn nhưng không thể thực hiện nổi trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên”.

Diễn biến trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua cũng như quan hệ của hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ đối với vấn đề bán đảo cho thấy, chưa có dấu hiệu nào để hai "ông lớn" có những biện pháp chính sách thực chất giải quyết vấn đề cốt lõi của di chứng bán đảo Triều Tiên do Chiến tranh Lạnh để lại.

Vì vậy tình hình bán đảo này vẫn rơi vào bế tắc, thậm chí có thể xấu đi trong năm tới khi Triều Tiên cũng như Hàn Quốc đang muốn thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc và Mỹ./.

(Còn tiếp...)

 
TÁC GIẢ KIỀU TỈNH
Tác giả từng theo học tại Học viện Ngoại thương Bắc Kinh trong thập niên 1960, sau đó công tác tại TTXVN từ năm 1983 tới năm 2006. Ông là Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ 1984–1991, Trưởng Phân xã TTXVN tại Hồng Kông từ 1996-2001 và 2004–2006.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại