Triều Tiên tuyên bố lý do thử nghiệm bom khinh khí

Hải Võ |

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm 8/1 đã tái khẳng định nguyên nhân nước này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân trước đó 2 ngày.

Trong bài xã luận "Bom khinh khí chính nghĩa là niềm tự hào của Triều Tiên", KCNA viết: "Trong tình hình trật tự thế giới tuân theo quy luật 'mạnh được yếu thua' như hiện nay, mỗi quốc gia muốn gìn giữ chủ quyền và phẩm giá của mình thì buộc phải có vũ khí hạt nhân."

"Đây là bài học xương máu của thế kỷ 21 đã được thực tế chứng minh," hãng thông tấn Triều Tiên đánh giá và dẫn chứng bằng 2 trường hợp của Iraq, Libya.

Theo KCNA, chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và Muammar Gaddafi ở Libya "đã khuất phục trước áp lực nhằm thay đổi chế độ của Mỹ-phương Tây, để cho bên ngoài dàn xếp và giải tán hoàn toàn cơ sở phát triển hạt nhân cũng như chủ động từ bỏ vũ khí hạt nhân".

"Kết quả là bọn họ (Saddam và Gaddafi) phải nhận lấy vận mệnh bi thảm."

Triều Tiên gay gắt tuyên bố: "Chừng nào Mỹ còn chưa chấm dứt chính sách thù địch với Triều Tiên và hành vi dùng sức mạnh chiếm đoạt chủ quyền của các thế lực chủ nghĩa đế quốc trên thế giới chưa biến mất, thì cho dù trời sập xuống Triều Tiên cũng không bao giờ hành động ngu ngốc là từ bỏ phát triển hạt nhân và vũ khí hạt nhân."


Ảnh: dfic.cn

Ảnh: dfic.cn

Trưa ngày 8/1, cũng là ngày sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, quân đội Hàn Quốc đã tái khởi động hệ thống loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở 11 điểm sát biên giới Hàn-Triều, trong đó có nhiều nội dung chỉ trích ông Kim.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) bày tỏ quan ngại động thái "xúc phạm phẩm giá tối cao của Triều Tiên" có thể sẽ khiến Bình Nhưỡng nổi giận.

Tại các điểm đặt loa phát thanh, quân đội Hàn Quốc đã gia tăng lực lượng phòng thủ, giám sát để đề phòng quân đội Triều Tiên tấn công.

Trong một diễn biến khác, Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc hợp tác chặt chẽ và tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc điện đàm hôm 7/1 với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã nói thẳng rằng chính sách mà Bắc Kinh áp dụng với Bình Nhưỡng "không phát huy tác dụng".

Tờ Financial Times của Anh bình luận, Mỹ đang gia tăng áp lực để buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách đối ngoại vốn có với Triều Tiên.

Quốc hội Mỹ chuẩn bị phê chuẩn vòng cấm vận tiếp theo đối với Bình Nhưỡng, được cho là có liên quan tới các ngân hàng Trung Quốc.

Hãng BBC (Anh) thì cho hay, giới quan sát quốc tế nhận định phổ biến rằng việc Trung Quốc chậm trễ đưa ra hành động cứng rắn đối với Triều Tiên chủ yếu do quan ngại làn sóng người di cư tràn sang nước này nếu Mỹ và phương Tây đánh đổ chính quyền của ông Kim Jong Un.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng e ngại một bán đảo thống nhất bằng sự ra đi của gia tộc họ Kim ở Triều Tiên sẽ khiến ảnh hưởng trong khu vực Đông Bắc Á của Mỹ tăng mạnh, thậm chí tiến sát tới biên giới trên bộ với Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 8/1 phản ứng với nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Kerry khi tuyên bố: "Căn nguyên của vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên không đến từ Trung Quốc. Mấu chốt để giải quyết vấn đề cũng không nằm ở Trung Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại